Kinh tế Huế

Chưa chạm “điểm nghẽn” của doanh nghiệp

[ad_1]


Các hoạt động văn hóa bị hạn chế tổ chức khiến du lịch bị ảnh hưởng

Thời hạn tái cấp vốn chỉ đến 31/1/2021

Sau hơn 2 tháng tiến hành sửa đổi và nới lỏng những điều kiện cho vay gói 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh và các phòng giao dịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp cận với các DN trên địa bàn nhằm nắm tình hình và rà soát các DN đáp ứng điều kiện cho vay. Dù nguồn vốn cho vay khá lớn, nhưng mới chỉ 1 DN vay được vốn từ gói vay này.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Văn Đức Thọ, để đảm bảo không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách nên quy định cho vay vốn vẫn chặt chẽ, người sử dụng lao động muốn vay gói tín dụng này phải đáp ứng đủ các điều kiện. Đó là, có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020, có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại thời điểm ngày 31/12/ 2019.

Dù thời hạn tái cấp vốn cho Ngân hàng CSXH theo quy định của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN chỉ kéo dài đến hết ngày 31/01/2021 kể từ thời điểm ký khế ước nhận nợ đầu tiên. Theo đó, trong trường hợp đến hết ngày 31/01/2021, Ngân hàng CSXH không giải ngân hết số tiền đã nhận thì trước ngày 10/02/2021, ngân hàng này phải trả lại cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất. Điều này đồng nghĩa, thời gian của DN tiếp cận với gói vay này không còn nhiều.

Theo các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH trên địa bàn, thủ tục vay vốn cho gói vay này khá gọn, khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, chỉ cần đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng là đủ. Tuy nhiên, quy định DN phải đảm bảo có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên khá khó. Chưa kể, DN không hào hứng lắm với gói vay vốn này nên con số giải ngân rất thấp, chỉ 339 triệu đồng trả lương cho 198 lao động.

Cần nhất vẫn là vốn tái sản xuất

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch Đại Bàng chia sẻ, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tỉnh đã nỗ lực trong việc kiểm soát dịch bệnh, triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, tuy nhiên do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch. Lượng khách du lịch đến Huế chỉ đạt 39,2% kế hoạch; thiệt hại về doanh thu du lịch ước khoảng 8.000 tỷ đồng là những con số đủ để chứng minh những vất vả mà DN du lịch đang đối mặt. Thiệt hại nhiều, vì thế ưu tiên nhất của DN là vốn để phục hồi, triển khai các chương trình xúc tiến du lịch tại chỗ… Tuy nhiên, việc tiếp cận với các gói vay thương mại trong điều kiện hiện nay không hề dễ dàng với những ràng buộc về chứng minh năng lực, thế chấp tài sản…

Nhiều DN khác cũng có chung quan điểm như trên. Theo đó, trong thời gian khó khăn như hiện nay, ưu tiên hàng đầu của DN là giữ vững phát triển ổn định trong dịch, điều này vừa góp phần đảm bảo doanh thu vừa đảm bảo cuộc sống của nhân viên. Nếu DN không tạm ngưng hoạt động thì DN đó cũng sẽ duy trì vận hành kiểu 50/50 (ngày làm ngày nghỉ) để đảm bảo nhân viên không mất việc. Do đó, ưu tiên của DN lúc này không phải là vốn vay trả lương lao động nghỉ việc mà là vốn để đầu tư khôi phục kinh tế đảm bảo việc làm cho người lao động. Vì thế, gói vay này chưa thật sự chạm “điểm nghẽn” của DN. Chưa kể, thời hạn cho vay không quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân là quá ngắn, vô hình trung làm khó DN khi chưa kịp khôi phục đã phải gồng mình trả nợ.

Theo thống kê của Hiệp hội DN tỉnh, từ khi bùng phát dịch đến nay có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN trong nhiều lĩnh vực như giá dịch vụ, tiền thuê đất, thuế – phí – lệ phí, vốn – tín dụng, lao động – bảo hiểm xã hội… Nhiều chính sách đã và đang có hiệu quả hỗ trợ tích cực, song đa phần vẫn chỉ dừng lại ở việc gia hạn chứ chưa nhắc nhiều đến việc miễn, giảm và quá nhiều ràng buộc. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, Chính phủ cũng như các ngành cần rà soát nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp, nới lỏng một số điều kiện thụ hưởng, nhất là các thủ tục chứng minh về tài chính. Việc kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh cũng là giải pháp hỗ trợ DN hiệu quả nhất…

Bài, ảnh: Hoàng Loan

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button