Tin tức Huế

20 năm hành trình và phát huy di sản cố đô Huế

Tin tức Huế – Sáng mai (22-9), Lễ kỷ niệm 20 năm quần thể di tích cố đô Huế được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO; 10 năm Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại, sẽ được tổ chức long trọng tại TP Huế.  Nhìn lại chặng đường đã đi qua, TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) cho biết: Đó là 20 năm ghi dấu những thành công to lớn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Huế. 

Bảo vệ “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”

Quần thể di tích cố đô Huế là nơi còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn những giá trị nghệ thuật về kiến trúc cung đình, bao gồm thành quách và lăng tẩm của vua chúa triều Nguyễn. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu, các nhà kiến trúc đã gắn cho Huế biệt danh “Kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”. Có lẽ vậy nên dù trải qua bao biến thiên lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được những kỳ quan nghệ thuật mà người xưa xây dựng nên.   

Theo TS. Phan Thanh Hải, năm 1993, khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận với 17 cụm di tích khác nhau thì một vấn đề rất lớn cũng được đặt ra là làm sao phải có một chiến lược mang tầm quốc gia để bảo tồn các di sản vô giá đang ở trong tình trạng lâm nguy do sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai và cả do ý thức của con người. Lúc này, dự án đã được đặt ra với hai phương diện: bảo tồn và phát huy mọi giá trị quý giá của di sản văn hoá cố đô Huế bao gồm giá trị di sản văn hoá vật chất, giá trị di sản văn hoá tinh thần và giá trị di sản văn hoá môi trường, cảnh quan đô thị và thiên nhiên.

 Từ khi được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ. 

Các nhà nghiên cứu Huế cho rằng: Công việc mà các nhà quản lý di sản làm được chính là: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản. Theo đó, một số công trình tiêu biểu đã được trùng tu gồm: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường Lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính), tổng thể lăng Gia Long, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình, Hiển Đức Môn (lăng Minh Mạng), điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, Bửu Thành và Bửu Đỉnh Khiêm Lăng (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng kinh thành… Các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của hiến chương, công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Theo thống kê của TTBTDTCĐ Huế, riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2012 đã đạt gần 825 tỷ đồng (tính đến ngày 31-8-2012), doanh thu từ dịch vụ đạt hơn 50 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản. Đây cũng chính là những thành tựu của công tác bảo tồn mà di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương. 

hue24h

Tôn vinh và quảng bá rộng rãi Nhã nhạc  

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại vào ngày 7-11-2003. Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc Nhã nhạc được UNESCO ghi danh đã nâng cao vị thế của địa phương, góp phần làm cho việc xây dựng Huế trở thành một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Ông Trương Tuấn Hải – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc TTBTDTCĐ Huế) cho biết: Hoạt động biểu diễn, truyền dạy và quảng bá đã góp phần làm sống lại và tạo sức sống mãnh liệt cho Nhã nhạc. Hiện nay, các bài bản trong hệ thống Nhã nhạc có thể sử dụng ở các hình thức diễn xướng khác nhau trong các dịp như: Festival Huế, lễ hội dân gian, lễ hội Phật giáo, âm nhạc thính phòng, trong các nghi thức ngoại giao, biểu diễn phục vụ khách du lịch, biểu diễn phục vụ nhân dân trong các cuộc đại lễ hoặc tết cổ truyền dân tộc… Đặc biệt, Nhã nhạc được thực hành ngay trong môi trường diễn xướng đã từng tồn tại trước đó, đây là điều kiện quan trọng để cho Nhã nhạc được duy trì và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. 

Ngoài ra, nhiều hồ sơ khoa học về Nhã nhạc đã được triển khai thực hiện như: Trống Thái bình, điệu múa Lục cúng hoa đăng, chế tác nhạc cụ dây và gõ của dàn Nhã nhạc triều Nguyễn… nhằm giới thiệu sự nghiệp hoạt động của các nghệ nhân, chỉ ra những đặc điểm sử dụng các “ngón nghề” trong kỹ năng, kỹ thuật diễn xướng của nghệ nhân nhằm giới thiệu những bí kíp mà nghệ nhân.

Theo các nghệ sĩ cung đình đang làm công tác trình diễn Nhã nhạc, kể từ khi được UNESCO ghi danh, công tác quảng bá về giá trị di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ thưởng thức, sự quan tâm và yêu thích của mọi tầng lớp nhân dân về Nhã nhạc và âm nhạc truyền thống. Các nghệ sĩ cung đình đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn giới thiệu rộng rãi Nhã nhạc đến công chúng. Đặc biệt, Nhã nhạc đã được biểu diễn tại trụ sở UNESCO ở Paris và một số thành phố khác ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha, Áo, Luxembourg và một số nước Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào) để lại những ấn tượng và sự yêu mến đặc biệt trong lòng du khách.  

Có thể nói, kể từ khi quần thể di tích Huế và Nhã nhạc cung đình Huế được thế giới vinh danh, các giá trị của văn hóa Huế đã góp phần tích cực đem đến với cộng đồng thế giới, khẳng định rõ vị thế của di sản văn hoá Huế không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở phạm vi quốc tế, góp phần tôn vinh di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.

 

Theo: Trương Trọng Bình – daidoanket.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button