Xã hội Huế

Nông dân Quảng Điền nhọc nhằn cứu gạo đỏ

Xã hội Huế – Trong khi nhiều vùng đất đã vắng bóng giống gạo đỏ, thì ba năm qua, nông dân H.Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) lại nhọc nhằn cố cứu giống lúa này.

Hồi sinh gạo đặc sản
Trong tiềm thức bao người thì gạo đỏ là từ quá quen thuộc khi nó là lương thực chủ yếu thập niên 80. Có hai dòng gạo đỏ là dòng gạo nước mặn và gạo hẻo rằn. Tại Thừa Thiên – Huế, gạo hẻo rằn hiện gần như đã biến mất. Nhưng rất may, nhiều người dân mê ẩm thực cháo gạo đỏ, kể cả có một nồi cơm gạo đỏ ăn với cá đồng kho, một tô canh cá lóc đồng nấu chua… thì vẫn còn nhiều cơ hội giống gạo đỏ vẫn còn được bảo lưu, phục hồi.
Từ việc phục hồi thành công giống lúa gạo đỏ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đồng ý cho phép Hội Nông dân H.Quảng Điền sử dụng địa danh Quảng Điền để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Gạo đỏ Quảng Điền”.
Tại H.Quảng Điền trong ba năm qua, với sự hỗ trợ đầu tư của UBND huyện và một số dự án, nhiều nông dân đã nhọc công cứu được giống gạo đỏ. Lão nông Trương Bình (xã Quảng Lợi), người đang sở hữu mấy sào lúa gạo đỏ, nhìn thửa ruộng của mình hồi tưởng: “Hồi đó cực mới làm và ăn giống lúa ni. Nhưng mấy mươi năm sau vắng nó thì cái miệng đôi lúc cũng thèm thèm!”.
Theo nhiều nông dân Quảng Điền thì gạo đỏ được xem đặc sản vì nó đã vắng mặt trong khoảng 20 năm nay. Gạo đỏ có nhiều dinh dưỡng và được xem là một vị thuốc trong đông y. Đặc biệt, do đặc tính cây lúa cao, sống ở ruộng bùn sâu, khả năng kháng sâu, bệnh tốt nên hầu như lúa không bao giờ phải phun thuốc trừ sâu nên có thể xem đây là giống lúa sạch. Do giàu dinh dưỡng mà nhiều gia đình đã lựa chọn cháo gạo đỏ để bồi bổ cho bệnh nhân; người cao tuổi thích dùng cháo gạo đỏ cùng với cá bống kho rim đường vào những bữa điểm tâm. Quá trình xay xát lúa gạo đỏ cũng khác so với các giống lúa khác. Xay sao cho còn lớp cám mỏng quanh hạt gạo đỏ để khi nấu cháo hạt gạo ít bị nát và giữ được mùi thơm béo đặc thù của nó.
Khó khăn vẫn còn phía trước
Trưởng Trạm khuyến nông lâm ngư H.Quảng Điền – Nguyễn Văn Quang cho biết giống lúa gạo đỏ có đặc thù là cấy trên những thửa ruộng bầu, tức là vùng đất bùn sâu, nhiều nước. Hiện quỹ đất của huyện còn khá nhiều, nhưng trong ba năm qua huyện mới mạnh dạn thử nghiệm trên diện tích gần 4ha tại hai xã Quảng Lợi và Quảng Thái. Việc tái tạo, phục hồi giống lúa này cũng không đơn giản. Một cây lúa trên thửa ruộng có dấu hiệu khác biệt cũng phải nhổ bỏ ngay. Để chọn lọc giống, trên diện tích 50 – 70m2 người ta chọn ra những hạt giống tối ưu nhất để mùa sau gieo trồng. Vào vụ sau, cũng trên số diện tích tương tự, giống tiếp tục được lựa chọn cho vụ sau. Cứ thế qua sáu vụ mùa trong ba năm qua Quảng Điền mới lựa chọn được giống lúa ưng ý nhất để vừa sản xuất vừa tạo giống.
Gạo đỏ Quảng Điền hiện nay tuy bán giá cao hơn với gạo thông thường 2 – 3 lần nhưng năng suất gạo đỏ lại chỉ bằng gần một nửa so với những giống lúa năng suất cao hiện nay (340kg/ha so với 550 – 600kg/ha) khiến nhiều nông dân vẫn còn ngần ngại. “Dù khó khăn nhưng nắm bắt được nhu cầu thực tế, ý nghĩa của việc phục tráng giống lúa này nên huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí tạo giống, phân bón, thuốc trừ sâu… cho bà con để khuyến khích bà con tích cực tham gia sản xuất. Sắp tới chúng tôi sẽ cùng với ban ngành liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường cụ thể để tạo đầu ra cho sản phẩm gạo đỏ Quảng Điền” – ông Quang nói.

Nguồn: Gia Tân – thanhnien.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button