Lang thang sách cũ Cố Đô
Văn hóa Huế – Ở thành phố Huế ngoài thư viện trường, các nhà sách lớn thì những quầy sách cũ và các chiếu sách vỉa hè là một nguồn cung cấp tài liệu học tập và tham khảo khá là phổ biến…
Dạo qua các cửa hàng sách cũ và các con đường quen thuộc ,không khí của các “chợ” sách cũ rất nhộn nhịp. Nhiều “quầy” sách bày ra trên đất, bán đủ loại: Giáo trình, sách giáo khoa, truyện, tạp chí… và khá đông người ghé mua. Những trang giấy đã úa vàng màu trên giá lại càng làm tăng thêm nét trầm mặc cho một Cố Đô vốn đã “ âm thầm sâu lắng lạ…” . Và thật kỳ lạ, giữa một rừng nhà xuất bản với một rừng sách mới còn thơm mùi giấy, những trang giấy đã úa vàng vẫn có sức hút riêng.
Không biển hiệu và cũng chẳng có không gian thêng thang như những hiệu sách mới .Vậy mà hàng chục năm qua những cửa hàng sách cũ chỉ rộng chùng 2, 3 mét vuông vẫn tồn tạicùng thời gian, những trang giấy của 1 thời xa xăm nằm khép mình bên vệ đường nhưng không hề chết. Bởi lẽ sách mới vẫn chỉ là sách chết nếu không có người đọc, người quý. Còn những cuốn sách cũ dù nhuốm màu thời gian nhưng chúng vẫn sống với thân phận riêng của nó.
Là một địa chỉ khá quen thuộc với những tín đồ mê sách cũ. Cửa hàng sách cũ Hoàng Thổ trên đường Hùng Vương nằm lọt thỏm giữa khu vực được xem là sang trọng và đắt đỏ bậc nhất TP Huế. Hoàng Thổ được ví như von như một nồi lẩu thập cẩm với đủ các loại sách: nào gáo trình, sách KHKT, sách nước ngoài, tiểu thuyết cho đến những tạp chí, truyện tranh thiếu nhi…Những cuốn sách được sắp xếp gọn gàng, dễ tìm, cũng đã phần nào nói lên sự nâng niu, tôn trọng những giá trị đã và đang tồn tại…Khi bước vào một cửa hàng sách mới người ta vẫn thường tìm mua những cuốn sách vừa mới xuất bản, còn sách cũ nó vẫn nằm đó với thời gian, không gian và thể loại
Nếu có dịp vào cửa hàng sách cũ, bạn đừng quá ngạc nhiên khi bắt gặp những cuốn sách mà mình đã bán giấy vụn cho ve chai lại được bọc cẩn thận, đóng lại bìa và được dặt khá trang trọng trên kệ sách. Và biết đâu chúng sẽ tìm được tri kỷ…
Những trang giấy đã úa vàng nằm ngay ngắn trên giá lại càng tăng thêm vẻ tĩnh lặng cho cửa hàng sách cũ giữa con phố ồn ào
Một địa chỉ nữa mà chúng tôi tìm đến vào lúc chiều muộn là những chiếu sách cũ trên đường Nguyễn Trường Tộ . Khác với cửa hàng sách cũ ở đường Nguyễn Huệ hay nhà sách Hoàng Thổ, sách ở đây được bày bán trên những tấm bạt và nilon trải dài trên vỉa hè. Những chiếu sách cũ này thường bắt đầu bán từ sáng sớm cho đến chiều muộn. Giữa thành phố Huế con đường sách cũ có vẻ trầm lắng, nhẹ nhàng, những chiếu sách cũ cứ thế âm thầm theo năm tháng
Chỉ với vài chục nghìn đồng, ai cũng có thể lựa chọn cho mình vài ba cuốn sách hay. Dù cũ nhưng sẽ không cũ với những ai chưa tùng đọc…
Những chiếu sách cũ cũng là địa chỉ quen thuộc cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tìm đến chọn mua những giáo trình, tài liệu đang học mà không có đủ tiền mua mới.
Những người bán sách cũ ở đây đều có thâm niên lâu năm, gắn bó với con đường này từ những ngày đầu chỉ mới có một vài chiếu sách. Cuộc sống của họ vẫn cứ nhẹ nhàng và trầm lắng như những cuốn sách cũ vậy. Ở cửa hàng sách cũ hay các chiếu sách bên lề đường như thế này người ta đều có thể tìm thấy một cuốn sách vô cùng quý hiếm . Bạn cũng có thể tìm thấy một cuốn sách đã được viết ra từ mấy trăm năm trước. hay một cuốn tập đọc từ thời bà cố bạn học
Có lẽ vì vậy mà người ta cho rằng : lang thang trên thế giới sách cũ như tìm người yêu- có đi thì sẽ gặp
Những buổi chiều cuối tuần rảnh rỗi, dông xe vào Thành nội hoặc rảo quanh một vài con đường ở bờ Nam, chợt một thoáng rưng rưng lòng mà không hiểu cơn cớ làm sao khi chứng kiến những ông lão, những cô cậu sinh viên, hay anh công chức đã luống tuổi ngồi tẩn mẩn đọc, chọn rồi mua cho mình một đôi cuốn tại những chiếu sách cũ được bày lặng lẽ dưới những bóng cây bên một góc phố vắng
Những trang giấy nhuốm màu thời gian vẫn tồn tại ở đó với một thế giới riêng của nó, chỉ khi nó tìm được tri kỷ thì người đó mới hiểu được giá trị tồn tại của nó mà ta tưởng chừng như đã bị lãng quên
Quy luật của thời gian và những biến động khắc nghiệt của lịch sử đã khiến cho sách vở của Huế bị thất thoát, mai một rất nhiều. Tuy nhiên, với niềm yêu, niềm đam mê và nhu cầu đọc sách, trong các gia đình trí thức của Huế vẫn còn bảo tồn một lượng sách không phải là ít, và chắc chắn trong đó có không ít sách quý, sách hiếm.
Sách là văn hoá, và “đất” cho những hoạt động văn hoá liên quan đến sách không nơi nào phù hợp hơn so với Huế. Một ngân hàng sách, những triển lãm sách cũ được tổ chức định kỳ, một thư tịch đầy đủ và cần thiết cho những ai muốn đọc, muốn học, muốn sao lục… đều là những hoạt động, những việc làm gây nhiều bất ngờ thú vị và có khả năng hấp dẫn du khách không ít. Và biết đâu, đó cũng là tiếng gọi để những tủ sách quý cùng tìm về “cư ngụ” với Huế, để rồi một ngày nào đó, Huế lại nổi tiếng là một Trung tâm tư liệu lịch sử – văn hoá của Việt Nam như một thời đã có…
Nếu có thời gian và có cả sự chịu khó, bạn hãy thử làm một chuyến lang thang sách cũ để thấy rõ hơn một phần khác của Cố Đô. Biết đâu, bạn có thể khám phá thêm nhiều điều thú vị hơn nữa…
Nguồn: dulichhue.com.vn