Hoài niệm dấu xưa qua đồ điện tử cổ
Xã hội Huế – Vì thích những âm thanh mộc mạc, không pha trộn nên mới đam mê AKAI; vì nhớ về đời sống văn hóa một thời mới sưu tập những chiếc ti vi cửa xếp, đầu đọc băng cối… Đó là lý do mà một số người Huế đầu tư tiền bạc, công sức cho thú chơi đồ điện tử cổ…
Săn tìm
Trưa nắng gắt, tại điểm thu mua phế liệu phía Bắc sông Hương, một tốp người già có, trẻ có kiên nhẫn ngồi chờ. “Họ không đến mua hàng của tui mà đang chờ mấy người buôn chai bao chở đồ điện cũ về bán”, chủ cơ sở phế liệu giải thích. Mười phút sau, một người phụ nữ đến, nhóm người vây quanh chiếc bao tải vừa được xổ ra: nào cassette, radio cũ, quạt cũ… Một chiếc ti vi Nhật có cửa lùa rất độc đáo (tôi nhớ, một người trong xóm trước đây phải bỏ ra vài lượng vàng mới tậu được) thu hút sự quan tâm của hai người đàn ông. Sau một hồi “đấu giá”, món hàng này thuộc quyền sở hữu của người trẻ hơn. Đó là Võ Anh Thọ, một khách hàng thường xuyên đến đây. Gần ba năm qua, hầu như trưa nào, Anh Thọ cũng chạy xe đến các vựa chai bao tìm kiếm các món đồ yêu thích. Mê đến độ quên ăn quên ngủ, da cháy đen vì phải săn hàng giữa trưa mới có.
Tôi có mặt ở nhà Thọ theo lời giới thiệu của một người trung gian và thật sự ấn tượng bởi cách bày trí của những món đồ điện tử tại phòng khách. Không gian thưởng thức âm nhạc của những năm 70, 80 như trở lại khiến tôi ngắm nhìn một cách say sưa. Bộ sưu tập của Thọ có hơn 100 món đồ điện tử, trong đó phải kể đến những thứ có giá trị như chiếc ti vi Sanyo đời 20 -Q440 L, chiếc radio National, hay đầu đọc băng cối… Thọ kể: “Thời gian đầu, ba mẹ đều bực mình lắm vì mình tốn khá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm, ngồi mày mò sửa chữa thâu đêm; nhưng sau thấy đây là thú chơi lành mạnh, ba mẹ mình ủng hộ nhiệt tình”.
Tìm hiểu cách thức sưu tầm của dân chơi đồ điện tử cổ mới thấy công phu không kém. Nhiều khi phải cạnh tranh giá cả một cách căng thẳng, nhưng cũng có lúc vật tìm đến với người vì cơ duyên. “Như chiếc radio National này, ban đầu mình năn nỉ mua không được, sau, một anh bạn để lại với cái giá tình nghĩa vì không có thời gian công sức theo đuổi thú chơi”, Anh Thọ giải thích nguồn gốc một món đồ.
Những ai chơi âm thanh analog sành điệu đều biết đến những thiết bị gắn liền với tên tuổi chủ nhân của chúng như: đầu đọc băng cối AKAI – GX 635 D (Sản xuất năm 1976) của anh Hồ Tịnh Hòa; âm ly The Fisher của anh Lê Đại Hùng; giàn loa Harley (Mỹ), đầu đọc băng cối từ Nhật những năm 80, loa kèn những năm 50, radio đèn (Đức) ở quán cà phê TO… Sở hữu những món đồ đặc biệt này ngoài việc đầu tư một nguồn kinh phí đáng kể, người chơi còn nhờ người quen săn tìm trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí là gửi mua ở nước ngoài với cái gì tính bằng nghìn USD. Những năm 70, 80, chỉ những gia đình giàu có mới sắm được những thiết bị này; ngày nay, dù có tiền chưa chắc đã mua được chúng bởi nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Đó là chưa kể các linh kiện để đồng bộ hóa; băng, đĩa có tuổi đời 30-40 năm kích hoạt máy hoạt động. “Phải thiết lập một mạng lưới bạn bè khắp cả nước để mua bán, trao đổi; thậm chí là đấu giá trên EBAY hẳn hoi”, một người chơi đồ điện tử cổ lâu năm tiết lộ.
Lưu dấu ký ức
Một khách hàng tìm đến con phố Phan Đăng Lưu nhờ người tìm giúp anh một bộ gồm AKAI và âm ly với giá 20 triệu đồng còn hoạt động được. Vị khách này kể: “Những năm 80, gia đình mình có một giàn âm thanh như thế này do ba anh mua từ Sài
Gòn với giá gần 3 cây vàng. Mỗi lần mở nhạc, cả xóm đều nghe vì mê. Ngày gia đình đi tản cư đành bán lại cho người ta. Sau ngày giải phóng về, gia đình tôi tìm người đó mua lại nhưng không thấy. Nay có điều kiện, tôi muốn ba tôi được nghe lại những âm thanh quen thuộc ngày xưa”.
Nhiều người yêu nhạc xưa đều tìm đến quán cà phê TO trên đường Xuân 68 (TP Huế) để được đắm mình trong những giai điệu mộc mạc, liêu trai. Thứ âm thanh trầm, tách bạch giữa giọng hát, nhạc đệm… là sự sâu lắng và thi vị; mỗi thời điểm nghe lại có một cảm giác khác. Giọng ca của Thái Thanh, Khánh Ly, Elvis Presley… khiến nhiều người già đến nơi này gặp gỡ, ôn lại chuyện đời sống văn hóa một thời. Trần Long, dân kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh trở về thăm nhà trong này nghỉ lễ cùng người nhà đến cà phê TO thưởng thức âm nhạc cho biết: “Ở quận Tân Bình có quán cà phê Nhạc Xưa dành cho những người thích chơi AKAI. Nghe bạn bè kháo nhau, tới đây mình mới biết Huế cũng có phong trào chơi nhạc xưa độc đáo thế này”.
Như một thú vui riêng và cũng là cách lưu giữ ký ức, thi thoảng, anh Võ Anh Thọ cũng mở lại những chiếc đĩa than, những chiếc băng cassette cải lương cũ để gia đình cùng thưởng thức. Nhiều món đồ không còn hoạt động được nhưng vẫn được đặt vị trí trang trọng trong nhà. Anh Thọ bảo: “Ngày xưa qua nhà hàng xóm, mình thấy mấy chiếc quạt, ti vi cổ kiểu ni là thèm dữ lắm. Dù phải dùng điện thế khác chúng mới hoạt động nhưng nay thấy là quyết mua bằng được. Có thể xem như đó là cách để bù đắp lại những thiếu thốn tuổi ấu thơ và cũng để nhắc nhở mình không quên một thời gian khó”.
Niềm đam mê của những người chơi đồ điện tử cổ còn được tiếp sức bởi “bác sĩ AKAI” Nguyên Thành. Tay nghề anh giỏi đến độ, giới sưu tầm ở TP Hồ Chí Minh phải đài thọ chuyện đi lại, ăn ở để mời anh vào phục hồi một số thiết bị AKAI. Việc lắp ráp, kiểm tra máy móc, thậm chí là chế linh kiện “đánh thức” những chiếc máy câm lặng lâu năm, dân chơi thiết bị analog ở Huế đều cậy nhờ đôi bàn tay vàng của anh. Nhờ tài năng đặc biệt này, anh được đến nhiều nơi, mở mang tầm nhìn và bắt đầu lại với thú chơi AKAI. Chỉ tiếc là do hoàn cảnh gia đình, về sau, anh đành chuyển nhượng một số món hàng cho người khác. “Tuy nhiên, có thứ dù người ta trả giá đắt đến mấy tôi cũng từ chối như chiếc máy TEAC A 321 này chẳng hạn, bởi nó gắn với tiệm thu băng Trần Quân của gia đình tôi những năm 70. Bây giờ, hễ nhà tôi mở nhạc bằng chiếc máy này là mấy cụ già hàng xóm ra bờ rào lắng nghe. Thứ âm thanh từ những thiết bị cổ lỗ này còn hấp dẫn nhiều người. Đó là niềm vui của những người lưu giữ dấu xưa như chúng tôi”, anh Nguyên Thành chia sẻ.
Theo L.Tuệ
Nguồn: Baothuathienhue.vn