Họa sĩ Trương Thiện và Triển lãm Mẹ vợ của tôi
Văn hóa Huế – Liệu một hình chụp đám cưới của mẹ vợ, cách đây vài chục năm, có thể là một đối tượng của nghệ thuật đương đại không? Câu hỏi sẽ được Trương Thiện trả lời trong triển lãm Mẹ vợ của tôi sẽ khai mạc 16g30 chiều nay, thứ sáu, ngày 17.5 tại New Space Arts Foundation, 15 Lê Lợi, TP.Huế.
Triển lãm là sự tiếp nối của dự án Last Holiday, giới thiệu “ảnh thời trước đã chụp” (already made photography), thực hiện giữa các năm 2007-2009. Thuộc kỹ thuật ảnh đen trắng, chụp trong các thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước, Mẹ vợ của tôi trưng bày khoảng 200 bức ảnh của khoảng 4 đến 5 gia đình bên nhà mẹ vợ Trương Thiện.
Một trong những đặc tính quan trọng của nghệ thuật đương đại là tính ý niệm của tác phẩm và tính diễn giải nơi người thưởng lãm. Cho nên, dù có lơ là và hời hợt thế nào đi nữa, khi xem một bức ảnh riêng tư được trưng bày nơi đại chúng, câu hỏi giản đơn nhất mà người thưởng lãm phải nghĩ đến: tác giả có ý gì khi làm chuyện này? Nhân vật này là ai và bây giờ họ ra sao?
Chỉ chừng này thôi đủ thấy “mẹ vợ” không còn là “mẹ vợ” trong quan hệ gia đình, mà đó là một chứng nhân chân thật trong quá khứ, làm cho bức hình tưởng chừng như chẳng có giá trị gì về nghệ thuật, vẫn mang chứa một sức mạnh về sự đổi thay của lịch sử.
“Tôi hiểu rằng mỗi cá nhân là một múi thắt tạo nên những liên kết gia đình, họ tộc, những mối quan hệ ràng buộc với nhau như một mạng lưới, mảnh này ghép với mảnh khác kề với nhau cái gọi là cộng đồng, là dân tộc, là quốc gia. Bằng việc tìm hiểu một cá nhân, theo cách lập cây phả hệ đa chiều bằng hình ảnh và các câu chuyện kể theo thời gian, không gian, tôi muốn truy vấn vào lịch sử của sự hình thành các cộng đồng, cách mà chúng ta phát triển hay biến đổi, sự hình dung của các cộng đồng này về bản thân mình”, Trương Thiện cho biết.
Nguồn: sgtt.vn