Văn hóa Huế

Báu vật Hoàng Sa trong dòng chảy văn hóa làng Mỹ Lợi

Văn hóa Huế – Ở Thừa Thiên-Huế, đình làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) nổi tiếng không chỉ bề dày lịch sử, văn hóa, đây còn là nơi lưu giữ văn bản liên quan Hoàng Sa được lập cách đây 250 năm, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
Theo ông Trần Văn Luyến, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, văn bản liên quan Hoàng Sa nói trên có nội dung xử lý việc kiện tụng của phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang) và làng Mỹ Lợi, lập ngày 19/9 năm Cảnh Hưng 20 (6/11/1759) về việc tranh chấp giữa hai làng liên quan đến một con thuyền và tiền trợ cấp cho đội thuyền phục vụ Hoàng Sa.
Nội dung văn bản này cho thấy cách đây 250 năm, nhà Nguyễn đã có quân trấn giữ quần đảo Hoàng Sa. Văn bản liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở làng Mỹ Lợi đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế bàn giao cho Bộ Ngoại giao để bổ sung thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Truyền thống lịch sử tự hào

Theo những người cao tuổi làng Mỹ Lợi, làng được thành lập năm 1562, do các ngài khai canh, là ngư dân di cư bằng đường biển từ Bắc vào Nam, chọn mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này để lập làng.
Hiện làng Mỹ Lợi có diện tích 896ha với 1.400 hộ, 6.000 nhân khẩu.
Đình làng Mỹ Lợi, được xây dựng năm 1808, một trong số ít làng ở miền Trung, ngay từ 1/5/1930, đã treo cao lá cờ Cộng sản của chi bộ Đảng Mỹ Lợi. Đây là lá cờ Đảng đầu tiên được treo lên ở Thừa Thiên-Huế.
Trong hai cuộc kháng chiến giữ nước, Mỹ Lợi trở thành một pháo đài cách mạng. Làng Mỹ Lợi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Làng văn hóa điển hình
Nối tiếp dòng chảy văn hóa của cha ông để lại, Mỹ Lợi tiếp tục xây dựng làng văn hóa bắt đầu từ việc hình thành bộ quy ước làng văn hóa với 5 chương, 30 điều.
Điểm nổi bật ở đây, ngoài việc chú trọng phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, quy ước đã đề cập cụ thể đến việc nâng cao dân trí gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của cha ông qua bao đời để lại; xây dựng các chuẩn mực về chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thuần phong mỹ tục…
Quy ước cũng tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó lấy con người làm trọng tâm; phấn đấu theo 5 đức tính tốt đẹp mà nghị quyết Trung ương đã đề ra, đó là yêu quê hương, đất nước; sống và làm việc theo pháp luật, tự giác thực hiện tốt các quy định, quy ước của cộng đồng; tôn trọng tình nghĩa và đạo lý, giữ gìn di sản văn hóa, trọng thị, khoan dung, thuần hậu; có ý thức tập thể, đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái; hăng say lao động, học tập vì lợi ích bản thân, gia đình, tập thể và xã hội, kết hợp với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong quá trình thực hiện quy ước làng văn hóa, nhiều họ tộc, gia đình ở Mỹ Lợi đã tổ chức đám cưới, đám tang, và những lễ hội truyền thống lành mạnh, đơn giản, tiết kiệm, phát huy được những yếu tố văn hóa truyền thống và bước đầu đã hình thành nên những tập tục mới, văn minh, lịch sự, mang tính cộng đồng cao.
Điển hình như ông Đoàn Phán ở thôn 3, thay vì tổ chức mừng thọ linh đình, ông dành toàn bộ số tiền đó mua gạo phát cho dân nghèo. Ông còn tiết kiệm, dành dụm số tiền sinh hoạt phí của mình để giúp cho 30 hộ nghèo, người khó khăn, hoạn nạn với số tiền 100.000/hộ/tháng trong nhiều năm liền cho đến khi ông qua đời.
Noi gương ông, người dân địa phương đã tích cực tham gia nhiều phong trào nhân đạo như Ủng hộ quỹ ngày vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quỹ chất độc da cam với số tiền hàng chục triệu đồng/năm.
Con em Mỹ Lợi đi làm ăn xa, hàng năm đều nhớ về cội nguồn, đóng góp vật chất cùng với địa phương phát triển cơ sở hạ tầng, giúp người nghèo hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn gạo, góp phần cũng với nhà nước đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Quy ước của làng Mỹ Lợi còn thể hiện việc động viên, khen thưởng con cháu học hành đỗ đạt. Cơ sở vật chất , trang thiết bị các trường lớp ở đây được bổ sung, đầu tư xây dựng mới; đặc biệt là phong trào xã hội hóa công tác giáo dục được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục và đào tạo phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Người dân nơi đây đã tự nguyện hiến 5.500m2 đất, di dời 23 ngôi mộ và nhiều nhà ở khác để xây dựng trường học.
Phong trào khuyến học với 19 chi hội khuyến học trong xã được thành lập, tạo được nguồn quỹ hàng trăm triệu đồng để khen thưởng cho học sinh trên địa bàn. Hiện nay, bình quân mỗi năm, Mỹ Lợi có từ 35-40 em thi đỗ đại học; số học sinh tham gia và đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, Mỹ Lợi luôn xem di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý giá, gắn kết cộng đồng dân cư để chú trọng và làm tốt việc giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho đời sau.
Mỹ Lợi còn nổi tiếng với phiên chợ quê họp vào mùng 6 Tết âm lịch hàng năm. Phiên chợ không chỉ bán các sản vật như rau, cá, cam, quýt, chuối, dứa, cau… mà còn tổ chức nhiều trò chơi như lễ tế Xuân, đua thuyền thúng, kéo co, hô bài chòi…
Ông Trần Văn Luyến, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Mỹ khẳng định ở Mỹ Lợi, phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa đã góp phần rất quan trọng vào việc động viên các tầng lợp nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23% năm 2000 xuống còn 12% năm 2012.
Năm 2000, Mỹ Lợi đã được công nhận làng văn hóa điển hình đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Gắn phong trào xây dựng làng văn hóa và thôn văn hóa, công tác xây dựng gia đình văn hóa ở đây phát triển mạnh từ bấy đến bây giờ.
Hiện nay, toàn xã đã có 1.382/1.523 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 90,7%. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen 20 năm phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đình làng Mỹ Lợi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc cấp quốc gia. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng Bằng khen cho làng Mỹ Lợi về lưu giữ văn bản liên quan đến Hoàng Sa…/.

Nguồn: vietnamplus.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button