Xã hội Huế

Thương binh 80 tuổi đạp xích lô nuôi vợ và con bệnh tật

Cựu chiến binh tuổi 80 đạp xích lô 

Xã hội Huế – Cụ Bùi Hữu Trân, thương binh, sinh năm 1933, ở số nhà 118/10/6 đường Dương Văn An, phường Xuân Phú, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với tuổi “gần đất xa trời”, tưởng được hưởng an nhàn nhưng hằng ngày cụ vẫn phải đạp xích lô để nuôi vợ và con bệnh tật.
Một thời bom đạn
Ở ngã tư đường Bà Triệu – Tố Hữu (TP Huế), hỏi cụ Bùi Hữu Trân, đạp xích lô thì ai cũng biết tường tận gia cảnh và chỉ dẫn tận nhà. Căn nhà nằm ẩn sâu trong con ngõ cuối đường Dương Văn An. Trước cửa nhà còn lưu tấm biển “Nhà tình nghĩa” của quận Tây Hồ, TP Hà Nội xây tặng gia đình cụ nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/2000).
Nghe có khách, cụ lật đật từ dưới bếp ra. Dáng người gầy nhỏ, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt đen sạm. Nắng hè tháng Năm oi bức khiến cụ như già hơn tuổi 80. Tiếp chúng tôi, cụ giãi bày: “Cứ đến gần bữa là phải về nhà lo cơm nước cho người con bệnh tật”.
Cụ Trân tham gia cách mạng từ những ngày Toàn quốc Kháng chiến (1946) ở Huế; nhập ngũ biên chế vào Trung đoàn Trần Cao Vân, làm giao liên và trinh sát đồn giặc. Cụ nhớ như in cái đêm lịch sử 19/12/1946, Trung đoàn Trần Cao Vân cùng quân và dân TP Huế chiến đấu anh dũng, ngoan cường 50 ngày đêm tiêu diệt hàng trăm tên địch ở khách sạn Morin, Nhà máy Điện, cầu Tràng Tiền, cầu Gia Viên… rồi rút ra vùng căn cứ, cụ được điều động sang công tác ở Lực lượng Công an.
Tập kết ra Bắc (1954), cụ chuyển ngành làm công nhân Nhà máy Cơ khí Nông nghiệp Hà Đông (Hà Nội). Trong một lần đến công tác tại Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, cụ quen cô thôn nữ Nguyễn Thị Tần, bén duyên nhau rồi nên vợ chồng và lần lượt sinh được 3 người con: Bùi Ngọc Hà, Bùi Xung Phong và Bùi Thị Hương. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta vào giai đoạn quyết liệt, năm 1965, cụ tạm biệt vợ con tái ngũ, vào đơn vị Hậu cần – Kĩ thuật chuyên sửa chữa ô-tô, xe pháo… phương tiện vận tải chở hàng vào Nam phục vụ chiến đấu.

Trong một trận đánh phá Hà Nội, không quân Mỹ ném bom trúng vào đơn vị cụ ở Cầu Diễn. Một quả bom nổ gần cửa hầm khiến hàng chục khối đất đá lấp kín miệng hầm. May mắn sau đó được đồng đội ứng cứu kịp thời, nhưng vì một mảnh bom găm ở đầu và làm thủng hai màng nhĩ nên cụ bị điếc hoàn toàn.
Những ngày mưu sinh khốn khổ
Đất nước thống nhất (1975), cả gia đình cụ chuyển về quê (TP Huế) sinh sống. Cụ lại xuất ngũ chuyển ngành về làm tại Nhà máy Cơ khí ô-tô Thống Nhất (tỉnh Thừa Thiên Huế). Từ đó, cuộc đời không mỉm cười với cụ, bởi tai họa ập đến: Vợ và hai con trai phát bệnh thần kinh, suốt ngày đập phá đồ đạc trong nhà. Cụ sống với “ba người điên” ấy ròng rã mấy chục năm trời trong căn phòng chật hẹp chưa đầy 30m2. Nỗi vất vả đè nặng lên đôi vai gầy. Năm 1978 cụ xin nghỉ hưu sớm để có thời gian chăm sóc vợ con. Từ đó, cụ gắn bó với chiếc xe xích lô hằng ngày rong ruổi kiếm tiền nuôi và chạy thuốc thang cho vợ và con. Không kể nắng mưa, lúc nào cụ cũng chỉ mong có nhiều khách hàng. Cụ luôn cố đạp thật nhanh, xong sớm để còn về lo nấu cơm cho vợ, con đang nằm chờ ở nhà.
Trước đây, cụ Trân cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng/ngày từ nghề đạp xích lô; song cũng có hôm chẳng có ai cần cụ chở, nên thu nhập thất thường. Giọng cụ Trân trầm xuống khiến chúng tôi cảm thương: “Ngày trước còn sức khỏe, tôi chở được hàng tạ/chuyến, nhưng nay già yếu rồi, một chuyến chỉ chở được vài chục kí thôi, mà lại đi chậm nên ít người thuê”.
Tôi quan sát căn nhà cụ, gian giữa là phòng khách, hai bên tường treo kín những bức ảnh khi cụ còn trong quân ngũ: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, hạng Nhất… Tay cụ run run đưa cho chúng tôi xem những kỉ vật một thời lửa đạn, thẻ thương binh, thẻ hội viên Hội Cựu chiến binh… Cuộc đời cụ là chuỗi tháng ngày cơ cực cho đến tuổi bát thập vẫn chưa được một ngày thảnh thơi. Nhắc đến các con, cụ lại trào nước mắt: Hai con trai bị điên và vì quá túng bấn nên cụ buộc phải cho con gái út đi làm con nuôi gia đình khác. Năm 2004 vợ cụ qua đời. Mới đây, cụ đau đớn nhìn con trai thứ hai trút hơi thở cuối cùng. Nhà cụ càng trở nên lạnh lẽo, khốn khổ, cuộc mưu sinh của cụ thêm đơn độc. Trong đầu cụ lúc nào cũng canh cánh nỗi lo số tiền vay nợ để mua thuốc thang chữa bệnh cho con, rồi chi phí đám tang cho vợ và con trai xấu số.
Giờ đây, đôi chân cụ Bùi Hữu Trân vẫn không được nghỉ, tiếp tục quay tròn trên những chặng đường còn lại của cuộc đời cùng chiếc xích lô cũ kĩ, nhưng là người bạn thân thiết nhất của cụ trong lúc này.

Nguồn: nguoicaotuoi.org.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button