Phát triển du lịch làng nghề ở Thừa Thiên – Huế
Tin tức Huế – Những sản phẩm thủ công truyền thống gắn với các làng nghề là một trong những nét văn hóa Huế, góp phần sáng tạo nên những di sản văn hóa Huế cả về phương diện vật thể và phi vật thể.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, hình thành nên những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến Huế.
Hồi sinh các làng nghề truyền thống
Theo thống kê, Thừa Thiên – Huế có hơn 200 làng nghề thủ công truyền thống. Ðây là địa phương hiện còn lưu giữ khá nhiều làng nghề truyền thống với 88 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề thủ công. Những sản phẩm thủ công truyền thống gắn với các làng nghề là một trong những nét văn hóa Huế, góp phần sáng tạo nên những di sản Huế cả về phương diện vật thể và phi vật thể. Từng là thủ phủ của xứ Ðàng Trong (thời chúa Nguyễn), sau đó là kinh đô của quốc gia phong kiến thời cận đại (triều Nguyễn), nhiều nghệ nhân và ngành nghề nổi tiếng khắp nước đã quy tụ về đây theo lệnh trưng tập của chính quyền Trung ương. Do đó, Huế trở thành một trung tâm tiểu thủ công nghiệp quan trọng, cung ứng sản phẩm cao cấp cho triều đình, các tầng lớp thượng lưu và một số mặt hàng dân gian…
Các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên – Huế đều có bề dày lịch sử lâu đời với lớp nghệ nhân có tay nghề điêu luyện, đóng góp nhiều đến quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề thủ công truyền thống. Một số nghề và làng nghề truyền thống phát triển mạnh vừa cung cấp sản phẩm cho đời sống xã hội, vừa thu hút các tua du lịch như: đúc đồng Phường Ðúc, nón lá Phủ Cam, mây tre đan Bao La, cẩn khảm xà cừ Ðịa Linh, điêu khắc Mỹ Xuyên, kim hoàng Kế Môn, gốm Phước Tích, tranh giấy Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng (thổ cẩm) A Lưới… tạo nên những sản phẩm đặc trưng, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của vùng đất cố đô Huế.
Với vị thế là một trung tâm du lịch của quốc gia; là “thành phố Festival”, sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế có một vị trí quan trọng để tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch đến Huế. Những sản phẩm thủ công truyền thống ở đây thường tinh xảo, đẹp mắt. Chính hệ thống làng nghề khá phong phú rất thích hợp để khai thác và phát triển du lịch. Thế nên, nhiều nghề và làng nghề đang dần được hồi sinh, phát triển khi gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng để phục vụ du khách. Phát triển du lịch làng nghề được xem là một hướng đi hiệu quả để gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương. Khách du lịch đến làng nghề không chỉ mua sắm, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm mà còn mong muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể tồn tại hàng nghìn năm. Ðây cũng là hướng đi mới để triển khai lồng ghép các tua, tuyến du lịch gắn với các làng nghề để tạo ra dòng sản phẩm gắn với cộng đồng, hướng đến mục tiêu đón ba triệu khách du lịch vào năm 2015 của tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong đó có gần 50% khách quốc tế.
Ðể bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2010 đến 2015. Trong đó, có năm nhóm nghề và làng nghề truyền thống được tỉnh ưu tiên đầu tư khôi phục, phát triển, gồm: đúc đồng; sản xuất đồ gỗ cao cấp, mỹ nghệ; thêu; chế biến thực phẩm truyền thống và nghề may áo dài. Theo đề án, mỗi năm tỉnh đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng các làng nghề, thiết kế mẫu, cung cấp thông tin thị trường, xử lý môi trường cho các làng nghề…
Phát triển các tua, tuyến du lịch làng nghề là xu hướng để thu hút du khách đến với Thừa Thiên – Huế, bởi nó đã tạo được sự hấp dẫn, mới lạ. Nhiều du khách đã vô cùng thích thú khi được những người thợ hướng dẫn các công đoạn chế tác sản phẩm nghề truyền thống, được người thợ nón lá Phú Cam (TP Huế) lưu tên, ảnh của họ vào chiếc nón bài thơ đem về làm kỷ niệm. Tua du lịch “Hương xưa làng cổ” đã làm sống lại một làng nghề gốm cổ hơn 500 năm tuổi ở làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Ðiền) nằm bên sông Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng. Nơi đây từng nổi tiếng với các sản phẩm gia dụng tiêu thụ trong dân gian và đặc biệt là các cổ vật tinh xảo được dùng trong hoàng cung triều Nguyễn xưa. Từ khi tua du lịch “Hương xưa làng cổ” hình thành, nghề gốm cổ Phước Tích đang dần hồi phục sau hàng trăm năm im ắng. Sản phẩm gốm đã đến với người tiêu dùng với mẫu mã phong phú, đa dạng. Ðiều này minh chứng rõ nét việc bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống cần phải gắn với du lịch bền vững.
TS Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Trong năm 2012, các làng nghề ở Huế đã giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở vùng nông thôn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tăng 15 triệu USD. Ngành du lịch, dịch vụ đóng góp tới 48% GDP của địa phương, thu hút từ 2,5 đến ba triệu lượt người/năm. Do đó, việc phát triển du lịch làng nghề được xem là khá thích hợp, phù hợp xu hướng phát triển du lịch hiện đại.
Cần giải pháp cho phát triển du lịch làng nghề
Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, một hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ, lợi ích kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, Thừa Thiên – Huế có một tiềm năng lớn để phát triển du lịch làng nghề nhưng hiện nay cả du khách và doanh nghiệp đều không mấy mặn mà trong việc thiết kế tua chuyên biệt đến với các làng nghề. Hiệu quả kinh doanh của du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, tính bền vững chưa cao. Hầu hết các tua du lịch gắn với các làng nghề truyền thống trong tỉnh vẫn chưa mang tính tập trung và có kế hoạch lâu dài; thiếu kỹ năng và phương pháp gắn kết với du lịch của một số làng nghề và sản phẩm của một số nghệ nhân. Người dân chưa quan tâm nhiều về tiếp thị, cách tiếp cận khách du lịch; thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng; một số nghề và làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.
Một khó khăn khác là các sản phẩm phục vụ du lịch tại các làng nghề còn ít và đơn điệu, chưa mang tính chất cạnh tranh và cũng chưa có nhiều mặt hàng lưu niệm mang nét đặc trưng văn hóa Huế. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư và trang thiết bị tại các làng nghề còn hạn chế; mối liên hệ giữa làng nghề với các công ty du lịch, lữ hành chưa phát huy tốt; điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông đến làng nghề còn thiếu đồng bộ. Mặt bằng sản xuất dành cho các làng nghề còn hạn chế nên việc hình thành các điểm tham quan cho du khách rất khó khăn. Vì vậy, khách du lịch đến tham quan nhiều nhưng chưa có cơ hội tiếp xúc với người dân tại các làng nghề.
Theo các nhà nghiên cứu và chuyên gia về du lịch, việc đưa hoạt động du lịch về với các làng nghề truyền thống không chỉ tạo ra một nguồn thu nhập mới cho người dân làng nghề, mà còn góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển nghề truyền thống ở địa phương bằng việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng, đặc trưng văn hóa cao đáp ứng nhu cầu du khách. Ðể làm được điều này, trước mắt, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần lựa chọn những làng nghề phù hợp để tiến hành quy hoạch không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi nghề, mà còn biết trình diễn và tham gia các hoạt động quảng bá du lịch. Chú ý các tua du lịch làng nghề và có cơ chế chính sách hỗ trợ cho làng nghề bảo tồn và phát triển. Làng nghề cần kết nối với các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành là điều kiện tốt để phát huy thế mạnh của du lịch làng nghề. Bởi khi doanh nghiệp quan tâm đến loại hình du lịch làng nghề thì đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình đến với du khách; ngược lại, các làng nghề sẽ có nhiều cơ hội để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Trong kế hoạch khôi phục, phát triển nghề và làng nghề truyền thống, Thừa Thiên – Huế xác định phải gắn với phát triển du lịch. Theo đó, phát triển du lịch làng nghề sẽ tạo ra quá trình sản xuất tại chỗ thông qua việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như các dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn. Các tua du lịch làng quê, làng nghề sẽ được đẩy mạnh. Nguyên Giám đốc Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế – nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng: “Giải pháp trước mắt là khi quy hoạch phát triển các nghề và làng nghề phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, gắn với quy hoạch phát triển du lịch địa phương; phát triển thị trường và thương hiệu cho các làng nghề; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, ý thức bảo vệ môi trường…”.
Ðể phát triển loại hình du lịch này, trong thời gian tới, Nhà nước cần tập trung đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau, nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có làng nghề truyền thống; quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển hạ tầng, quy hoạch, sắp xếp hợp lý làng nghề; xây dựng các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản xuất thử nghiệm cho khách tự tham gia. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công truyền thống; khuyến khích, vận động hình thành hợp tác xã, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề. Muốn vậy, du lịch làng nghề phải được xem là dự án phát triển trong tầm nhìn chiến lược phát triển du lịch tổng thể của tỉnh Thừa Thiên – Huế để thế mạnh này không chỉ là những nhà hàng, khách sạn, lăng tẩm trên địa bàn thành phố Huế mà nó được mở rộng ra về các làng nghề, đô thị mới ở các huyện, thị xã; làm phong phú địa chỉ tham quan du lịch, hấp dẫn du khách.
Theo Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên – Huế Võ Phi Hùng, để phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch ở Thừa Thiên – Huế hiện nay phải gắn với phát triển sản xuất với du lịch và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm của làng nghề. Khi các làng nghề đã có thương hiệu thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làng nghề có hiệu quả, dễ dàng hơn cũng như giải quyết được một lượng lớn lao động, tăng nguồn thu nhập, nhất là ở khu vực nông thôn. Ðây cũng là điều kiện góp phần đáp ứng các tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Nguồn: nhandan.org.vn