Người từng giữ trâu thuê trở thành giám đốc
Đất – Người Huế – Đã có hàng chục ngôi nhà rường tiền tỉ được doanh nghiệp tư nhân Thường Trực (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) làm và bán khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhiều người cũng đã biết đến ông Lê Văn Trực – giám đốc đầu tiên của làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên – là một thợ mộc tài hoa, chứ ít ai biết người đàn ông 51 tuổi này vốn có một tiểu sử xuất thân như… cổ tích.
Nghe tôi dò hỏi địa chỉ ông Lê Văn Trực – giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thường Trực, còn gọi là “Trực nhà rường” – người đàn ông tên Hòa, trạc năm mươi tuổi, đang chăn đám bò bên bãi sông Ô Lâu nhanh miệng: “Chú hỏi đúng người rồi. Thằng Trực ni ngày xưa là bạn giữ trâu với tui đó. Rứa mà chừ hắn là giám đốc, còn tui thì chuyển sang… giữ bò!”. Sau đó, ông chỉ tay về phía xa: Cứ đi đến đầu cổng làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, ở đâu phát ra tiếng lóc cóc dùi đục, tiếng cưa máy chạy xè xè là có Trực ở đó…
Từ trẻ giữ trâu thuê…
“Nhỏ khổ, lớn có tiền thì phá. Có lẽ nhờ vậy mới được sự đàng hoàng như hiện tại”. Ông giám đốc 51 tuổi, có bề ngoài chẳng khác gì nông dân vừa rót trà mời tôi trong ngôi nhà rường thơm mùi gỗ mới, chuẩn bị xuất xưởng bán cho một vị đại gia miền Trung, vừa tóm tắt về đời mình.
Ông kể: Bốn tuổi, cha mất. Lên bảy tuổi mẹ đi thêm bước nữa. Một mình bơ vơ, đói khổ trong ngôi nhà tranh vách đất, người cô ruột không nỡ bỏ rơi đứa cháu, đưa về nuôi bữa sắn, bữa cơm. Được cô cho đi học, nhưng chỉ lớp hai phải bỏ ngang vì không có tiền đóng học phí. Mười tuổi, không còn nơi nương tựa, tự tìm đến gặp người giàu có nhất làng xin chân giữ trâu kiếm lấy miếng ăn. Ròng rã bốn năm giữ trâu, cắt cỏ, tự nghĩ nếu giữ trâu thuê suốt đời cũng không làm nên cơm, nên cháo.
“Rứa là tui xin chủ cho nghỉ việc. Xin luôn số lúa công giữ trâu để tính việc khác. Nghe tui nói, ông chủ nghi ngờ dữ lắm, rồi cũng thuận theo” – ông Trực kể.
Sáng sớm hôm sau, ông Trực gánh 1,5 tạ lúa công đến nhà cụ Bùi Quang Đích – thợ mộc mỹ nghệ giỏi nhất làng Mỹ Xuyên – xin được học nghề thợ mộc. Chỉ sau một năm học nghề, thầy Đích gọi ông Trực lên bảo, ngày mai đứa học trò nhỏ nhất xưởng mộc sẽ làm lễ “ra nghề”.
“Tui nghe thầy nói mà sợ xanh mặt. Ngỡ đâu phạm lỗi chi bị thầy đuổi, nhưng thầy nhỏ nhẹ nói rằng, với một đứa học trò giỏi giang như mày, thầy cho ra nghề để kiếm nơi mà lo tương lai, kèm lời khuyên, dù cuộc đời trắc trở đến mấy cũng cố mà giữ lấy cái nghề của làng” – ông Trực nhớ lại.
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, làng mộc mỹ nghệ lâu đời Mỹ Xuyên rơi vào cảnh khốn đốn, sản phẩm làm ra chất chồng hàng đống, chẳng có người mua. Trăm thợ giỏi rời làng toả đi khắp nước. Ông Trực cũng không nằm ngoại lệ. Trong cảnh ăn không ngồi rồi, ông đánh liều theo đàn anh lang bạt khắp vùng đất Vĩnh Linh (Quảng Trị), Bố Trạch (Quảng Bình) kiếm sống.
Mười chín tuổi, ông tìm ra La Vang (Quảng Trị) mở xưởng làm riêng, với hơn mười thợ trong tay, sản phẩm mộc mỹ nghệ của cơ sở ông được nhiều nơi ưa chuộng, đặt hàng. Tuổi trẻ cộng với có tiền, ông đâm ra ham chơi, phá hết. Thợ buồn chán bỏ đi, tài sản của xưởng chỉ còn lại cái bào, cái đục.
Trở về quê cũng không còn chỗ đứng, xin phụ việc các xưởng cũng chẳng ai thèm nhận, chán đời, ông bòn vét những đồng bạc cuối cùng leo lên xe đò lang thang. Ông lên Tây Nguyên, về Sài Gòn, xuống tận Cà Mau…
“Chỗ mô cần thợ là tui xin vô làm. Với tay nghề của tui thu nhập cũng khá lắm. Nhưng tiền vô chưa nóng túi lại đi hết. Tết đến lại vác đồ nghề về làng, trong túi chỉ còn lại vài chục bạc, nghĩ cái thân phận tha hương cầu thực mà buồn… Sau hơn chục năm lang thang, tui quyết định về, tìm cách để bắt đầu lại”. Ông về quê khi nghề mộc mỹ nghệ vẫn đìu hiu như trước. Để nuôi mộng làm nghề, ông mở xưởng mộc và làm bất kể công việc gì, miễn có người thuê, cùng vợ trồng lúa, nuôi heo.
…đến vị giám đốc đầu tiên của làng
Cơ hội làm giàu của ông đến vào năm 2004, khi UBND huyện Phong Điền quyết khôi phục lại nghề mộc mỹ nghệ truyền thống Mỹ Xuyên. Ông dốc toàn bộ tiền dành dụm, vay mượn thêm hơn 200 triệu đồng để đưa cơ sở ra quốc lộ. “Chẳng ai biết được mình khi cứ mãi núp bóng trong làng. Nghĩ vậy, tui làm thủ tục mở doanh nghiệp tư nhân Thường Trực, đưa cơ sở ra quốc lộ 49B, với quyết tâm sẽ làm ăn lớn”.
Vào thời điểm đó, hay tin ông lập doanh nghiệp, làm giám đốc, không ít người tự hỏi liệu doanh nghiệp này sẽ làm nên trò trống gì, khi mà sản phẩm mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên vẫn chưa có chỗ đứng. Còn ông Trực có cách suy nghĩ riêng: “Làng Mỹ Xuyên vốn nổi tiếng với nghề làm nhà rường từ xa xưa, nên kỹ thuật làm nhà rường không ai bằng thợ Mỹ Xuyên. Hơn nữa, cuộc sống ngày càng đi lên nên không ít người sẵn sàng chi tiền tỉ để chơi nhà rường”.
Để nuôi khát vọng chế tác nhà rường, bao nhiêu tiền bán được từ các mặt hàng mỹ nghệ như tủ, bàn, ghế… ông mua gỗ về chất đầy sân. “Việc mua gỗ cũng phải thật có nghề, không là lỗ chết. Mỗi nhà rường cần hàng chục khối gỗ. Dùng gỗ đắt, giá thành đội cao mà chưa chắc đã đẹp, tui nghĩ đến gỗ mít vừa sang, vừa chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít nứt nẻ” – ông Trực nói. Thế là ròng rã mấy tháng trời, ông cưỡi xe máy rảo khắp huyện mới gom đủ 50 khối gỗ để bắt tay thực hiện khát vọng làm nhà rường bán cho các tỉ phú.
Học mới qua lớp hai, nên bản thiết kế ngôi nhà rường ba gian, hai chái đầu tiên được ông vạch trên nền đất. Ông kiêm kiến trúc sư, thợ cả, cùng sự trợ thủ của bảy thợ mộc giỏi nhất nhì làng mộc Mỹ Xuyên, đục đẽo, bào giũa hơn 6 tháng ròng, ngôi nhà rường mới hoàn tất.
“Nhà rường dân gian xứ Huế có kết cấu kiểu ba gian hai chái, có hệ thống cột hàng tư, kết nối với các vì kèo, xuyên, trến, bao lam, kẻ, bẫy… Làm nhà rường khó nhất là phần hai chái, đòi hỏi người thợ phải chính xác, tỉ mỉ từng chi tiết một. Tui phải luôn thường trực cùng anh em ở những công đoạn khó, chứ sai một ly lỗ cả trăm triệu bạc như chơi”.
Ngôi nhà đầu tiên ông Trực làm ra “trưng” gần một năm không có người đến hỏi mua. Tiền vay ngân hàng, tiền trả công thợ ông xoay như chong chóng. Lúc thất vọng nhất, ông định thầm tháo nhà làm tủ…
Thế rồi tình cờ, người đàn ông không hề quen biết tên Sang (Đắc Lắc) ghé chơi. Thấy ngôi nhà rường đẹp, ông Sang ngã giá mua 1 tỉ. Ông Trực gật đầu bán trong ba giây mà chẳng đắn đo. Ông nhớ lại: “Nói thật, bán được ngôi nhà đó, tui sướng đến phát điên. Lần đầu tiên cầm bọc tiền nguyên tỉ, cả đêm thức để chia tiền trả nợ ngân hàng. Bụng định thầm sẽ thôi không làm nhà rường nữa, nhưng số may đến khi nhận được đơn đặt hàng, cũng từ một đại gia đất Tây Nguyên”.
Cứ thế mà thương hiệu “Trực nhà rường” nhiều người biết đến. Đơn đặt hàng liên tục đến nhưng ông không nhận bừa. “Bởi cái nghề làm nhà rường ni không phải làm liều được. Người ta bỏ tiền tỉ thì phải mua về sắc đẹp. Có đơn đặt hàng tui phải mất đến 2 năm để chọn gỗ, hoàn thành ngôi nhà. Chính vì rứa mà đến chừ tui mới xuất xưởng bán khắp trong Nam, ngoài Bắc được 20 ngôi nhà rường từ 1-3 tỉ đồng”.
Để có trong tay “át chủ bài” về nghề mộc mỹ nghệ, ông Trực dò được địa chỉ ông Bùi Quang Thanh – người làng Mỹ Xuyên, đang sống ở Bình Dương – và ông Trực vào tận nơi “chiêu mộ” ông Thanh về “đầu quân” cho mình với mức lương 30 triệu tháng. Ngoài ông Thanh, ông Trực còn có trong tay 30 thợ giỏi nhất làng nghề Mỹ Xuyên, thu nhập mỗi người từ 6 đến 15 triệu đồng/tháng. Hỏi ông có liều không khi doanh nghiệp làng lại dám trả lương cao đến vậy, ông Trực cười: “Tui đi vay từ năm 27 đến 45 tuổi. Bây giờ tui 51, có thể tự hào là không còn nợ nần chi nữa. Nếu có chết thì tui chết trước, chứ không bao giờ để những người làm việc với mình thiếu một xu tiền lương”.
Không chỉ có người dưới trướng, mà ông Trực còn được đám thợ trong làng nể trọng bởi tính cách cương trực. Không giấu nghề, không hám lợi, ông sẵn sàng chia việc, giới thiệu những đơn đặt hàng đồ mộc mỹ nghệ cho cả làng cùng làm, cùng hưởng. “Mình cũng lê lết, trầy trật mãi mới được như bây giờ. Mong sao có nhiều việc tới để cả làng cùng làm là điều tui sướng nhất. Còn riêng bí quyết làm nhà rường tui xin giữ làm của riêng” – giám đốc Lê Văn Trực cười tươi.
Nguồn: laodong.com.vn