Nhà vườn – nét độc đáo của Huế
Du lịch Huế – Huế không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên mơ mộng hữu tình với đền đài, miếu mạo, lăng tẩm hay chùa chiền mà Huế còn đặc biệt hấp dẫn bởi những ngôi nhà vườn êm ả thanh bình.
Từ lâu, các nhà vườn Huế nổi tiếng là những mảnh vườn xanh tươi bao quanh những ngôi nhà cổ kính. Những ngôi nhà cổ và vườn cây là nơi tiềm ẩn, chứa đựng những tư tưởng, tính cách của con người Huế.
Nhà vườn Huế giống như một tiểu vũ trụ của cuộc sống thường ngày rất dân dã, gắn kết cuộc sống cần cù, nhẫn nại của con người với thiên nhiên. Nhà vườn Huế là một mẫu mực của lối kiến trúc cảnh vật hóa. Đó là những ngôi nhà cổ kính nằm trong mảnh vườn có lối kiến trúc mà những bộ vi kèo chạm trổ hết sức công phu, những bờ nóc, bờ quyết được đắp nổi, những trang trí rồng, mây trông rất đẹp mắt. Nhà vườn Huế được lợp mái bằng một thứ ngói cổ qua thời gian đã phủ lên một lớp rêu xanh cùng hòa lẫn vào màu xanh của vườn cây quanh nhà càng làm cho bức tranh thiên nhiên ở đây thêm phần quyến rũ.
Được xây theo luật “dịch lý” và “phong thủy”, nhà vườn Huế là tập hợp của một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc-Nam. Tuy rộng hẹp khác nhau, nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau đó là bao quanh ngôi nhà là hàng rào chè tàu hay hàng dâm bụt được tỉa tót khéo léo trông rất đẹp mắt. Ở mặt sau hàng rào là bụi tre, khóm trúc xanh tốt. Cửa ngõ vào nhà thường xây bằng gạch lát, mái ngói hay bằng gỗ đơn sơ, tiếp đến là bình phong nhỏ bằng gạch hoặc bằng cây, rồi mới đến khoảng sân, hồ sen có bông súng hay bể cạn với hòn non bộ ở trên. Cuối sân là ngôi nhà chính ba gian hay năm gian, hai chái. Chung quanh ngôi nhà là vườn cây gồm các cây cảnh, các loại hoa và cây ăn quả phong phú nhiều chủng loại. Khoảng đất phía sau dãy nhà là vườn để trồng rau, chăn nuôi gia cầm.
Nhà vườn Huế là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ vừa có hiệu quả kinh tế trong sự hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống. Thú tiêu khiển của người Huế trong ngôi nhà vườn cũng là một nét văn hóa độc đáo. Phổ biến nhất là hòn non bộ với cảnh núi non thu nhỏ, có hang động, có chùa tháp, có suối, có thác, có người và thú vật, tượng trưng cho cảnh sinh hoạt hay sự tích lịch sử, huyền thoại, cổ tích nào đó.
Ở những nhà khá giả, trong nhà thường có bộ trường kỷ, hai bên là tủ chè, sập gụ, có chưng những món đồ cổ quý giá, thậm chí cả những súc trầm chạm chim muông, hoa trái…
Nhà vườn Huế được phân bổ đều khắp trong kinh thành, nội thành và trải dài ra tận các làng quê ngoại ô; bao gồm hai loại hình chính: thứ nhất là phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, quan lại, tầng lớp thế gia vọng tộc và giới văn nhân thi sĩ… tập trung chủ yếu ở khu phố cổ Gia Hội, Kim Long, Vĩ Dạ với hàng trăm tòa phủ; thứ hai là nhà vườn của giới trí thức hay tầng lớp trung lưu khá giả trong xã hội trước đây, với hàng ngàn ngôi vườn san sát ở bốn phường trong kinh thành, miệt vườn Kim Long, Bến Ngự, Nam Giao. Nhà vườn Huế vừa có khung cảnh thiên nhiên, thoáng mát, yên tĩnh lại có các quần thể kiến trúc thu hút du khách khi đến tham quan.
Tại Phường Kim Long (thành phố Huế) hiện còn một hệ thống nhà vườn và nhà kiến trúc truyền thống rất độc đáo, một vùng quê thanh bình ngay giữa phố xá đông đúc… Nhiều tour du lịch sinh thái đã được mở tới đây và chiếm được thiện cảm của du khách, nhất là trong các dịp Festival Huế và đặc biệt là Festival Huế 2008. Ngoài ra, Làng cổ Phước Tích – Huế, ngôi làng nằm bên sông Ô Lâu thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền cũng đóng góp vào di sản Huế một nét riêng không lẫn nhưng mang đậm kiến trúc nhà rường truyền thống. Hay các khu nhà vườn An Hiên, vườn Lạc Tịnh, từ đường Ngọc Sơn Công chúa…, Huế còn có rất nhiều nhà vườn nổi tiếng như nhà vườn Ý Thảo, Tịnh Gia Viên, cụm nhà vườn. Tất cả đều là điểm tham quan lý tưởng sẽ làm say đắm lòng du khách mỗi lần đến Huế.
Nguồn: thethaovietnam.vn