Đất - Người Huế

Quần thể Di tích cố đô Huế: Một kiệt tác đô thị

Đất Huế – Quần thể di tích Cố đô Huế tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là trong nghệ thuật và kiến trúc, quy hoạch thành phố và bài trí cảnh quan, được đánh giá như một “kiệt tác đô thị”.
Trong gần 400 năm (1558 – 1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc…

Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với chế độ quân chủ nhà Nguyễn, cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục. Ngoài ra, Huế còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa phi vật thể biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Ngày 11/12/1993, Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Cartagena (Colombia) đã chính thức công nhận Khu Di tích cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (iii): Huế thể hiện là một bằng chứng nổi bật của quyền lực phong kiến Việt Nam đã mất mà đỉnh cao của nó vào đầu thế kỷ XIX và tiêu chuẩn (iv): Quần thể di tích Huế là một ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông

hue24h

Quần thể Di tích Cố đô Huế bao gồm: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế và Tử Cấm thành Huế.
Kinh thành được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Kinh thành Huế bao gồm các di tích: Kỳ Đài Trường; Quốc Tử Giám; Điện Long An; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế; Đình Phú Xuân; Hồ Tịnh Tâm; Tàng thư lâu; Viện Cơ Mật – Tam Tòa; Đàn Xã Tắc; Cửu vị thần công…
Hoàng thành – khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn, nằm bên trong Kinh thành, được giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông, mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô đó là Ngọ Môn. Hoàng thành có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Hoàng thành và Tử cấm thành thường được gọi chung là Đại Nội. Các di tích trong Hoàng thành gồm: Ngọ Môn; Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi; Triệu Tổ Miếu; Hưng Tổ Miếu; Thế Tổ Miếu; Thái Tổ Miếu; Cung Diên Thọ; Cung Trường Sanh; Hiển Lâm Các; Cửu Đỉnh; Điện Phụng Tiên.
Tử cấm thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Các di tích trong Tử cấm thành gồm: Tả Vu và Hữu Vu; Vạc đồng; Điện Kiến Trung; Điện Cần Chánh; Thái Bình Lâu và Duyệt Thị Đường.
Xuyên suốt cả ba tòa thành, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.

hue24h

Trong quần thể di tích Cố đô Huế có 16 điểm di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là: Kinh thành ở bờ Bắc sông Hương bảo vệ cho Khu vực hành chính của nhà Nguyễn và là nơi ở của Hoàng Gia; Hoàng thành nằm ở trung tâm của Kinh thành là nơi ở và làm việc của các Vua Nguyễn; Lăng Gia Long; Lăng Minh Mạng; Lăng Thiệu Trị; Lăng Dực Đức; Lăng Tự Đức; Lăng Đồng Khánh; Lăng Khải Định; Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên các Tiến sỹ thời Nguyễn; Đàn Nam Giao – nơi vua tế trời; Chùa Thiên Mụ – Biểu trưng Phật giáo của Huế; Hổ Quyền – đấu trường duy nhất còn lại ở Châu Á dành cho voi và hổ; Điện Hòn Chén – nơi thờ Thánh Mẫu; Trấn Bình Đài – án ngữ bảo vệ đường sông của Kinh thành; Trấn Hải Thành – pháo đài trấn giữ mặt biển phía Đông.

hue24h

Ngoài ra Huế còn có nhiều di tích liên quan đến Triều Nguyễn như: Cung An Định, Điện Voi Ré, Võ Miếu, Hải Vân Quan, Cầu Ngói Thanh Toàn, các chùa Phật… hòa điện trong những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh Thiên An, Cửa Thuận An…
Huế còn nổi tiếng với những khu nhà vườn thâm nghiêm ẩn hiện giữa xóm phường bình yên trong lòng Cố đô mang phong cách kiến trúc rất đặc trưng. Điều rất đặc biệt là mỗi khu nhà vườn lại mang bóng dáng Kinh thành Huế thu nhỏ, có bình phong thay núi Ngự, bể nước thay thế cho dòng sông Hương, đôi tảng đá cụm thay cho cồn Dã Viên… Những khu nhà vườn đủ bốn mùa hoa trái, ríu rít chim ca còn là thế giới của những thi nhân mặc khách, là nơi diễn xướng điệu ca Huế…
Quần thể di tích cố đô Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Với công cuộc bảo tồn theo những tiểu chuẩn của UNESCO, di sản văn hoá Huế sẽ được giữ gìn – cho Việt Nam và cho thế giới để Huế sẽ mãi mãi là niềm tự hào của nhân loại.

Theo: Song Nguyên (ảnh: Vũ Thành Kông)
Nguồn: thethaovietnam.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button