Kinh tế Huế

Nuôi bồ câu Pháp thoát nghèo

Kinh tế Huế – Dù mới “du nhập” vào tỉnh TT- Huế, song mô hình nuôi bồ câu Pháp giúp nhiều nông dân thoát nghèo…
Đưa bồ câu lên internet
Mô hình nuôi bồ câu Pháp đầu tiên mà chúng tôi nghé thăm là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nhân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). Tuy không phải là người đi tiên phong trong việc chọn loài vật nuôi này nhưng thành công của Nhân cũng phải trải qua quá trình mày mò sách vở, internet.
Ngồi trò chuyện, Nhân kể: Đầu năm 2012, trong một lần “khăn gói” vào các tỉnh phía Nam tham quan các mô hình chăn nuôi, thấy loài bồ câu Pháp nhiều hộ nuôi rất hiệu quả. Dù đã “kết”, song khi trở về nhà, Nhân vẫn chưa bỏ tiền đi đầu tư ngay mà vùi mình vào đống sách vở, tài liệu về cách nuôi, chăm sóc, nghiên cứu thị trường.
Việc xong xuôi, Nhân vào tỉnh Quảng Nam mua 30 cặp giống về nuôi thử, mỗi cặp khoảng 350 ngàn đồng. Bất ngờ, loài vật nuôi mới này phát triển và sinh sản rất nhanh, Nhân không ngần ngại tiếp tục đầu tư kinh phí mở rộng thêm 100 lồng, nuôi 100 cặp. Giá sản phẩm tuy khá cao, khoảng 170 ngàn đồng/cặp bồ câu thịt vẫn có nhiều khách hàng đặt mua.
Nhân cho biết: “Điểm lợi thế của sản phẩm mô hình nuôi này là đối tượng tiêu thụ không chỉ có các nhà hàng, khách sạn mà còn có cả người dân ở địa phương, nên đầu ra khá ổn định, đều đặn”. Anh dự định sẽ đầu tư thêm số lượng, lồng nuôi trong thời gian tới vì nhu cầu thị trường còn rất lớn. Nói về thu nhập, Nhân khiêm tốn: “Mới bước đầu nuôi số lượng ít nên thu nhập chưa cao. Bình quân mỗi tháng lãi khoảng 7 triệu đồng từ bán chim thương phẩm và giống mà thôi”.
Câu chuyện về một chàng trai tốt nghiệp đại học, đưa bồ câu Pháp lên internet để quảng bá sản phẩm là một điểm nhấn khá ấn tượng khi chúng tôi đi tìm hiểu về mô hình này. Năm 2003, anh Thân Ngọc Trí (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) tốt nghiệp đại học ngành điện. Trí không chọn cho mình con đường tìm lên thành phố lớn mà trở về quê lập nghiệp.

Việc nuôi chim bồ câu Pháp của Trí bắt đầu từ năm 2010. Sau khi học tập kỹ thuật nuôi ở một số tỉnh miền Nam và tìm tòi từ sách báo, Trí đầu tư hơn 40 triệu đồng mua 20 cặp giống và xây dựng chuồng. Chưa đầy 2 tháng sau số bồ câu sinh sản tăng lên 80 cặp.
Trong quá trình nuôi, một ý tưởng mới đến với anh là xây dựng cho mình một blog trên mạng để quảng bá sản phẩm và tìm hiểu thị trường tiêu thụ. Sau 1 năm, bao giọt mồ hôi đã đổ, số bồ câu tăng lên 300 cặp.
Trí cho biết: “Sản phẩm bồ câu Pháp vốn được nhiều người ưa chuộng do chất thịt rất thơm ngon, bổ dưỡng nên số lượng nuôi hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu. Với 300 cặp chim, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 170 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi trên 120 triệu”.
Hướng đi mới
Nói về tính khả quan của mô hình nuôi bồ câu Pháp, anh Thân Ngọc Trí phân tích: “Đây thực sự là hướng đi hiệu quả bởi chăn nuôi bồ câu, các yếu tố quan trọng như nguồn thức ăn, kỹ thuật chuồng trại, khả năng chống chịu dịch bệnh, thị trường tiêu thụ…đều có những lợi thế nhất định, phù hợp với nhiều địa phương.
Cụ thể, nguồn thức ăn cho chim cũng rất dễ tìm kiếm, chủ yếu là các loại gạo, bắp, đậu… Mỗi ngày chỉ cho ăn 2 lần, tránh dư thừa thức ăn, hạn chế chi phí đầu tư và nguy cơ ô nhiễm chuồng nuôi.
Người nuôi có thể cho ăn thêm thức ăn công nghiệp nhằm tăng cường chất dinh dưỡng để kích thích chim chóng lớn. Nguồn thức ăn này được bán rộng rãi ở hầu hết các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Các chỉ số sinh trưởng cho thấy, áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nuôi, bồ câu Pháp chóng lớn so với bồ câu địa phương và nhiều loại vật nuôi khác.
Chỉ sau khoảng 4 tháng nuôi, chim đến tuổi sinh sản, trọng lượng bình quân mỗi con từ 1 – 1,2 kg. Ưu điểm nữa là, chim đẻ liên tục trong năm, vừa ấp nở vừa đẻ trứng, sản phẩm làm đều đặn bán ra thị trường”.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi, anh Trí cho hay: “Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tuân thủ các kỹ thuật nuôi theo quy định, như diện tích chuồng trại, lồng nuôi, máng đựng thức ăn, nước uống, xử lý phân thải, phòng ngừa dịch bệnh. Chuồng trại phải theo quy trình khép kín, thoáng mát mùa hè, mấm áp mùa đông, diện tích mỗi lồng nuôi phải đảm bảo cho số lượng bồ câu theo quy định”.
Theo ông Hồ Vang, PGĐ Sở NN-PTNT TT-Huế, nuôi chim bồ câu Pháp đã thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong xu hướng phát triển rộng rãi, các địa phương, ban ngành liên quan cần tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cho người dân để SX và tư vấn thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Nguồn: nongnghiep.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button