Xã hội Huế

Thừa Thiên – Huế: Làng bún điêu đứng vì tin đồn

Thừa Thiên- Huế: Kiểm tra tất cả các làng bún

Xã hôị Huê – Ngay sau khi các cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở bún ở TP. Hồ Chí Minh có chứa hóa chất tẩy trắng, nhiều làng sản xuất bún sạch truyền thống ở Thừa Thiên- Huế như: Ô Sa (huyện Quảng Điền), Vân Cù (thị xã Hương Trà)… đứng trước nguy cơ ngưng sản xuất trước tin đồn: “ăn bún bị ung thư”.

Hiện nay do ảnh hưởng thông tin từ các làng bún nhiễm chất tẩy trắng từ trong Nam ra, nên tình hình sản lượng bún của làng bún Vân Cù xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà và làng bún Ô Sa xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền đều sụt giảm đáng kể. Từ chỗ 2 làng bún này mỗi ngày cung cấp cho các lái buôn từ 15 đến 20 tấn bún/ngày bây giờ giảm chỉ còn 10 tấn.
Ông Nguyễn Văn Tích – Chủ tịch Hội nghề bún làng Vân Cù buồn bã nói: “Đối với bà con làng bún, đây không chỉ là nghề truyền thống được cha ông gìn giữ từ hàng trăm năm nay. Đó còn là “nồi cơm, chén cháo” duy trì cuộc sống hàng ngày của người Vân Cù. Cả làng Vân Cù ai ai cũng bồn chồn lo lắng. Đây là mùa du lịch của Huế nhưng hiện nay trong làng nhà nào nhiều nhất mỗi ngày cũng chỉ tiêu thụ được từ 2 đến 3 tạ bún”.
Trong khi đó, hàng nghìn quán bán bún bò khắp đất Huế cũng phải “dè chừng mua bún” khi nhu cầu ăn đặc sản bún bò Huế của thực khách cũng có dấu hiệu chững lại. Bà Nguyễn Thị Tuyết – chủ quán bún bò bà Tuyết nổi tiếng tại đường Nguyễn Công Trứ (TP.Huế) cho biết: “So với mọi năm thời điểm này vào mỗi buổi sáng chúng tôi bán được từ 30 đến 50kg bún mỗi ngày. Bây giờ mỗi ngày chỉ bán được từ 20 đến 30kg. Mong sao cơ quan sớm đưa ra kết luận về chất tẩy trắng có trong bún, đồng thời nếu phát hiện hộ nào làm bún có sử dụng chất phụ gia này phải xử phạt thật nghiêm minh để trả lại công bằng cho những người làm bún chân chính”.
Qua quá trình tìm hiểu về công nghệ sản xuất bún ở làng Vân Cù, chúng tôi nhận thấy bà con đặc biệt coi trọng khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều gia đình còn bỏ ra hơn 50 triệu đồng đầu tư dây chuyền sản xuất bún khép kín.
Anh Nguyễn Xuân No – một trong những gia đình có dây chuyền sản xuất bún khép kín ở xóm 5 làng Vân Cù cho biết, gia đình anh làm bún đã mấy đời rồi, chưa lúc nào dùng chất phụ gia để tẩy trắng bún. Và ở Vân Cù cũng chưa từng có một trường hợp  nào bà con bị ngộ độc vì bún. Trước đây, mỗi ngày gia đình anh No xuất ra thị trường từ 3 đến 4 tạ bún, bây giờ cao lắm cũng chỉ đạt 50%. Năm ngoái, giá bún cao hơn 6.000/1kg bún sản xuất ra được các lái buôn trên TP. Huế về bao trọn gói.
Theo thống kê của UBND xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, hiện nay thôn Vân Cù có 338 hộ dân, trong đó đã có 165 hộ sống bằng nghề làm bún hơn mấy chục năm qua. Là làng nghề truyền thống sản xuất bún nổi tiếng nhất Huế, nên phần lớn người dân đã bỏ vốn hàng chục triệu đồng để tự đầu tư hệ thống máy móc sản xuất (từ 50 – 60 triệu đồng/máy). Năm 2012, Nhà nước đã đầu tư cho thôn Vân Cù gần 4 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kênh mương, xử lý nước thải… nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm khi sản xuất bún. Thế nhưng, sau khi có tin đồn ăn bún bị ung thư, người dân làng Vân Cù đã lâm vào cảnh lao đao, vì bún sản xuất ra rất ít người mua.
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Đào – Trưởng thôn Vân Cù không giấu được nỗi buồn, tâm sự: “Bún bẩn sản xuất ở đâu thì tui không biết chứ tui cam đoan, làng bún truyền thống này không bao giờ dùng cái hóa chất tẩy trắng gì gì đó. Tin đồn bún sử dụng hóa chất khiến bún không bán được, nhiều hộ đã ngưng việc sản xuất vì lỗ vốn quá nặng”.
Cũng theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Tích, để biết rõ dân làng có dùng chất tẩy trắng hay không, chỉ cần vào bất kỳ hộ dân nào làm bún ở Vân Cù lấy mẫu xét nghiệm sẽ thấy rõ. Làng chúng tôi đang trong quá trình làm thủ tục xây dựng thương hiệu bún Vân Cù. Vì thế không thể có chuyện người dân Vân Cù sử dụng chất phụ gia để tẩy trắng bún.
Sẽ kiểm tra tất cả các làng bún trên địa bàn
Ông Nguyễn Ngọc Diễn – Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh chuẩn bị tiến hành kiểm tra tất cả các làng bún trên địa bàn. Theo ông Diễn, hoạt động của đoàn liên ngành là thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc bảo đảm an toàn vệ sinh của sản phẩm bún sản xuất trên địa bàn sau khi bún tại TP.HCM được phát hiện có chứa chất độc, khiến người tiêu dùng ở Thừa Thiên – Huế tẩy chay bún. Trước thực trạng này, người làm bún sạch ở tỉnh mong muốn cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra và công bố để người tiêu dùng an tâm.

Nguồn:  daidoanket.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button