Có một “Tuyệt tình cốc” ở Huế
Văn hóa Huế – Huế có một địa chỉ đơn sơ mà rất nổi tiếng mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là “Tuyệt Tình Cốc”, ở số nhà 58/2- Lê Thánh Tôn (số cũ). Ở đây một thời đã có những ngày hội tụ những tên tuổi lớn của thế hệ vàng văn nghệ sĩ của Huế như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha… Họ thành danh ngay trong lòng Huế một thời sục sôi máu lửa và đầy tao loạn.
Đó là thế hệ được học hành tử tế và được tắm trong luồng gió triết học mỹ học mới. Văn chương nghệ thuật của họ rất mới mẻ, hấp dẫn. Như thơ Ngô Kha, Trần Vàng Sao viết ra thời ấy, hơn 40 năm sau, đến hôm nay một thế hệ nhà thơ trẻ Việt Nam mới bắt đầu bước vào. Đặc biệt là họ dám dấn thân hết mình cho sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình và thống nhất Tổ Quốc. Đó là một thế hệ đông đảo lớp người tài hoa, bản lĩnh, đầy trách nhiệm trước Dân tộc và Tổ quốc. Thế hệ vàng đó không chỉ có ảnh hưởng lớn ở trong nước mà còn vang xa ra thế giới.
Thế hệ văn nghệ sĩ tài danh này của Huế có đặc điểm tuyệt vời là họ không phải là những cá thể đơn côi trong tháp ngà nghệ thuật. Mà họ tự nguyện gắn bó với nhau bằng tài năng và ý chí của một lớp người tràn đầy nhiệt huyết với non sông. Và trái tim của họ đã cùng nhịp đập với trái tim dân tộc, nhân dân. Họ đã đứng về dân tộc và nhân dân trong cuộc chiến đấu chung. “Tuyệt Tình Cốc” là ngôi nhà xưa của gia đình hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan- Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong bút ký nổi tiếng “Tuyệt tình Cốc” (Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, NXB Trẻ), Hoàng Phủ Ngọc Tường kể: “Ngôi nhà cố cựu ở trong hẻm đường Âm hồn được gọi theo tên truyện Kim Dung, là “Tuyệt tình cốc”. Đó là một ngôi nhà tranh nhỏ, thanh bạch như cuộc đời ba mẹ tôi, hoa cỏ tiêu sơ nhưng gió trăng đầy trời, gọi “cốc” là phải. Phan (em tôi) cùng mấy người bạn y khoa đều là những “diều hâu” của phong trào sinh viên Huế, do mải mê xuống đường nên thi rớt, bèn rút lui vào cốc này ôn luyện bài vở để thi lại kỳ hai. Học thi như luyện võ công, các vị cố thủ trong ngôi nhà quạnh vắng, tuyệt giao với người đẹp, từ ấy có cái tên là “Tuyệt tình cốc”. Ngôi nhà này, qua bao vật đổi sao dời, bây giờ vẫn còn, do họ hàng nhà văn quản lý, để giữ lại một phần hồn của thế hệ vàng của Huế.
Một lần, người viết theo nhà văn Văn Cầm Hải cùng đoàn làm phim VTV Huế đi làm phim chân dung Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã tìm đến cõi Tuyệt tình cốc ấy, để ngắm lại nơi xuất phát của những tiếng nói đồng lòng, đồng chí một thời. Ngôi nhà nhỏ, nhưng tâm hồn, trái tim họ rộng lớn, hướng về cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc, vì thế mà ngôi nhà đã trở thành “địa chỉ của lịch sử”. Trên vách Tuyệt tình cốc anh em khắc vẽ thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán, Tây tiến của Quang Dũng. Trần Quang Long đi tù về, viết lên vách bài thơ “Thánh Gióng” của Hoàng Cầm: “Thánh Gióng không cưỡi lên công trận / Không làm vua chúa cưỡi đầu dân”. Trên vách Tuyệt tình cốc, Ngô Kha còn viết lên bài thơ của mình, mà theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, bài thơ rất hay đã tuyệt tích cùng tác giả của nó, trong đó có đoạn:
Lần hồi sinh trên con tàu lần cuối cùng
Chung quang anh phù sa cát đỏ
Anh hỏi thầm về đời mình
– Gỗ đá có buồn không ?
– Chim chóc có buồn không ?
Hoàng Phủ Ngọc Tường kể: “Một lần tôi vào nhà thấy các vị (tức nhóm sinh viên đấu tranh cùng Hoàng Phủ Ngọc Phan-NM ) vừa ăn đào vừa cặm cụi suốt đêm viết một bài diễn văn trường giang đại hải. Hỏi mới biết, ngày mai trong cuộc mít-tinh lớn ở Thương Bạc, Tôn Thất Kỷ (tổng thư ký lực lượng đấu tranh) dự dịnh đọc một bài diễn văn chống Mỹ nẩy lửa, mà theo sáng kiến của nhóm, “cần làm luôn một mạch bốn tiếng đồng hồ, giống như Fidel Castro”. Thường xuyên sống ở Tuyệt tình cốc có Hoàng Phủ Ngọc Tường và họa sĩ Đinh Cường. Đinh Cường đã chọn Tuyệt tình cốc làm phòng vẽ dù ở đây chật chội nhưng phù hợp với tính lãng tử của anh. Có lẽ, mặt khác, anh cũng muốn chia sẻ “không khí đấu tranh” với anh em”.
Mùa Xuân 1966, Tuyệt tình cốc chuyển sang nhịp sống sôi động của phong trào ly khai miền Trung bùng nổ tại Huế. Tạp chí Việt Nam Việt Nam ra đời, thẳng thừng lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Có người bảo Tuyệt tình cốc là “chỉ huy sở” của phong trào xuống đường ở Huế. Không phải vậy. Tuyệt tình cốc chỉ là nơi trú ngụ của những văn nghệ sĩ Huế hướng về Tổ Quốc…
Không biết do ngẫu nhiên hay sự sắp đặt của thời cuộc, mà thế hệ vàng của văn nghệ Huế lại gắn bó với ngôi lều cỏ Tuyệt tình cốc như chuyện cổ tích những tráng sĩ xưa ẩn nơi lều cỏ rồi bỗng tuốt gươm lưng ngựa sa trường . Tôi cứ thẫn thờ nghĩ về họ và nhớ về họ khôn nguôi…
Nguồn: cand.com.vn