Chuyện lạ về Yết Kiêu ‘tái sinh’ ở Thừa Thiên – Huế
Đất – Người Huế – Cứ chiều chiều, trên khúc sông thuộc làng Vĩnh An (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) lại rộn rã tiếng reo hò, cổ vũ của đám trẻ chăn trâu trước màn biểu diễn dưới nước đặc sắc của chàng trai tật nguyền
Trời sinh tài sau cái ngày bị tật
Chẳng khó khăn lắm, khi chúng tôi hỏi về “Nghĩa Yết Kiêu”, chỉ cần mô tả sơ qua là người dân đã gật đầu cái “rụp” rồi chỉ dẫn tận tình đường về nhà cậu. Tên thật của anh là Trần Quốc Nghĩa (SN 1990). Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ cạnh quốc lộ 49B, Nghĩa kể về biến cố cuộc đời mình, giọng nói lúc trầm lúc bổng, dập dềnh lên xuống như con nước dòng Ô Lâu quê mình.
Trần Quốc Nghĩa sinh ra trong một gia đình thuần nông. Cha mẹ anh đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng, hết cày thuê lại cuốc mướn mà vẫn không đủ tiền cho sáu anh em ăn uống đầy đủ. Là con út nam trong nhà, Nghĩa có phần được cha mẹ cưng chiều hơn các anh chị. Với bản tính hiếu động và ham chơi, sau mỗi buổi chăn trâu, Nghĩa thường xuyên trốn cha mẹ đi đá bóng. Và cũng trong một trận bóng quyết liệt vào mùa hè năm 1998, Nghĩa bị đối thủ gạt chân, té đập đầu xuống đất bất tỉnh phải đưa vào trạm y tế xã cấp cứu. Thấy trán Nghĩa hâm hấp nóng, cô y tá tưởng Nghĩa bị sốt nên tiêm ngay một liều thuốc hạ sốt. Chính liều thuốc nghiệt ngã ấy suýt chút nữa cướp đi tính mạng của em.
Sau ba ngày nằm bất động ở trạm y tế xã, Nghĩa được chuyển vào bệnh viện Trung ương Huế. Bác sĩ tại đây cho biết, Nghĩa bị sốc thuốc, khả năng sống sót không cao, nếu có sống cũng chỉ trở thành người câm, điếc hoặc bại liệt. Cha mẹ Nghĩa khóc hết nước mắt khi thấy con mình bị trói tay trói chân nằm trên chiếc giường dựng đứng, từng liều thuốc tiêm vào khiến cơ thể em quằn quại. Sau hơn một tháng điều trị, ngày tháo dây buộc cũng là lúc Nghĩa không còn đứng được, đúng như dự đoán của bác sĩ: Nghĩa bị liệt hai cơ chân.
Bà Lê Thị Đấu (56 tuổi) mẹ của Nghĩa, kể lại: “Lúc ấy, tôi chỉ biết dằn lại nỗi đau ôm con vào lòng mà an ủi. Tôi nói với nó: “Trời kêu ai nấy dạ, chứ biết sao được hả con. May mà ông trời còn thương tình để mày sống với mẹ, chứ mày có mệnh hệ gì thì mẹ cũng không thiết sống. Thôi nín đi con, mày không đứng được thì để mẹ đứng thay mày…”.
Oái ăm thay, sau khi đưa về nhà ba ngày thì tay phải của Nghĩa bị vặn cánh gà bởi di chứng của thuốc vẫn còn. Sợ cái tay còn lại của con cùng chung số phận như tay phải, cha mẹ Nghĩa lại khăn gói lên đường đưa Nghĩa vào bệnh viện Chức năng Hòa Bình. Sau hơn một năm chạy chữa, số của cải vốn đã ít ỏi nay đã đội nón ra đi hết, danh sách nợ lại dài thêm, gia đình Nghĩa cạn sức nên đành đưa Nghĩa về nhà chăm sóc.
Từ một đứa trẻ hiếu động, giờ phải ngồi yên một chỗ là cú sốc quá lớn đối với Nghĩa, suốt nhiều ngày liền Nghĩa ngồi lầm lì, ai hỏi cũng không chịu nói. Quá bất ngờ với cuộc sống mới, mọi chuyện sinh hoạt của Nghĩa đều do một tay mẹ lo liệu. Và cũng từ đây, biệt tài trôi nổi dưới nước như kình ngư của Nghĩa mới được bắt đầu.
Nhà Nghĩa vốn ở gần sông, hồi trước ở quê còn nghèo, chưa có nước máy nên chiều chiều mẹ cõng Nghĩa ra bến tắm rửa. Về sau, thương mẹ vất vả, Nghĩa nhờ những người bạn trong xóm cõng xuống bến, rồi tự tắm. Nhìn bạn bè bơi lội tung tăng mà Nghĩa thèm khát lắm. Có hôm đánh liều, Nghĩa nhờ đứa bạn bơi giỏi nhất xóm cõng ra giữa sông cho biết cái mùi “nước sạch” là gì, chứ ở trong bờ rong rêu và lũ trẻ hay quậy nên nước bẩn.
Nhưng kỳ lạ thay, khi xuống nước, người Nghĩa nhẹ như chiếc phao nên cậu bạn đem Nghĩa ra giữa dòng mà chẳng hề tốn chút công sức. Nghĩa kể: “Mấy thằng bạn xung quanh muốn không chìm giữa dòng thì hai chân phải luôn quẫy đạp như chân vịt dưới nước, chân Nghĩa lúc đó cũng đâu có cựa quậy được gì. Nghĩa thử bảo, thằng bạn thả hờ tay ra xem như thế nào, sau đó, dù bạn đã buông tay ra rồi mà Nghĩa vẫn nổi. Lúc ấy, Nghĩa cũng thấy thật ngạc nhiên, người mình cứ dập dềnh lên xuống cứ như được ai đó nâng đỡ”.
Chàng “kình ngư độc thủ” đa tài
Vận động viên đa tài của hội Người khuyết tật
Ông Nguyễn Ngọc Khánh (Phó chủ tịch UBND xã Phong Bình) cho biết, với tài năng của Trần Quốc Nghĩa, chính quyền địa phương đã đưa anh vào danh sách các vận động viên hội Người khuyết tật. Nhưng địa phương còn khó khăn, chưa có sân chơi dành cho việc tập luyện bơi lội nên Nghĩa được chuyển sang tập luyện bóng bàn, một môn thể thao khác mà Nghĩa chơi cũng rất tốt”.
Biệt tài nổi dưới nước của Nghĩa lúc đó nổi như cồn, làng trên xóm dưới ai cũng hiếu kỳ kéo đến xem. Nhiều lời đồn thổi được dựng lên, người cho rằng Nghĩa được thần sông phù hộ. Người lại bảo, do cậu bị tật, hai chân teo lại nên trọng lượng cơ thể nhẹ, nổi trên nước là chuyện thường. Có người lý giải rằng, nếu muốn nổi trên mặt nước thì chỉ cần nín thở, không cho khí thoát ra ngoài, cơ thể lúc đó sẽ như cái phao chứa đầy không khí, dưới áp lực nước sẽ nổi lên. Nhiều người dân hiếu kỳ nên thách đố Nghĩa, nếu cậu nổi được trong vòng một tiếng thì sẽ có thưởng cho cậu bởi làm sao có thể nín thở lâu đến như vậy được. Thấy con xuống nước lâu quá không chịu lên, mẹ cậu trách dân làng ác độc, vì hiếu kỳ mà bắt con bà lặn ngụp dưới nước.
Lần đó, Nghĩa trổ tài nổi dưới nước kéo dài đến hơn ba tiếng đồng hồ, cơ thể không động đậy mặc cho dòng cuốn cậu đi một quãng khá xa. Lúc được bế lên bờ, cậu còn cười khì khì bảo: “Mấy chú tin chưa, cháu nổi cả ngày dưới nước cũng được, chứ nói gì một tiếng”. Vận dụng biệt tài nổi dưới nước, Nghĩa dần dần học cách dùng cánh tay còn lại để bơi, có như vậy mới mong làm chủ được con nước. Vì theo suy nghĩ của cậu, nếu chỉ nổi không thôi thì cậu chẳng khác gì cây lục bình, số phận sẽ bị đẩy đưa theo sức nước, như vậy còn nguy hiểm hơn nhiều. Trước khi bị tật, Nghĩa đã biết bơi nhưng giờ chỉ còn một tay nên việc bơi khó khăn hơn nhiều. Cánh tay lâu ngày không cử động mạnh nên lúc bơi rất mỏi và đuối sức. Nhưng tập dần rồi cũng quen, chẳng lâu sau đó, cậu còn bơi giỏi hơn cả lũ trẻ chăn trâu trong xóm.
Ngoài bơi, Nghĩa còn tập lặn. Chỉ cần hít một hơi thật sâu là Nghĩa có thể lặn từ bờ bên này sang đến bờ bên kia sông mà không cần phải ngoi lên mặt nước lấy hơi. Phục tài năng bơi lội của Nghĩa, dân làng Vân Trình mới gọi Nghĩa là “Yết Kiêu thời hiện đại”. Bỏ qua mọi dư luận, với Nghĩa mọi chuyện đơn giản lắm: “Em cảm thấy rất vui khi mình có được tài này, trên mặt đất em chỉ có thể di chuyển theo kiểu tay chống thân lết như con vượn què nhưng xuống dưới nước thì em lại có thể tự do di chuyển, trôi nổi như con thuyền nên thấy bản thân thoải mái lắm. Em không quan tâm người khác có thán phục mình hay không, em chỉ biết nhờ sông nước mà mình kiếm được nguồn vui sống mới”.
Lấy lại niềm vui từ cuộc sống, sau hai năm gián đoạn việc học do bệnh tật, Nghĩa xin phép cha mẹ đi học lại. Nghĩa kết thúc chương trình học phổ thông vào năm 2012 với học lực khá, khiến mọi người rất nể phục. Thương bố mẹ vất vả nuôi lớn mình lâu nay, để giảm bớt gánh nặng, Nghĩa xin đi học nghề tại trung tâm Dạy nghề và Đào tạo việc làm cho người khuyết tật. Nghĩa chọn nghề thêu, nhờ hoa tay có sẵn và bản tính kiên trì, cậu được các cô giáo trong trung tâm yêu thương hết mực. Và cũng tại đây, cậu gặp người vợ hiện tại của mình là Nguyễn Thị Lệ (20 tuổi). Là một người con gái lành lặn đem lòng yêu chàng trai tật nguyền nên chị bị gia đình và bạn bè cấm cản nhiều lắm. Nhưng: “Gặp nhau, quý nhau và yêu nhau ai mà lý giải được. Mình thấy anh Nghĩa hiền lành, giỏi giang lại nhiều tài lẻ như bơi giỏi, hát hay, vẻ đẹp, chơi bóng bàn cũng tốt… nên đem lòng mến phục. Rồi từ mến phục chuyển sang gắn bó chẳng biết từ khi nào nữa”, chị Lệ chia sẻ.
Theo: Ái Linh – nguoiduatin.vn