Hai sản phụ, một thai nhi chết tại bệnh viện
Hai mẹ con sản phụ chết đột ngột
Xã hội Huế – Chỉ trong vài ngày, tại Thừa Thiên – Huế đã có hai sản phụ và một thai nhi tử vong tại bệnh viện. Người dân rất hoang mang, bàn tán xôn xao về trách nhiệm của bác sĩ và cơ sở khám chữa bệnh…
Căn nhà của chị Trương Thị Gái (39 tuổi, trú thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) đang nhuốm màu tang tóc. Chị Gái cùng thai nhi 8 tháng tuổi đã tử vong tại bệnh viện sau ca cấp cứu.
Lúc 16 giờ ngày 8-9-2013, thấy chị Gái ho nhiều, khó thở, da tím tái nên người thân đưa đến nhà BS Nguyễn Đằng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Lộc Thủy, khám uống thuốc rồi về nhà. Đến tối, chị Gái đau dữ dội nên được đưa đến Bệnh viện Chân Mây (huyện Phú Lộc) lúc 19 giờ 45. Được 15 phút sau thì chị Gái mất.
BS Đằng cho biết: “Là bệnh nhân quen nên tôi biết rõ chị Gái bị hen phế quản (hen suyễn), đã cho uống ba loại thuốc: kháng sinh, giãn phế quản và chống dị ứng. Thấy chị Gái khỏe lại, tôi nói chị về nhà mượn máy thở ôxy của hàng xóm và nếu đau nặng thì đi bệnh viện”.
Theo BS Hoàng Văn Thám, Giám đốc Bệnh viện Chân Mây: “Bệnh nhân Gái nhập viện trong tình trạng khó thở, nhịp 60 lần/phút, khó bắt mạch, không đo được huyết áp, nhịp tim nhanh, nhẹ (140 lần/phút), âm phổi ồn ào, tim thai khó nghe. Bệnh nhân kích thích vật vã, môi thâm tím, bệnh nhân được chẩn đoán: phù phổi cấp, thai được 31 tuần và nhanh chóng được cấp cứu. Sau 10 phút bệnh nhân nặng lên, huyết áp không đo được, càng khó thở, sùi bọt hồng ở mũi, miệng và tử vong cùng thai nhi lúc 20 giờ.
Ông Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra kết luận: “Nhận được thông tin, sở đã thành lập đoàn kiểm tra và được biết, bệnh nhân Trương Thị Gái tử vong do bị hen suyễn sau đó bị phù phổi cấp. Đây là bệnh cấp tính, tiến triển quá nhanh dễ tử vong. Ban đầu chúng tôi xác định BS Đằng không sai sót về chuyên môn. BS Đằng chỉ sai ở chỗ là khám chữa bệnh và bán thuốc tại nhà không giấy phép. Việc khám chữa bệnh có thể thông cảm được vì bà con nhân dân cũng cần, cũng thấy tiện lợi. Hơn nữa, theo nghị định “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh” ngày 27-9-2011 thì đến ngày 31-12-2013 mới hoàn thành xong việc cấp giấy phép hoạt động. Cho nên hiện nay trên toàn quốc có rất nhiều BS chưa được cấp giấy phép mới. Chúng tôi sẽ đình chỉ việc khám chữa bệnh trái phép tại nhà, việc bán thuốc của BS Đằng và tùy mức độ mà xử lý hành chính”.
“Đã làm tròn trách nhiệm”?
Cũng tại Thừa Thiên – Huế, một sản phụ khác tử vong khiến người dân hết sức hoang mang là chị Ngô Thị Diệu (31 tuổi, trú thôn 8A, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy). 19 giờ ngày 10-9, chị Diệu sinh bé gái nặng 3,3kg tại Bệnh viện đa khoa Hương Thủy. Hơn một giờ sau, BS phát hiện bệnh nhân bị chảy nhiều máu nên chuyển đến cấp cứu tại khoa Sản Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế lúc 21 giờ. 11 giờ ngày 11-9, chị Diệu tử vong.
Bệnh viện đa khoa Hương Thủy đã thăm và hỗ trợ 12 triệu đồng cho gia đình lo đám tang. Ngày 12-9, anh Phan Tri Tâm (33 tuổi, chồng chị Diệu) làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan ban ngành đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của vợ mình. Tuy nhiên, ngày 14-9 anh Tâm đã rút đơn khiếu nại sau khi được Bệnh viện đa khoa Hương Thủy thăm hỏi và hỗ trợ. Bà Trần Thị Hợp (60 tuổi, mẹ chị Diệu) nghẹn ngào: “Con tui lúc mang thai sức khỏe bình thường, không bị bệnh gì. Trước khi sinh khoảng 2 giờ, thấy con bị đau yếu, tôi xin BS cho sinh mổ nhưng không được. Sau khi sinh được một giờ thì thấy máu chảy nhiều, BS cho chuyển viện sau đó thì con tui mất”.
BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Bệnh viện Hương Thủy trả lời: “Chúng tôi cho bệnh nhân sinh thường vì thấy sức khỏe bình thường, các chỉ số đều tốt, siêu âm thai thường. Người phụ trách ca sinh là BS có chuyên môn, kinh nghiệm hơn 30 năm. Sau đó chị Diệu bị xuất huyết sau sinh, đờ tử cung (mất khả năng co bóp), không co thắt được nên tiến hành cấp cứu: tiêm thuốc, truyền dịch và chuyển lên tuyến trên cấp cứu”.
BS Vỹ khẳng định, ê kíp ca sinh của chị Diệu đã thực hiện đầy đủ các quy trình, theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Chị Diệu được chuyển viện trong tình trạng mất nhiều máu nhưng vẫn tỉnh táo và có thể cứu sống được. Sau 2 giờ nhập viện, bệnh nhân mới được phẫu thuật. Đến 14 tiếng sau thì chị Diệu tử vong.
Trước sự việc trên, BVTW Huế đã họp hội đồng chuyên môn, phản hồi vụ việc. Theo PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó giám đốc BVTW Huế, thì bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu và phẫu thuật cắt tử cung bán phần. Toàn bộ êkíp phẫu thuật và gây mê hồi sức khẩn trương phối hợp chặt chẽ, quy trình hồi sức tích cực. Sau mổ, huyết động không ổn định, vô niệu, rối loạn đông máu, sản phụ hôn mê và tử vong lúc 11 giờ 20 ngày 11-9.
Hiện chưa có kết luận về hai vụ việc trên và ban đầu, các BS bệnh viện đều khẳng định đã cố gắng cấp cứu, chăm sóc nhưng sản phụ tử vong do bệnh quá nặng và diễn biến nhanh, không phải do tắc trách, sai sót.
Theo: H.Quân – Th.Ngọc – congan.com.vn