Vơi nỗi đau ở Ngôi nhà Hy Vọng
Giáo dục Huế – Đó là tên mà người dân Huế đặt cho cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật và trẻ khó khăn Hy Vọng (gọi tắt là Trung tâm Hy Vọng, nằm ở số 20 đường Nhật Lệ, TP Huế).
Trung tâm Hy Vọng do hai người bạn thân từ thời đi học là bà Nguyễn Thị Hồng và Lê Thị Hương – hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ Thuận Thành thành lập năm 1999. Đây hiện là nơi cưu mang, dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho hơn 100 mảnh đời bất hạnh.
Đồng cảm và sẻ chia
“Thuở nhỏ gia đình tôi rất khó khăn, cha mẹ phải chắt chiu từng đồng nuôi mấy chị em ăn học. Gia đình lại có đứa cháu trai bị liệt tật bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam. Vì vậy, tôi hiểu rất rõ cuộc sống vất vả của những trẻ em khuyết tật nên đã nảy sinh ý tưởng thành lập Trung tâm nhằm giúp các em có được công ăn việc làm ổn định, phần nào vơi đi nỗi đau về thể xác, và thắp sáng niềm tin về tương lai tươi đẹp cho các em” – Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Ngày đầu mới có ý tưởng thành lập Trung tâm, hai bà gặp rất nhiều khó khăn, phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi. May mắn được bạn bè, gia đình và các tình nguyện viên giúp đỡ, đặc biệt là Hội bảo trợ người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên – Huế cho vay 20 triệu đồng.
Khi Trung tâm được thành lập, cơ sở chỉ có vài chiếc máy may do các tình nguyện viên tự nguyện đưa đến, ngân sách eo hẹp nên đành phải mượn vài phòng trống tại Đài Truyền thanh TP Huế làm địa điểm. Khó khăn nhất là phải vận động, thuyết phục từng em khuyết tật đến Trung tâm. Khoá đầu tiên, trầy trật lắm mới có 18 em chủ yếu là người Huế đến học. Một thời gian, khi Trung tâm đã phát triển ổn định và có tiếng tăm thì số lượng học viên tìm đến Trung tâm đông dần. Nhiều em ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quãng Ngãi… cũng xin vào Trung tâm học nghề.
Nơi thắp sáng tương lai
Trải qua 14 năm hoạt động, đến nay Trung tâm đã mở được 27 khóa dạy nghề cho hơn 800 học viên. Hiện nay, Trung tâm Hy Vọng là ngôi nhà chung của gần 100 trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số và 30 em nhiễm chất độc da cam. Các em vào trung tâm đều được sắp xếp chỗ ngủ nghỉ, ăn uống, vui chơi, đặc biệt là được học tiếng Anh miễn phí. Ngoài ra, Trung tâm còn có một cơ sở dạy nghề dệt Zèng, sơn mài, thủ công mỹ nghệ, gốm…, ở thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, TT-Huế) nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn.
Sản phẩm do các em làm ra vừa đáp ứng nhu cầu cho ngành du lịch Thừa Thiên – Huế, vừa được khách nước ngoài ưa chuộng đặt mua trở thành hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao sang các nước Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông… .Tuỳ vào sản phẩm mà mỗi em được nhận tiền công khác nhau từ 1 – 3 triệu đồng mỗi tháng. Em Nguyễn Văn Hậu (29 tuổi, TP Huế), bị câm điếc bẩm sinh nhưng thông minh, chăm chỉ, nay trở thành thầy dạy nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ tại Trung tâm với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Các học viên đến với Trung tâm không chỉ được đào tạo nghề mà còn được vui chơi cùng những người cùng cảnh ngộ, giúp xua đi cảm giác tự ti, mặc cảm, hòa nhập tốt với cộng đồng. Có nhiều học viên làm việc, sinh sống tại Trung tâm mến nhau rồi nên nghĩa vợ chồng như hai em Nguyễn Văn Pháp và Trần Thị Nguyệt cùng quê Quảng Bình, bị câm điếc bẩm sinh mới cưới nhau cách đây 2 tháng.
Nhiều du khách khi ghé thăm Trung tâm, tận mắt chứng kiến các học viên khuyết tật làm gốm, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, các món hàng lưu niệm,… họ hết sức ngỡ ngàng và thốt lên những câu thán phục trước sự cố gắng và kiên trì của các em.
Trung tâm Hy vọng đã góp phần xoá đi phần nào nỗi đau, sự mặc cảm và thắp lên ngọn lửa hi vọng cho những con người bất hạnh.
Theo: Như Quỳnh – giaoducthoidai.vn