Góp vốn kinh doanh tại Trung tâm công viên cây xanh Huế: Tiền đi đâu, về đâu?
Xã hội Huế – Huy động hàng tỷ đồng của hàng trăm cán bộ công nhân viên (CBCNV) để mua đất, thực hiện dự án bảo tồn nhà rường, kinh doanh cây lộc vừng… song gần 6 năm vẫn không công bố lãi lỗ và chi trả, tạo sự bức xúc cho CBCNV góp vốn… Đó là những sai phạm vừa được Đoàn Thanh tra TP Huế phát hiện tại Trung tâm công viên cây xanh (CVCX) Huế.
Tùy tiện, áp đặt…
Tháng 3-2008, một cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Trung tâm CVCX và các phòng của đơn vị này có đưa ra chủ trương huy động vốn từ người lao động (NLĐ) để mua thiết bị trò chơi lắp đặt tại Công viên Nguyễn Văn Trỗi (TP Huế) nhằm kinh doanh. Sau đó, chủ trương này không thực hiện mà chuyển sang huy động vốn để thực hiện dự án bảo tồn nhà rường tại P. Thủy Xuân (Huế). Trước đó, dự án khu nhà vườn, nhà rường tại Thủy Xuân được UBND TP Huế phê duyệt. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cấp theo kế hoạch vốn và vốn tài trợ vùng Nord pas de Calais.
Năm 2009, Trung tâm CVCX có tờ trình xin được xây dựng, lắp đặt thêm 4 nhà rường cổ tại dự án trên bằng vốn huy động của CBCNV và được Chủ tịch UBND TP Huế đồng ý. Số người được huy động là 249 với hơn 900 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, hiện khu vực nhà rường này vẫn chưa đưa vào sử dụng khai thác để kinh doanh. Điều đáng nói, thủ tục hợp đồng huy động vốn được ký giữa ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm CVCX và ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS), đại diện cho NLĐ ký kết nhưng chưa được ủy quyền của NLĐ và hợp đồng này chưa được thông qua toàn bộ các thành viên tham gia góp vốn tại trung tâm.
Bên cạnh việc huy động vốn đầu tư lắp đặt nhà rường cổ, Trung tâm còn huy động vốn của 220 người với số tiền hơn 800 triệu đồng để mua đất tại khu vực vườn ươm thuộc P. Thủy Xuân. Về thủ tục hợp đồng huy động vốn giữa Trung tâm CVCX và người góp vốn cũng được ký giữa Giám đốc và Chủ tịch CĐCS trung tâm. Mặc dù ông Nguyễn Văn Thanh đại diện cho NLĐ ký kết nhưng chưa được ủy quyền của NLĐ và hợp đồng này chưa được thông qua toàn bộ các thành viên tham gia góp vốn.
Về nội dung không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, thiếu khách quan, là chưa đảm bảo dân chủ mang tính áp đặt. Ngoài ra, việc 2 lô đất được chuyển nhượng cho ông Trần Văn Du, Trưởng phòng Tổ chức hành chính và ông Trần Ngọc Nhuận, kế toán viên của trung tâm đã được Giám đốc Phan Đình Ngôn có Giấy ủy quyền. Tuy nhiên, giấy ủy quyền này không đảm bảo tính pháp lý đại diện cho Trung tâm. Cụ thể, trong các hợp đồng chuyển nhượng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hề đề cập đến Giấy ủy quyền và cũng không đề cập gì đến vai trò của Trung tâm mà chỉ thể hiện tư cách cá nhân, là trái quy định. Đồng thời, 2 thửa đất trên, thời gian qua Trung tâm giao cho Đội vườn ươm quản lý, sử dụng, thực tế phục vụ công ích (dùng để gieo ươm các giống hoa, sắp xếp bố trí cây mới ra ngôi…) nhưng không được hạch toán cụ thể. Bên cạnh đó, Trung tâm còn huy động gần 600 triệu đồng của 160 CBCNV để kinh doanh cây lộc vừng. Nhưng hiện đã có 550 cây trong số 796 cây đã bị chết…
Tại kết luận thanh tra mới đây, Chủ tịch UBND TP Huế Phan Trọng Vinh cho rằng, đối với chủ trương huy động vốn để mua đất mở rộng vườn ươm và thực hiện dự án bảo tồn nhà rường tại P. Thủy Xuân đã được phổ biến triển khai thông qua NLĐ và đã được Chủ tịch UBND TP đồng ý. Tuy nhiên, trước khi đầu tư các dự án trên, Trung tâm CVCX chưa xây dựng phương án đầu tư kinh doanh và tính hiệu quả kinh tế của các dự án, do đó quá trình đầu tư xây dựng 2 dự án trên kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, khai thác làm giảm hiệu quả kinh tế. Các hợp đồng giữa Giám đốc với Chủ tịch CĐCS trung tâm ký kết chưa được sự ủy quyền và chưa được thông qua toàn bộ các thành viên tham gia góp vốn tại trung tâm là việc làm thiếu dân chủ, mang tính áp đặt, vi phạm Nghị định 71/1998/NĐ-CP năm 1998 ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Các bản hợp đồng có nội dung không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, thiếu khách quan, chưa công khai và chưa tổ chức thực hiện đúng với nội dung ghi trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm này. hết thời gian 5 năm như nội dung ký trong hợp đồng mà Trung tâm không thông báo và không có phương án thanh toán tiền gốc và lãi cho những người đang góp vốn, trong lúc người góp vốn phải chịu trả lãi vốn vay ngân hàng tạo sự thiệt thòi về quyền lợi người góp vốn. Như vậy, phía Trung tâm chưa nghiêm túc thực hiện nội dung trong hợp đồng làm cho người góp vốn bị thiệt hại về tài chính càng tạo sự bức xúc cho những người góp vốn. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Trung tâm và Chủ tịch CĐCS. Với những sai phạm trên, Chủ tịch UBND TP Huế vừa có kết luận yêu cầu Trung tâm bán 2 lô đất ở Thủy Xuân, bán toàn bộ số nhà, bán tất cả số lộc vừng… mà những người góp vốn đã mua để thu hồi trả tiền lại cho những người góp vốn.
Làm trái quy định của UBND tỉnh
Bên cạnh những sai phạm nói trên, qua thanh tra tại Trung tâm CVCX Huế, Đoàn Thanh tra TP Huế còn phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, đơn vị hạch toán một số chi phí không hợp lý vào chi phí hoạt động công ích thường xuyên và hoạt động kinh doanh dẫn đến tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp so với báo cáo tài chính gần 98 triệu đồng. Trung tâm trích lập quỹ Phát triển thể dục thể thao và quỹ công đoàn từ tiền công lao động trực tiếp các công trình kinh doanh năm 2012 với số tiền hơn 210 triệu đồng không đúng với quy định.
Nghiêm trọng hơn, theo quyết định năm 2008 của UBND tỉnh TT-Huế, Bảng đơn giá chuyên ngành CVCX TT-Huế áp dụng tiền lương là 540 ngàn đồng nhưng Trung tâm khi giao dự toán và nghiệm thu khối lượng công việc cho các Tổ, Đội đơn vị đã sử dụng mức tiền lương hoạt động công ích năm 2012 với mức lương 830 ngàn đồng… Với những sai phạm nêu trên, Chủ tịch UBND TP Huế yêu cầu Giám đốc trung tâm, Chủ tịch công đoàn và một số cán bộ trung tâm liên quan nghiêm túc tiến hành tổ chức kiểm điểm, xử lý đúng mức về những vi phạm đã xảy ra.
Theo: H. Lan – cand.com.vn