Siêu bão Wutip áp sát bờ biển Hà Tĩnh – Huế
Tin tức Huế – Sáng nay, tâm bão cách bờ biển Hà Tĩnh – Huế khoảng 200 km và dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền lúc 16h. Sức gió tối đa 149 km một giờ. Các địa phương đang sơ tán hàng nghìn dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, 4h sáng nay, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Huế khoảng 230 km về phía đông đông nam; sức gió tối đa 149 km một giờ (cấp 13), giật cấp 16. Bão đang di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, vận tốc mỗi giờ khoảng 20 km.
Dự báo 16h chiều nay, bão đổ bộ vào các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị, sức gió tối đa 102 km một giờ (cấp 10), giật cấp 12. Sau đó bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 10. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh, riêng từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế gió mạnh cấp 9, gần tâm bão giật cấp 15.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, do ảnh hưởng của rìa phía bắc cơn bão nên chiều tối và đêm nay khu vực này có mưa. Vùng biển các tỉnh Nam Định, Thái Bình có gió giật trên cấp 8.
Để đảm bảo an toàn cho người dân ven biển, tối 29/9, Hà Tĩnh đã có lệnh sơ tán khẩn cấp hơn 22.000 dân khỏi vùng nguy hiểm. Ngay trong đêm, nhiều nhà dân đã gói hành lý sẵn sàng đợi lệnh sơ tán của địa phương. Hàng chục trường học được chọn làm nơi tạm trú.
Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho hay, biên phòng các tỉnh đã thông báo, hướng dẫn hơn 61.000 phương tiện, với trên 300.000 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
7h sáng nay, tàu thuyền của Thanh Hóa đã vào bờ an toàn. Riêng tỉnh Nghệ An còn 52 tàu thuyền nhỏ vẫn hoạt động ven bờ, đã được kêu gọi khẩn trương vào bờ.
Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tổng lượng mưa ba ngày từ 19h ngày 26/9 đến 19h ngày 29/9 tại trạm Hà Tĩnh là 265 mm; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 215 mm; Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 366 mm; Lệ Thủy (Quảng Bình) 203 mm; Eahleo (Đắk Lắk) 162 mm; Cửa Việt (Quảng Trị) 195 mm; Đông Hà (Quảng Trị) 185 mm…
Hiện hồ chứa Sông Tranh đang mở các cửa xả tràn, mức nước hiện tại 140,71 m, cao trình ngưỡng tràn 161 m. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có 12 hồ đang xả điều tiết.
Tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế mực nước hồ chứa thủy lợi đang tích phổ biến ở mức 70-100% so với thiết kế; các tỉnh Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa mực nước đang ở mức thấp, dung tích ở mức 30-60%, một số ít hồ đang trữ ở dung tích trên 90% như Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế), Phú Ninh (Quảng Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa).
Các hồ chứa ở khu vực Tây Nguyên đang tích ở mức tương đối cao, trên 80% dung tích thiết kế, một số hồ đang xả lũ điều tiết như A Yun Hạ (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đắk Lắk); các hồ đang tràn tự do là Đạ Hàm, Đạ Tẻ, Tuyền Lâm (Lâm Đồng).
Do ảnh hưởng mưa của bão số 10, từ ngày 30/9, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế sẽ lên nhanh. Lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 2-3; hạ lưu sông La, các sông ở Nghệ An và Thừa Thiên Huế lên mức báo động 1, báo động 2.
Có 31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, phải tổ chức lực lượng thường trực 24h/24h tại công trình, chuẩn bị vật tư dự phòng để kịp thời ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra như Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); Cha Chạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, Khe Chẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu – Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (TT. Huế)…
Theo: Hương Thu – vnexpress.net