Đất - Người Huế

Tấm gương sáng của người cha tàn tật

Đất – Người Huế – Vợ mất sau một vụ tai nạn giao thông, tuy bị tàn tật nhưng bằng nghị lực và đức hy sinh cao cả của người cha, ông Ngô Việt Thành (43 tuổi), ở thôn 1B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế, đã nén chặt nỗi đau để sống và thay vợ nuôi các con ăn học thành người…

Men theo con đường đất đỏ ghồ ghề, chúng tôi về thăm nhà ông Thành vào một chiều đầu tháng 10. Bên trong căn nhà tuềnh toàng, mái nhà thủng lỗ chỗ do ảnh hưởng của cơn bão số 10 làm vỡ mấy tấm tôn còn chưa được thay, ông Thành ái ngại tâm sự về cuộc đời khốn khổ của mình. Là con đầu trong gia đình có 7 anh em, năm lên 1 tuổi, sau một cơn sốt nặng thì chân trái của ông Thành bắt đầu teo dần lại và bị liệt. “Bao ước mơ, hoài bão của tui đều không thể thực hiện vì chân, tay không lành lặn. Rồi tui may mắn được “trời thương” khi cưới được một cô vợ vừa đẹp người, đẹp nết. Ấy thế mà bà ấy bỏ “ra đi” sớm quá…”, giọng ông Thành nghẹn lại.

Tháng 12/2012, trong một lần đi tảo mộ, chị Bùi Thị Chi Mai (bà con với ông Thành) chở theo con trai là cháu Ngô Viết Hải (5 tuổi) cùng vợ ông Thành là bà Lê Thị Trà đã không may bị một chiếc xe tải tông phải làm cháu Hải tử vong tại chỗ. Bà Trà được người thân đưa lên Bệnh viện TW Huế cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi. Tài xế xe tải đã bị TAND huyện Phú Vang xử phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định giao thông đường bộ”, nhưng nỗi đau sau vụ tai nạn ấy vẫn còn dai dẳng đối với gia đình ông Thành.

“Từ ngày mẹ mấy đứa mất, tui một thân một mình sống cảnh “gà trống nuôi con”. Vất vả, cực khổ không biết nói bao nhiêu cho hết, nhưng nhờ 2 đứa con học giỏi đã trở thành động lực để tui vượt qua tất cả nỗi đau”, hướng ánh mắt xa xăm ra cánh đồng trước mặt, ông Thành bùi ngùi. Lúc bà Trà còn sống, ngoài 2 sào ruộng phần, bà còn đi làm thuê làm mướn khắp nơi để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Sau khi vợ mất, vì chân bị bại liệt, sức khỏe yếu nên ông Thành đành bán hết ruộng rồi xin vào làm ở một xưởng mộc tại Khu công nghiệp Phú Bài với đồng lương ít ỏi 1,7 triệu đồng/tháng. Nhờ tằn tiện, cộng với 180 ngàn đồng tiền trợ cấp cho người khuyết tật nên cũng đủ cho mấy cha con ông Thành cơm cháo qua ngày.

Tôi hỏi: “Thế tiền học phí cho 2 cháu, bác làm sao xoay xở?”. Ông Thành thở dài, nói: “Gia đình thuộc hộ nghèo hơn 10 năm nay của xã nên học phí của mấy đứa cũng được miễn giảm, còn mấy khoản khác tui đều vay mượn cả, lúc nào có thì trả…”. Mỗi ngày, sau khi ông Thành dắt chiếc xe máy “tự chế” 3 bánh đi làm thì hai người con của ông Thành là Ngô Thị Lệ Hằng (18 tuổi, học lớp 12) và Ngô Viết Thái Tài (16 tuổi, lớp 10), học sinh Trường THPT Phú Bài, lại thức dậy dọn dẹp nhà cửa mới đến trường.

“Thấy cha tàn tật, đi lại khó khăn nhưng vẫn đi làm kiếm tiền nuôi tụi em nên kỳ nghỉ hè vừa rồi, em và chị Hằng đã lên thị trấn Phú Bài xin giúp việc ở một quán cơm và được trả công gần 3 triệu đồng. Số tiền này, tụi em dành dụm để mua sách vở và dụng cụ học tập cho năm học mới”, Tài trải lòng cùng tôi. Thương người cha tàn tật suốt ngày lặn lội mưu sinh nên Hằng và Tài đã nỗ lực phấn đấu học tập. Suốt những năm học qua, hai em đều đạt học sinh giỏi của nhà trường và nhận nhiều học bổng “học sinh nghèo vượt khó học giỏi”…

Nói về hoàn cảnh của mấy cha con ông Thành, bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, cho biết: Trên địa bàn xã Thủy Phù vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng những người bị tàn tật, có cuộc sống nghèo khó lại nghị lực vượt lên chính mình và nuôi con học giỏi như ông Thành là trường hợp đặc biệt của xã. Chia tay chúng tôi, ông Thành rưng rưng nước mắt, tâm sự: “Mình tàn nhưng mình không phế, không phải là người bỏ đi chú à. Mình còn sức lực thì còn phải cố gắng để nuôi các con để hy vọng sau này chúng nó sẽ trở thành người có ích cho xã hội… Tui chỉ có niềm mong mỏi như rứa thôi”.

Theo: Lê Anh- cand.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button