Dự án chần chừ, người sống, người chết đều thấp thỏm
Kinh tế Huế – Trước thực trạng các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô chậm hoặc không triển khai làm cho hàng trăm hộ dân không có đất sản xuất và kéo theo nhiều hệ lụy khác, thiết nghĩ tỉnh Thừa Thiên Huế cần rà soát lại toàn bộ dự án này, có biện pháp xử lý, thu hồi giấy phép đầu tư để “giải thoát” cho người dân có điều kiện phát triển.
Như đã thông tin, để thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hồi hàng trăm hécta đất để cấp cho các dự án, nhưng rồi dự án bỏ hoang tràn lan, trong khi người dân không có đất để sản xuất. Thực tế cuộc sống “treo” trong vùng quy hoạch đang viết nên những câu chuyện đắng lòng.
Sống “treo” vì dự án trên giấy
Ngoài sân gôn đi vào hoạt động tại Khu nghỉ dưỡng Laguna thì tại xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) còn một dự án Khu nghỉ dưỡng sân gôn khác của Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Phong Phú – Lăng Cô. Dù được phê duyệt vào năm 2009 với diện tích đất 83.697m2 và tiến hành kiểm kê đền bù cho 83 hộ dân nhưng đến nay dự án này vẫn không triển khai.
Những khó khăn chồng chất mà 83 hộ dân này đang phải từng ngày, từng giờ gánh chịu thì không ai kể cho xuể, từ công ăn việc làm, xây dựng nhà cửa, đến nuôi, trồng các loại cây, con để phát triển kinh tế gia đình…, vì “đụng đâu cũng vướng quy hoạch”.
Đứng trên triền đồi cao, phóng tầm mắt về thôn Phú Hải mà chúng tôi cảm thấy chạnh lòng, bởi cả ngôi làng như tiêu điều sau cơn bão số 11 vừa qua do không được sửa sang, che chắn. Ông Hồ Trọng Vĩnh – Trưởng thôn Phú Hải 2 bức xúc: “Theo quyết định được phê duyệt thì 83 hộ dân của thôn chúng tôi nằm trong diện phải di dời để bàn giao đất cho dự án. Tất cả các hộ dân chúng tôi đều được kiểm kê tài sản và phê duyệt giá trị bồi thường, nhưng từ năm 2009 đến nay dự án không chi trả tiền làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Chúng tôi sống trên đất của mình nhưng không được trồng cây, xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Có nhiều hộ nhà xập xệ muốn tu sửa cũng không được vì bên dự án thỉnh thoảng về nói sắp có tiền đền bù và di dời đi nơi khác. Trong cơn bão số 11 vừa qua, vì sợ nhà sập, bà con thôn chúng tôi phải chạy ẩn nấp trong một ống cống nước. Chúng tôi nhiều lần đề nghị lên cấp trên nếu dự án không triển khai thì xóa quy hoạch để bà con chúng tôi an tâm, ổn định cuộc sống, nhưng tiếng kêu của chúng tôi đều vô vọng”.
Ông Bùi Ngọc Ga – Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, nơi dự án đầu tư cho biết: “Thực trạng một số dự án trên địa bàn chậm triển khai nên cuộc sống của người dân rất khó khăn, nhất là những hộ nằm trong diện đền bù để giải tỏa. Đất và tài sản đã kiểm kê nhưng không chi trả tiền bồi thường khiến nhiều gia đình đi không nỡ mà ở cũng không xong. Chúng tôi đã có kiến nghị đề nghị dự án sớm triển khai hoặc trả lại đất cho dân sản xuất nhưng đến nay chúng tôi vẫn chờ”.
Thiệt hại nặng do phá rừng phòng hộ
Cách dự án sân gôn Phong Phú chừng 1km là dự án Khu nghỉ dưỡng VinCon của Cty Cổ phần Đầu tư tài chính và bất động sản VinCon. Sau lễ khởi công vào năm 2008, đơn vị này cho tiến hành đốn hạ hàng trăm cây dương rừng phòng hộ, đồng thời cho xe ủi trọc lớp thực bì để lộ chiều dài hơn 200 mét bờ biển trơ nền cát trắng. Việc phá rừng phòng hộ ven biển để làm dự án nhưng không triển khai dẫn đến hậu quả là trong hai cơn bão số 10, 11 vừa qua, nước biển và gió thổi vào làm hư hại hàng chục héc ta cây cối và hoa màu của người dân.
Bác Nguyễn Văn Bê sống trong vùng bị ảnh hưởng than thở: “Đành rằng là làm khu du lịch thì phải san lấp mặt bằng, nhưng trước khi làm phải tính đến việc ảnh hưởng môi trường. Nếu dự án có kế hoạch triển khai cụ thể mới cho tiến hành phá rừng, chứ phá rừng xong để trơ cát như thế này, chủ đầu tư thì bỏ đi còn người dân chúng tôi thì gánh chịu. Một vài năm tới chắc chắn cát sẽ bay sạch và nguy cơ nước biển sẽ xâm thực là khó tránh khỏi”.
Nhìn cả cánh rừng xanh bạt ngàn chạy dọc theo bờ biển nhưng tại vị trí đơn vị này san ủi, cả khu rừng và ruộng vườn của dân bên trong lá ngả màu vàng úa mới thấy thiệt hại đến mức nào.
Dự án chần chừ, người sống và người chết đều thấp thỏm
Một trong những dự án du lịch gây khó khăn cho chính quyền địa phương cũng như người dân nhất là dự án Du lịch Xanh Lăng Cô (nằm đối diện UBND thị trấn Lăng Cô), do Cty Cổ phần điện Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này được cấp 2,6ha đất, với số vốn 168,96 tỷ đồng, khởi công năm 2004. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dự án này chỉ xây được một bờ kè chắn cát. Việc dự án này “án ngữ” trước mặt UBND thị trấn Lăng Cô hơn 10 năm qua khiến cho chính quyền và nhân dân thị trấn này vô cùng bức xúc.
Bác Lê Phú Hiến, 87 tuổi, một hộ dân nằm trong diện giải tỏa nhìn lên trần nhà xập xệ, than: “Chúng tôi gần đất xa trời rồi mà sống cũng không được yên thân. Từ ngày kiểm kê tài sản đến nay chúng tôi cứ sống trong thấp thỏm, chờ đợi chi trả tiền để đi tái định cư nhưng chờ hoài không thấy ai ghé thăm”. Điều đáng nói là nằm trong vùng quy hoạch của dự án này có cả nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Lăng Cô. Hiện nghĩa trang này đã xuống cấp, hư hại nhiều hạng mục nghiêm trọng nhưng vẫn không thể sửa chữa, di dời vì dự án cứ chần chừ.
Ông Dương Đăng Trung – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Hiện thị trấn có 16 dự án du lịch nhưng chỉ có 6 dự án đi vào hoạt động, còn lại các dự án khác hầu như chỉ làm cho có. Việc có quá nhiều dự án đăng ký nhưng không triển khai làm cho bộ mặt đô thị không thể khởi sắc được. Đa số các dự án đều nằm ở những vị trí đắc địa, nhưng hơn 10 năm rồi không triển khai gì, chỉ toàn cây hoang và cỏ dại mọc. Nhiều lần họp tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng đã kiến nghị nếu dự án nào không triển khai thì sớm thu hồi để trả lại đất cho dân sản xuất nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi”.
Nguồn: baophapluat.vn