Giai thoại quanh ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng ở Huế
Đất – Người Huế – Dân làng Phổ Trung và Phổ Đông cung kính gọi hai bức tượng chó đá là ngài “Thiên Cẩu”. Những ngày rằm, mùng một người dân thường đến thắp nhang, cầu khấn. Nơi “ngài” ngự, tuyệt nhiên không ai dám xâm phạm…
Những giai thoại ly kỳ về “Thiên Cẩu”
Tục thờ chó đá là một tín ngưỡng khá phổ biến trong đời sống văn hóa của người Việt từ xa xưa. Nếu như ở các địa phương khác việc thờ cúng loài chó chỉ mang ý nghĩa là thần canh cổng, trông coi nhà cửa, giúp trừ tà, cầu phúc, thì việc thờ cúng “Thiên Cẩu” ở hai thôn Phổ Trung, phổ Đông, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế mang một ý nghĩa khác hẳn: Thờ chó đá gắn liền với những giai thoại ly kỳ về “linh khuyển” được trời ban xuống trần gian, được nhân dân trong thôn truyền miệng cho con cháu từ đời này sang đời khác.
Cách trung tâm TP. Huế không xa, dọc theo quốc lộ 49, sau rất nhiều lời hỏi thăm với vô số ngã rẽ chúng tôi tìm về hai thôn Phổ Trung và Phổ Đông. Ghé vào một quán nước ven đường, khi nghe chúng tôi hỏi về miếu thờ “linh khuyển”, chủ quán cho biết: “Ở làng này có nhiều thôn lắm, nhưng mà miếu thờ Chó đá thì chỉ có ở hai thôn là Phổ Trung và Phổ Đông thôi, miếu được đặt ngay đầu thôn, dưới có một bệ thờ, trên có mái che để bảo vệ cho “ngài”. Trong miếu có đĩa dâng, nhang đèn, trầu cau, ngày rằm, mùng một bà con tới đông lắm”.
Văn hóa tín ngưỡng của người dân
Ông Phạm Văn Giáo, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Miếu thờ Thiên Cẩu” ở hai thôn Phổ Trung và Phổ Đông đã có từ xa xưa. Những giai thoại về “Thiên Cẩu” tại địa phương được người dân truyền tụng hàng chục năm qua. Những câu chuyện trên là văn hóa tín ngưỡng của người dân. Đây là một nét văn hóa tâm linh đẹp và khác biệt nên địa phương luôn có chủ trương lưu giữ và duy trì”.
Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến miếu thờ ngài “Thiên Cẩu”, đó là hai ngôi miếu tuy nhỏ nhưng được chăm nom cẩn thận. Nếu như miếu thờ ở làng Phổ Đông là hình tượng chó đá màu vàng, với dáng ngồi khoan thai, tai dựng, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi lè, thì tượng chó đá ở làng Phổ Trung có màu đen, hơi nhổm bằng bốn chân, đuôi vắt vẻo, được dân làng che bằng một tấm khăn đỏ. Theo lời những bậc cao niên trong hai thôn miếu thờ “linh khuyển” đã tồn tại cách đây hàng trăm năm, từ thời các vị vua nhà Nguyễn trị vì.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao, người dân trong thôn lại thờ cúng loài chó làm con vật linh thiêng của thôn, thì được những người trong thôn Phổ Đông giải thích: “Theo lời người xưa kể lại, ngày ấy, do các điện thờ linh thiêng làng đối diện chiếu qua nên trong làng không có người đỗ đạt, thành danh. Các bô lão trong làng thỉnh ngài “Thiên Cẩu” về làng chính là để trấn giữ làng và phá thế “chiếu” của làng bên kia”. Cụ Bùi Thị Con, năm nay đã ngoài 80 tuổi nói: “Thực hư câu chuyện đó như thế nào tui cũng không rõ nhưng các thế hệ sau này đều đỗ đạt thành danh và có công ăn việc làm”.
Tại thôn Phổ Trung, chúng tôi gặp ông Võ Văn Mừng, người thường xuyên nhang khói miếu “Thiên Cẩu”, ông kể cho chúng tôi nghe nguồn gốc việc thờ cúng “ngài” đã có cách đây trên 100 năm. Xưa kia, dân làng Phổ Trung đều rất nghèo, không hiểu tại sao trong làng thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Những ngôi nhà tự nhiên bốc cháy mà không có lý do. Một hôm, trong ngôi nhà nhỏ của một người đàn ông làm nghề chài lưới, khi ông đang ăn cơm thì ngôi nhà bỗng dưng bốc cháy phừng phừng, ông chài hoảng quá liền hô hoán, cả làng ầm ầm kéo đến, người dùng xô, kẻ múc nước chuyền tay nhau dập lửa nhưng lạ thay, lửa gặp nước lại cháy càng hăng, người dân Phổ Trung thấy vậy thì kinh hồn bạt vía, ngỡ rằng gia đình ông Chài đang bị trời đày, liền bỏ chạy toán loạn. Bỗng dưng, một con chó trắng lao tới, sủa lên ba tiếng, ngọn lửa ngay lập tức được dập tắt trước sự ngỡ ngàng, sửng sốt của dân làng.
Ngày hôm ấy, vị trưởng làng Phổ Trung biết có điềm kỳ lạ bèn mời một thầy pháp về làm lễ lên đồng khấn tế. Sau một hồi làm lễ cũng bái, hai mắt thầy pháp trợn ngược, thần sắc phiêu linh, thầy phán rằng: “Các ngài bề trên thấy dân làng Phổ Trung cực khổ, cuộc đời trầm luân trong dòng nước đục, bèn phái vị “linh khuyển” xuống trần gian giúp đỡ chúng sinh”. Nghe vậy, dân làng vô cùng sung sướng, liền lấy ngày mà gia đình ông Chài bị cháy là ngày “Thiên Cẩu” đồng thời cung kính lập miếu thờ, thỉnh “ngài” về đầu làng với mong muốn được “ngài” che chở”. Bà Bùi Thị Con, trông nom miếu “Thiên Cẩu” ở thôn Phổ Trung.
Miếu thiêng không được mạo phạm
Sử sách ghi chép từ lâu :Trong cuốn Lesopold Cadiere, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, tập 2, Ecole franaise d’ Extrême-Orient, 1992, tr.132, 133 linh mục Cadière (1918) có ghi chép lại: Làng Nam Phổ Đông nằm trên đường từ Huế ra Thuận An có chôn hai con chó đá, một con để chắn hướng đòn ngang của ngôi đình làng Phú Khê nằm gần đó, con kia để chắn hướng một con đường chạy qua bãi tha ma.
Các bậc cao niên của làng Phổ Trung cho biết, từ xa xưa những người trong làng rất tin vào sự linh thiêng của miếu “Thiên Cẩu”, niềm tin mãnh liệt ấy được truyền từ đời này sang đời khác, họ cho biết, miếu thờ đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua nhiều biến cố, gắn bó với những thăng trầm của mảnh đất này nên nó kết tinh, tập trung linh khí của dân làng. Ông Võ Văn Mừng giải thích: “Không phải ngẫu nhiên mà dân làng lại tin tưởng vào sự linh thiêng của miếu “Thiên Cẩu” như vậy. Những câu chuyện gieo nhân nào gặp quả ấy và sự trừng phạt khi mạo phạm đến ngài “Thiên Cẩu” luôn được khẳng định và lan truyền đến tận ngày nay”.
Ông Mừng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện từ thời ông bà ông kể lại: “Chuyện kể rằng, khi nhân dân thôn Phổ Trung lập miếu thờ “Thiên Cẩu” đã tạc một bức tượng “ngài” rất to bằng đá cẩm thạch đẹp đẽ, với dáng ngồi khoan thai, cao quý đầy uy nghiêm, miếu nằm ngay vị trí đắc địa của làng, hướng ra đường lớn. Trải qua mấy trăm năm, mặc cho những đổi dời của đất trời, tượng ngài “Thiên Cẩu” vẫn uy nghi, hoành tráng. Năm 1962, khi anh em Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Diệm thường xuyên đi lại từ khu căn cứ Tân Mỹ (Thuận An) lên TP. Huế khi đi qua làng Phổ Trung, lần đầu nhìn thấy bức tượng “Thiên Cẩu”, Ngô Đình Diệm mê mẩn.
Là em trai Diệm, Ngô Đình Cẩn nổi tiếng là tên bạo chúa miền Trung gian ác, khét tiếng tàn bạo, bên cạnh đó y còn là tay chơi nổi tiếng, chỉ nhìn qua bức tượng chó đá bằng cẩm thạch, y biết rằng đây là báu vật quý bèn sai quân lính đập phá miếu, bứng mang đi trong sự xót tiếc của người dân Phổ Trung. Chỉ một năm sau ngày Ngô Đình Diệm cướp đi bức tượng ngài “Thiên Cẩu”, ông bị ám sát và qua đời. Người dân Phổ Trung có niềm tin rằng, Ngô Đình Diệm bị ám sát vì đã gây ra những tội ác tày trời khiến người dân phải sống cuộc sống lầm than, phần khác họ cũng tin rằng chính vì mạo phạm đến ngài “Thiên Cẩu” nên Diệm có kết cục bi thảm như vậy”.
Bên cạnh câu chuyện về sự mạo phạm của anh em nhà họ Ngô, ông Mừng còn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện khác về sự trừng phạt của miếu thiêng: “Sau ngày miếu bị đập phá, dân làng Phổ Trung dù cuộc sống khó khăn, vẫn gom góp nhau được một số tiền lớn, xây lại miếu thờ “ngài” và đưa tiền cho một ông thợ kép ở trong thôn làm lại tượng ngài “Thiên Cẩu”. Ngày qua ngày, khi ông thợ kép làm xong bức tượng dân làng ai cũng tức giận vì với số tiền lớn mà tượng “Thiên Cẩu” chỉ là viên đá lớn được tạo hình sơ sài, cẩu thả, phía dưới khắc một hàng chữ.
Vài ngày sau, khi vợ con ông thợ kép đi chợ ngang qua miếu thờ ngài, liền bị một hòn đá lớn từ đâu lăn tới nhằm vào khiến hai người ngã đùng, mẹ cụt tay, con gãy chân. Tối hôm ấy, khi ông thợ kép đang ngủ liền nhìn thấy bóng dáng một chú bạch cẩu chờn vờn quanh người, rồi phán: “Ngươi vì lòng tham mà bớt xén tiền của bà con cung kính lên ta, nay ta phạt vợ con ngươi không còn lành lặn”. Ông thợ kép vì quá nể sợ liền hứa với bạch cẩu sẽ tạc lại một bức tượng mới, bức tượng còn tồn tại đến tận ngày nay”. Kể cho chúng tôi nghe xong về những giai thoại về ngài “Thiên Cẩu” ở làng, ông Mừng cũng cho biết thêm: “Rất khó để chứng minh được sự màu nhiệm trong tín ngưỡng của bà con trong thôn, nhưng khi có niềm tin, con người sẽ thoải mái và an tâm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Theo: Bảo Bình – nguoiduatin.vn