Tấm lòng của một già làng người Cơ Tu
Đất – Người Huế – Với quyết tâm xây dựng bản làng ngày một ấm no, già Hồ Văn Bảy (63 tuổi, dân tộc Cơ Tu) ở bản làng A Rò, xã Thượng Quảng, huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã mạnh dạn đi đầu để thực hiện nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ông còn là người hiến nhiều hécta đất rừng để giúp dân bản làm kinh tế và vận động người dân hiến đất để mở đường, xây trường học…
Trong một lần lên công tác ở vùng cao Nam Đông, chúng tôi may mắn được gặp già Bảy. Sau một hồi dẫn đường cho những người “khách lạ”, già Bảy mời chúng tôi về nhà để “tham quan” cơ ngơi của ông. Trong ngôi nhà cấp 4 được dựng theo kiểu người Kinh, già Bảy tâm sự bằng chất giọng khàn đặc: “Hồi đó, mình đi du kích nhưng may mắn sống sót sau trận thảm sát tại làng Trâu. Hòa bình lập lại, năm 1986, mình vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi từ đó một lòng cùng dân bản khai hoang, vỡ đất để chung tay xây dựng bản làng sau chiến tranh”.
Thương chàng trai người dân tộc Cơ Tu một lòng theo cách mạng, người thiếu nữ xinh đẹp ở bản bên đã phải lòng rồi từ đó cùng với ông Bảy xây dựng gia đình và phát triển kinh tế. Chưa đầy 1 năm sau, vợ chồng ông Bảy đã khai hoang được 4 hécta đất rừng để trồng sắn, ngô…
“Chừng ấy diện tích đất nhưng trồng ngô, trồng sắn chỉ đủ ăn. Lo sợ thiếu đói trong mùa giáp hạt và không có tiền để cho các con đến trường học chữ nên vợ chồng tui quyết định giảm diện tịch trồng sắn để chuyển qua trồng cây cao su và cây keo…”, ông Bảy hồ hởi nhớ lại.
Nhờ quyết đoán trong cách làm kinh tế mà chẳng mấy chốc, vợ chồng ông Bảy đã trở thành đôi vợ chồng trẻ nhất bản có “của ăn của để” khi mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ việc trồng rừng. 7 người con của ông nhờ thế được ăn học đàng hoàng. Trong đó, có 3 người đã thi đỗ vào các trường đại học.
Chỉ cho chúng tôi thấy những tấm bằng khen của các con được đóng khung, treo cẩn thận trên tường nhà, già Bảy kể trong niềm vui sướng: “Con Hồ Thị Hòn là đứa đầu tiên đỗ Đại học Sư phạm Huế, giờ nó vừa xin vào dạy ở Trường Mầm non của xã. Hiện còn thằng Bi (25 tuổi) đang theo học Trường Sĩ quan công binh ở Bình Dương và thằng Bóc (22 tuổi) theo học Trường Đại học Kinh tế Huế”.
“Dù vất vả, cực nhọc nhưng các con học giỏi là niềm động viên lớn cho những người suốt ngày bám nương bám rẫy như vợ chồng tui. Ngoài 3 đứa học đại học thì mấy đứa còn lại cũng đã có nghề nghiệp ổn định hết rồi chú à…”, bà Kim Thị Huệ (vợ ông Bảy) tâm sự.
Cách đây hơn 5 năm về trước, khi đất đai còn đang khan hiếm, già Bảy đã tự nguyện hiến 4 hécta đất rừng mà vợ chồng ông đã bỏ nhiều công sức khai phá để tặng cho bốn hộ nghèo trong bản sử dụng làm đất trồng rừng. Nhờ thế mà già Bảy càng được dân bản tin yêu và bầu làm già làng, rồi đến các chức vụ Chủ tịch và Bí thư xã Thượng Quảng.
Đứng bên vườn cao su xanh mướt được trồng trên đất rừng do già Bảy hiến tặng, ông Hồ Văn Thật (40 tuổi), ở thôn A Rò, bùi ngùi nói trong sự xúc động: “Vợ mình bị tàn phế sau một tai nạn lao động cách đây gần 7 năm trước, 3 đứa con đang tuổi ăn học nên dù cố gắng làm ăn nhưng vẫn không đủ gạo nuôi con. May được bác Bảy cho 1 héc ta đất rừng để làm kế sinh nhai, không thì chết đói cả rồi”.
Không những vậy, già Bảy còn thực hiện công tác dân vận để vận động nhiều hộ dân trong xã tình nguyện hiến đất xây dựng nhà cộng đồng thôn, trường mẫu giáo và trên 2km đường xóm bằng bê tông. Đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục dân bản không được sinh con thứ 3.
“Mình đã đến từng nhà, giải thích cho bà con hiểu sự khó khăn, vất vả khi có con thứ 3. Mình khuyên bà con rằng: Dù gái hay trái, có 2 là đủ… Phải sinh ít để con cái nó còn được đi học con chữ nữa chứ. Nhờ thế mà thằng Hồ Văn Ươi, Hồ Văn Lý… không sinh thêm con thứ 3 nữa dù nó đã 2 đứa con gái rồi. Nay tỉnh đã công nhận bản A Rò 10 năm không có người sinh con thứ 3 rồi”, già Bảy vui mừng kể về thành quả trong công tác dân vận của mình.
Nói về những cống hiến của già Bảy cho dân bản A Rò, ông Hồ Văn Bó, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho hay: “Hiện toàn thôn A Rò có 50 hộ với 390 khẩu nhưng hộ nghèo chỉ còn 3 hộ. Toàn thôn có 54 hécta cao su; 80 héc ta keo tràm và 2 hécta lúa nước. Thu nhập của bà con dân bản nay đạt 9 triệu đồng/người/năm… Có được thành công này đều nhờ vào công tác dân vận của già Bảy rất lớn”.
Chia tay chúng tôi, già Bảy nói vui: “Vợ chồng tui làm cả đời nhưng về già chỉ có mấy tấm bằng khen của Đảng và Nhà nước treo trên tường thôi. Nhưng thế là hạnh phúc lắm rồi…”
Theo: Lê Anh – cand.com.vn