Mè xửng, tôm chua Huế lọt tốp 50 đặc sản Việt Nam
Ẩm thực Huế – Kết thúc năm 2013, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bình chọn và trao giải cho 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với các sản phẩm như điêu khắc làng nghề Mỹ xuyên; nước mắm Phong Hải; đệm bàng Phò Trạch; tôm chua Huế, kẹo mè xửng, tương măng Phong Mỹ.
Hai sản phẩm mè xửng và tôm chua Huế đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong tốp 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Hiệu quả từ các chương trình khuyến công ở Thừa Thiên-Huế đã góp phần kích thích các doanh nghiệp, cơ sở phát huy năng lực, mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Được hỗ trợ 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Hương đã đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm kẹo mè xửng, một mặt hàng đặc sản xứ Huế.
Từ một nghề thủ công truyền thống, kẹo mè xửng Huế hiện đã được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, từ công đoạn nấu bằng hệ thống nồi hơi, đến hệ thống băng tải làm nguội, cán, cắt, đóng gói…, nâng công suất sản xuất lên khoảng 1.000 tấn sản phẩm/năm.
Việc đầu tư này góp phần cải tiến chất lượng sản phẩm, kẹo mè xửng sản xuất ra thơm ngon hơn, được người tiêu dùng đánh giá cao, tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường cả trong và ngoài nước.
Một đặc sản khác của Huế rất được các du khách ưa chuông chính là tôm chua – món ẩm thực đặc trưng của xứ Huế. Tôm chua đúng “điệu” Huế phải được làm từ những con tôm nước lợ thật tươi, ngon nhất là tôm từ vùng đầm phá Cầu Hai.
Người làm tôm chua chọn những con tôm to đều nhau, đem ngắt đầu, rửa sạch, ngâm trong rượu ít phút. Sau đó vớt tôm ra để ráo rồi trộn đều với các thứ phụ gia gồm riềng, tỏi, ớt đỏ, măng non, xôi nếp, nước mắm ngon.
Trong các thứ phụ gia trên, riềng đóng vai trò quan trọng nhất nên phải dùng nhiều hơn cả. Tỏi to thái mỏng, ớt thái vát dài và mỏng, riềng và măng thái thành sợi mảnh.
Tôm được ủ tốt nhất là trong vại sành. Khi nào chín đem ra trộn với một ít mật ong. Có thể gia tăng thêm ít riềng rồi đóng vào các lọ thuỷ tinh hoặc lọ nhựa. Như vậy trong một lọ tôm chua ta thấy đủ các sắc màu trắng, vàng, hồng, đỏ và hội tụ các vị ngọt, béo, bùi, cay, chua, đắng, vừa nóng lại vừa mát, tất cả hòa trộn tạo nên một hương vị đầy quyến rũ.
Sản phẩm tương măng Phong Mỹ (hay còn gọi là tương măng Hoàng Cúc) hiện đang được sản xuất, chế biến và đóng hộp sản phẩm chuẩn bị cho thị trường Tết Giáp Ngọ 2014.
Cơ sở tương măng Hoàng Cúc hình thành và đi vào hoạt động trong thời gian qua không chỉ khôi phục thành công nghề làm tương măng truyền thống, mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nữ nông thôn trên địa bàn.
Năm 2012, được Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ, tương măng Hoàng Cúc đã được đăng ký mẫu mã, xây dựng và khẳng định thương hiệu. Từ đó, sản phẩm sản xuất ra chừng nào bán hết chừng đó, với doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/năm./.
Nguồn: vietnamplus.vn