Đàn Âm hồn được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Văn hóa Huế – Ngày 4/12, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có quyết định xếp hạng đàn Âm hồn ở phường Thuận Hòa, TP Huế, là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đàn Âm hồn được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái, là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các liệt sĩ, đồng bào đã mất trong biến cố thất thủ kinh đô ngày 5/7/1885 Ất Dậu.
Cùng với đàn Nam Giao, đàn Xã tắc, đàn Âm hồn là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng ở Huế do triều đình nhà Nguyễn xây dựng, được xem là đài Liệt sĩ đầu tiên, biểu trưng cho tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc Việt nam cuối thế kỷ XIX. Sau năm 1945, triều Nguyễn không còn tồn tại, việc cúng tế đàn Âm hồn hàng năm do Bộ Lễ tổ chức cũng không còn, nhưng người dân TP Huế vẫn tổ chức tế lễ đàn Âm hồn hằng năm vào ngày 23/5 Âm lịch. Đây là nghĩa cử văn hoá cao đẹp để tưởng nhớ và cầu mong các anh linh đã trận vong trong ngày thất thủ kinh đô được giải oan, siêu thoát, trở thành nét văn hoá tâm linh đặc sắc của vùng đất cố đô Huế…
Thời gian qua do hạn chế trong công tác quản lý của cơ quan hữu quan, đàn Âm hồn bị người dân xâm chiếm hơn 600m2, chỉ còn lại bãi đất hoang hóa và 1 bàn thờ nằm trơ trọi giữa cây cỏ um tùm.
Theo: Công Bình – cand.com.vn