Kinh tế Huế

Hoang phí cảng 29 tỉ đồng

Kinh tế Huế – Khánh thành đã hơn 3 năm, với kinh phí đầu tư 29 tỉ đồng nhưng cảng cá Tư Hiền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) không có tàu neo đậu, đang xuống cấp theo thời gian. Công trình cảng cá Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư với kinh phí 29 tỉ đồng, được xây dựng vào tháng 8-2004 và hoàn thành vào tháng 8-2010.

Xuống cấp, mất an toàn

Tư Hiền là cảng cá lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay với diện tích trên bờ là 3,7 ha và 2,4 ha diện tích mặt nước. Công trình được xây dựng gồm bến neo đậu dài 80 m, rộng 12 m, cách 4 m có một đệm tàu chống va đập; 2 cầu dẫn dài tổng cộng 80 m, rộng 6 m; 2 bờ kè neo đậu tàu thuyền dài 310 m. Ngoài ra, công trình đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường nội bộ dài gần 1 km trải bê-tông nhựa; sân bãi, nhà đặt máy bơm, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước…

Đã hơn 3 năm qua kể từ khi hoàn thành, cảng cá này lại bị bỏ không, chẳng thấy tàu bè nào neo đậu… Tại công trình, chẳng có bóng người, ở giữa sân bãi rộng thênh thang chỉ có vài chiếc thuyền nan nằm chỏng chơ cùng một số ngư lưới cụ của người dân địa phương.

Căn nhà điều hành của cảng có diện tích trên 160 m2 với nhiều phòng làm việc, cửa bằng gỗ và nhôm đắt tiền nhưng chẳng có ai túc trực. Một số cửa ra vào và cửa sổ tại khu nhà này đã hư hỏng, không thể sử dụng. Còn tại khu vực nhà vệ sinh cũng bỏ hoang nên nhiều bức tường đã bị hoen ố, hỏng hóc và được đơn vị quản lý dùng một số cành cây ngăn cửa để cấm người lạ ra vào.

Hình ảnh trống vắng cũng xảy ra tương tự ở khu vực cầu cảng và bờ kè. Tại đây, chỉ có vài ba chiếc ghe nhỏ của ngư dân neo đậu, không có một chiếc tàu cá lớn nào.

Ông Huỳnh Nở, một ngư dân vào dựng căn nhà tạm trong cảng cá Tư Hiền, nói: “Từ khi cảng này khánh thành đến giờ, chẳng có tàu thuyền nào vào neo đậu vì không có đơn vị quản lý. Vào mùa mưa gió thì tàu chúng tôi phải vào các con lạch nhỏ để trú ẩn vì ở cảng cá không an toàn”.

Tiếp tục… sửa chữa

Cảng cá Tư Hiền được xây dựng với mục đích làm dịch vụ hậu cần nghề cá và nơi neo đậu tàu thuyền vào trú bão, đồng thời là nơi cập bến tàu quân sự trong khu vực phòng thủ bờ biển. Vào cuối tháng 10-2013, cảng cá này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế bàn giao cho cảng cá Thừa Thiên – Huế (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) quản lý, đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc cảng cá Thừa Thiên – Huế, cho biết chưa thể đưa cảng cá Tư Hiền vào sử dụng vì hạ tầng như điện, nước, nhân viên chưa có, không thể phục vụ cho tàu cá. Ngoài ra, hiện một số hạng mục tại cảng đang xuống cấp cần phải sửa chữa.

Theo ông Nhuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh xin 500 triệu đồng để sửa lại toàn bộ cửa của khu nhà điều hành, làm cổng tường rào, sửa chữa bờ kè bị sạt lở, làm mới đệm chống va và đấu nối hệ thống điện, nước… “Chúng tôi sẽ đưa vào khai thác sau khi được cấp kinh phí đầu tư sửa chữa hoàn thành” – ông Nhuận khẳng định.

Ông Nhuận cho rằng việc khai thác cảng cá Tư Hiền sẽ gặp một số khó khăn vì khu vực bến cập tàu thiết kế với cao trình so từ mặt nước lên là 3 m, chỉ phù hợp với tàu quân sự, tàu cá lớn trên 500 CV, còn tàu cá nhỏ không thể cập bến. Trong khi khu vực các xã quanh cảng cá, ngư dân chỉ đánh bắt bằng tàu cá nhỏ. Ngoài ra, cửa biển Tư Hiền, cách cảng cá này chỉ 500 m, hiện đang bị bồi lấp, ngay cả các tàu cá có công suất nhỏ cũng khó ra vào nên rất khó thu hút được các tàu cá ở địa phương khác vào cảng.

Thiết kế lớn, sử dụng ít

Ông Nguyễn Văn Nhuận cho biết khu vực huyện Phú Lộc hiện có khoảng 130 chiếc tàu đánh cá, trong đó 65 chiếc có công suất trên 90 CV nhưng hầu hết đều neo đậu ở Đà Nẵng. Trong khi đó, cảng cá Tư Hiền lại được thiết kế khá rộng rãi nhưng dự kiến trước mắt chỉ phục vụ khoảng 40 tàu cá loại nhỏ. “Chúng tôi hy vọng cửa biển Tư Hiền sẽ được nạo vét, cùng với đó là Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phát triển mạnh để cảng cá Tư Hiền trong tương lại là nơi cập bến của các tàu du lịch nhỏ” – ông Nhuận cho biết.

Bài và ảnh: Quang Nhật – nld.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button