Thừa Thiên Huế sẽ có “xã thông minh”
[ad_1]
Giám đốc HueCIT Hoàng Bảo Hùng chia sẻ thông tin về mô hình Xã thông minh ở huyện Phú Lộc
Bước đi cần thiết trong chuyển đổi số
Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” theo Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó “Mỗi địa phương chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân”, Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm mô hình xã thông minh (XTM) cho Quảng Thọ và Vinh Hưng, 2 địa phương có những lợi thế, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) – truyền thông ở các mức khác nhau.
Là xã đồng bằng ở hạ lưu sông Bồ, Quảng Thọ chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây trồng chủ lực của địa phương là rau má với diện tích 94ha. Thời gian qua, UBND xã bước đầu triển khai xây dựng XTM với việc đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử của xã, lắp đặt 19 camera an ninh giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học với nhiệm vụ kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng toàn diện.
Theo ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, một trong những kết quả có tính đột phá, tác động lớn đến nhận thức và làm thay đổi căn bản tư duy quản lý Nhà nước, xử lý nghiệp vụ và phương thức kết nối với người dân, doanh nghiệp là dịch vụ phản ánh hiện trường (được kết nối với tỉnh, huyện). “Thông qua dịch vụ này, nhiều vấn đề được giải quyết nhanh, hiệu quả, từ đó tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội bằng phương thức chuyển đổi số từ cách thức tiếp nhận, phân phối, xử lý đến tương tác”.
Đến nay, Quảng Thọ đang triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3; sử dụng phần mềm văn bản đến và đi trên môi trường mạng, ký số ban hành văn bản và báo cáo số 100% theo định kỳ. Cáp quang được triển khai về tận thôn xóm, số điện thoại thông minh trong dân đạt khoảng 55%. Xã cũng đã áp dụng thông tin tổng hợp số, xây dựng trang web cho 2 HTX và đang tiến tới phổ cập tài khoản ngân hàng bằng cách liên kết với các tổ chức tài chính…
Được lựa chọn xã điểm xây dựng XTM là cơ hội lớn cho Quảng Thọ giới thiệu quảng bá rộng rãi hình ảnh địa phương trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển. Tuy vậy, để mô hình XTM đạt hiệu quả, địa phương cần hỗ trợ thiết bị về CNTT, triển khai các mô hình thanh toán QR tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn xã cũng như tập huấn kỹ năng sử dụng QR. Đồng thời, hỗ trợ hệ thống họp không dây và tổ chức đào tạo vận hành hệ thống”, ông Phong đề xuất.
Sẽ nhân rộng
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Hoàng Bảo Hùng cho hay, việc xây dựng XTM nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong chính quyền xã để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn. Đồng thời, nâng cao kỹ năng số, mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hoá đặc trưng của xã trên môi trường số. Qua đó nhằm đánh giá, áp dụng nhân rộng trên toàn huyện, toàn tỉnh.
Mới đây, Trung tâm CNTT tỉnh (HueCIT) phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) và Hợp tác xã Nông nghiệp số tiến hành trao đổi, làm việc trực tiếp với 2 địa phương được chọn. “Chúng tôi đã có những tư vấn, định hướng về việc xây dựng mô hình XTM cho 2 xã dựa trên các mục tiêu chính: hoàn thiện Chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số, xây dựng xã hội số và kinh tế số”, ông Hùng nói.
Trước đó (tháng 10/2020), HueCIT đã ký kết hợp tác với HTX Nông nghiệp số trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo, tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT – truyền thông và chuyển đổi số trong Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược xây dựng Nông thôn thông minh kết nối đô thị thông minh.
Theo ông Hoàng Bảo Hùng, để hoàn thiện Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số, trước mắt, cần nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT, bổ sung nguồn lực chuyên trách CNTT và thúc đẩy sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành ở cấp xã. Hệ thống dịch vụ hành chính công và một cửa điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến và báo cáo số từ xã đến huyện đến tỉnh cũng cần sớm triển khai.
Ngoài ra, xây dựng phòng giám sát điều hành XTM, đưa cáp quang về tận thôn, bản; phổ cập smartphone, xây dựng trang thông tin tổng hợp “XTM”, chương trình truyền thanh – y tế – giáo dục thông minh; triển khai hệ thống giám sát an ninh thôn xóm bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo đối với nhóm Xã hội số.
Riêng nhóm Kinh tế số, hình thành mô hình HTX số, nông nghiệp thông minh, triển khai các giải pháp thương mại điện tử, quảng bá du lịch nông thôn bằng công nghệ VR3D mapping.
Với vai trò kết nối, HueCIT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở TT&TT, IOC và HTX Nông nghiệp số triển khai chuỗi các hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ các xã thí điểm ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, như: hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp xã, xây dựng trang thông tin tổng hợp “XTM”, kế hoạch hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử cho hộ kinh doanh cá thể và nông hộ; chuyên trang HTX số, tích hợp thương mại điện tử, đào tạo kỹ năng số cho nông dân, công nhân nông nghiệp…
Bài, ảnh: Liên Minh