Vực dậy ngành hàng xuất khẩu
[ad_1]
Lĩnh vực dệt may chuyển dịch đơn hàng, ổn định cho người lao động
Năm 2020 đánh dấu sự biến động lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), đặc biệt là nhóm hàng may mặc do ảnh hưởng COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc khi 80% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng may mặc các DN đều nhập khẩu từ nước này.
Sang quý II/2020, các DN dệt may lại đối mặt với thách thức mới do làn sóng COVID-19 bùng phát và lan rộng ra các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, trong khi đây là các thị trường XK chính của hàng may mặc. Nhiều đơn hàng hủy bỏ, hàng trăm kiện hàng phải lưu kho do không thể XK sang thị trường các nước.
Các DN sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất, chế biến dăm gỗ XK cũng “lao đao” khi hàng trăm lô hàng ứ đọng; XK thủy sản giảm sút do thị trường tiêu thụ chậm.
Chuyển dịch chuỗi cung ứng
Trước nguy cơ phải đóng cửa nhà máy do không thể XK các sản phẩm dệt may, nhiều DN chuyển dịch đơn hàng XK sản phẩm truyền thống sang khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế.
Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, ông Lê Hồng Long cho rằng, lĩnh vực này còn cho hiệu quả cao hơn sản phẩm truyền thống và nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất luôn đảm bảo vì chủ yếu nhập từ các nhà máy dệt vải trong nước. Nhờ tăng trưởng khá nên công ty đầu tư 130 tỷ đồng khởi công thêm nhà máy may 2 với công suất 24 chuyền may. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2021, giải quyết việc làm cho thêm 1.000 lao động và đáp ứng nhu cầu XK các sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ y tế cho các đối tác Mỹ.
Tại các DN dệt may quy mô lớn, như Scavi, Thiên An Phú, Dệt may Huế, HBI…, quyết định chuyển dịch đơn hàng để đảm bảo cung cầu, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.
Tận dụng cơ hội
Theo Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế Trần Văn Mỹ, dịch COVID-19 là thách thức lớn đối với lĩnh vực dệt may, đặc biệt là các đơn hàng áo quần thời trang, đồ ấm vì nhu cầu sử dụng các sản phẩm này giảm sút do giản cách xã hội. Song, đối với sản phẩm nội y và đồ thể thao XK, đây lại là lợi thế khi nhu cầu sử dụng tăng cao, nhiều đơn hàng tăng số lượng. Hiện, các đơn hàng đã ký kết đến hết năm 2021.
Với tỷ lệ khoảng 10% xuất sang châu Âu, còn lại tập trung cho thị trường Mỹ, từ năm 2021, Công ty CP Dệt may Huế có kế hoạch mở rộng đối tác tại thị trường này. Với lợi thế thuế quan sẽ cắt giảm (theo lộ trình), đặc biệt công ty có nhà máy sản xuất vải, đáp ứng yêu cầu “quy tắc xuất xứ từ vải trở đi” sẽ là một lợi thế cạnh tranh trong thời gian đến.
Theo lãnh đạo công ty, Hiệp định thương mại tự do Viet Nam-EV (EVFTA) là công cụ quan trọng để nâng cao thương hiệu sản phẩm của Việt Nam nói chung và sản phẩm của Thừa Thiên Huế nói riêng tại thị trường châu Âu. Tăng tỷ lệ XK các sản phẩm may mặc sang châu Âu sẽ tạo cơ hội để DN mở rộng thị trường, tăng giá trị XK hàng hóa, góp phần phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19.
Đối với lĩnh vực đồ gỗ, Liên minh châu Âu được xem là một trong 5 thị trường XK đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu đồ gỗ gặp khá nhiều thuận lợi khi EVFTA ký kết, trong đó các sản phẩm như ván dán, ván găm đang có thuế suất là 7% sẽ giảm về mức 0% sau 5 năm; gỗ thanh đang có mức thuế là 3-4% và đồ gỗ dùng cho nhà bếp mức thuế là 2% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định này có hiệu lực.
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, thời gian tới, sở tập trung triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tạo động lực và bước đột phá cho ngành công nghiệp tỉnh, đặc biệt là CNHT ngành dệt may. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, các dự án mới đưa vào sản xuất hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, vận động đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ngành công nghiệp dệt may nhằm giải quyết vấn đề nguyên phụ liệu khi các nước xảy ra dịch bệnh.
Hiện, trên địa bàn, hơn 90% DN có quy mô nhỏ và vừa, điểm chung của các DN này là hạn chế về nguồn vốn, công nghệ và thiếu thị trường ổn định. Đây sẽ là nhóm DN cần được hỗ trợ xúc tiến XK để phát triển thị trường. Trong đó, giải pháp hỗ trợ DN sẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức như kết nối với các cơ quan đại diện, các tổ chức xúc tiến nước ngoài tại khu vực miền Trung; kết nối xuất khẩu thông qua các chuỗi siêu thị nước ngoài và kênh thương mại điện tử; kết nối thông qua các chương trình hội chợ – triển lãm ở nước ngoài, đồng thời xây dựng chuỗi giá trị nguyên liệu phục vụ cho các DN xuất khẩu.
Bài: Khánh Thư – Ảnh: Anh Thảo