Kinh tế Huế

Mục tiêu lớn cho mùa trồng rừng năm 2021

[ad_1]


Mùa trồng rừng mới. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Ông Hồ Đức Lăng ở khu tái định cư Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) cho rằng, trồng rừng có thể bất cứ thời điểm nào (trừ thời điểm nắng nóng) nhưng thích hợp nhất bắt đầu sau mùa bão, lũ. Thời điểm này thường không còn xảy ra mưa lớn, thời tiết mát mẻ thuận lợi cho việc đào hố, xuống giống, cây sinh trưởng tốt.

Những ngày này, hộ ông Lăng cũng như người dân Lộc Bổn liên hệ các cơ sở giống, đào hố chuẩn bị vụ trồng rừng. Mối quan tâm của người dân Lộc Bổn và nhiều địa phương trong mùa trồng rừng mới này là chọn giống chất lượng, thân thiện với môi trường (TTVMT), hướng đến trồng rừng gỗ lớn (RGL). Đây không chỉ là giải pháp nâng cao giá trị rừng trồng mà còn góp phần phòng chống lũ lụt, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, ông Nguyễn Đức Phú đánh giá, người dân bước đầu nhận thức được lợi ích khi chuyển sang trồng RGL nên tích cực hưởng ứng. Đây là thuận lợi lớn đối với ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương trong phát triển rừng trồng, thích ứng biến đổi khí hậu. Địa phương đã thành lập HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc, có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho bà con, như cây giống chất lượng, TTVMT, phân bón, tổ chức khai thác, vận chuyển và sơ chế gỗ…

Đến nay, HTX Hòa Lộc đã kết nối với các cơ sở sản xuất, cơ bản chuẩn bị đầy đủ giống, cung ứng nhu cầu trồng trên địa bàn. HTX còn có nhiệm vụ hỗ trợ chăm sóc, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, theo dõi diễn biến nhằm ổn định thị trường; tìm kiếm đối tác thu mua lâm sản ngoài gỗ để kết nối và phát triển sản xuất.

Ông Huỳnh Tăng Quang, Giám đốc Công ty Vũ Minh đóng trên địa bàn xã Lộc Tiến (Phú Lộc) đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp TTVMT. Công ty chế tạo túi bầu tự hoại, với nguyên liệu 100% chất hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp, như mùn cưa, dăm gỗ, vỏ trấu, xơ dừa, vỏ đậu… Mỗi năm, đơn vị gieo ươm trên dưới 10 triệu cây giống keo lai tiên tiến, như dòng BV10, BV16, BV32, BV33; sản xuất hàng triệu cây giống lâm nghiệp TTVMT, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu giống toàn tỉnh.

Ông Tôn Thất Ái Tín, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong thông tin, công ty đã sản xuất nguồn giống lâm nghiệp chất lượng cao bằng công nghệ nuôi cấy mô. Theo đó, từ năm 2010, vùng Nord Pas de Calais (Pháp) đã hỗ trợ đơn vị 47.216 Euro xây dựng cơ sở nuôi cấy mô công suất một triệu cây/năm. Vườn nuôi cấy mô với đầy đủ trang thiết bị sản xuất cây giống chất lượng phục vụ trồng rừng. Đến nay, công ty mở rộng, nâng công suất lên 2 triệu cây mô/năm và sản xuất 8 triệu cây keo lai hom/năm từ cây mẹ đảm bảo tiêu chuẩn.

Vườn ươm giống keo tại xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy)

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Hữu Huy đánh giá, ngoài nguồn giống tại Công ty Vũ Minh, phần lớn cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô chủ yếu tạo cây đầu dòng và xuất ra ngoài tỉnh. Hiện nay, nhu cầu cây giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng trên 25 triệu cây/năm, phần lớn được các đơn vị sản xuất giống trên địa bàn tỉnh đáp ứng khoảng 70%. Số còn còn lại, người dân sử dụng nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, khó kiểm soát.

Ngành kiểm lâm đang phối hợp với các địa phương, quản lý thị trường tiếp tục theo dõi, giám sát nguồn giống trên thị trường, kiên quyết xử lý, loại bỏ các loại giống không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đăng ký số lượng tại các HTX, đơn vị để có biện pháp sản xuất, nhập giống đảm bảo chất lượng, TTVMT cung ứng nhu cầu sản xuất vụ mới.

Tỉnh đã phê duyệt đề án sản xuất giống lâm nghiệp từ năm 2020 đến 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cây giống trồng rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 25 triệu cây/năm, trong đó keo các loại chiếm 80%; trên 90% giống lâm nghiệp được kiểm soát. Trên địa bàn tỉnh có trên 90% cơ sở giống cây lâm nghiệp đầy đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu SXKD với 80% cây con được gieo ươm bằng phương pháp vô tính, phục vụ kế hoạch trồng RGL của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 9.925,92 ha RGL được đánh giá, duy trì chứng chỉ rừng FSC. Trong đó, Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong 3.096,4 ha FSC; nhóm hộ là 6.829,52 ha… Phấn đấu năm 2021, toàn tỉnh trồng mới khoảng 6.000 ha, cấp chứng chỉ FSC thêm 1.400 ha; sản xuất 20 triệu cây giống chất lượng, TTVMT; chăm sóc 18 ngàn ha, khoanh nuôi tái sinh 3.000 ha rừng…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button