Ai sống trong Thành nội Huế?
Xã hội Huế – Câu hỏi này, dĩ nhiên là không đến từ một người Huế. Nhưng quả thật là tôi đã hết sức bất ngờ khi nhận được nó từ một người phụ nữ có chức trách ở một tỉnh miền tây Nam bộ. Chị hỏi tôi trong lúc chờ xe đến đón đoàn vào hội trường dự một hội nghị quan trọng tổ chức tại Hà Nội. “Có phải chỉ có những người thuộc dòng tộc của vua chúa ngày xưa mới được ở đó không em? Có phải có một quy định nghiêm ngặt lắm về việc này?…”
Trước khi trả lời, tôi hỏi để biết chị đến Huế gần đây nhất là khi nào? Hỏi chị có hay đọc tin tức về Huế không? Giọng miền tây chậm và hiền, chị kể với tôi về chuyến đến Huế cách đây khoảng 2 năm và vì rất thích sự bình yên của Huế, chị đã làm một vòng du lịch trên xích lô đã khám phá Huế. Ấn tượng nhiều đến độ, dù có đọc nhưng cảm xúc và những thông tin về Huế từ chuyến xích lô và người đạp xích lô vẫn là thông tin chủ đạo nhất của chị về Huế. Trên chuyến xe hôm ấy, tôi đã trả lời những điều cơ bản nhất về chủ thể đang sống trong Thành nội, về những gì đang được tỉnh, thành phố và cơ quan chuyên trách nỗ lực để trùng tu, tôn tạo và phát huy cũng như hy vọng sẽ được giới thiệu với chị nhiều hơn và cụ thể hơn trong một dịp nào đó, khi chị trở lại Cố đô…
Có lẽ, đây không phải là trường hợp phổ biến nhưng nó cứ làm tôi nghĩ đến cách tiếp cận thông tin về một địa phương trong một số đối tượng, vùng miền cụ thể; về cách quảng bá và làm thế nào để người dân sống trên mọi miền đất nước biết đến Huế nhiều hơn và gần hơn. Để làm được điều này, bên cạnh các sự kiện văn hoá – nghệ thuật lớn cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cần phải có sự thay đổi trong định hướng tuyên truyền, quảng bá cũng như chuyển tải thông tin đến với bạn nghe, xem, đọc trên các phương tiện đại chúng một cách rộng rãi hơn…
Ở góc độ nhỏ hơn, điều mà tôi muốn đề cập ở đây là, lâu nay, những người đạp xích lô, lái taxi trong chừng mực nào đó, cũng đã trở thành người chuyển tiếp thông tin cũng như là những hướng dẫn viên về Huế và danh lam thắng cảnh của Huế đến du khách khi họ đến tham quan. Tuy nhiên, do hiểu chưa hết và hiểu chưa sâu, hiểu chưa đến độ… nên việc chuyển tiếp thông tin từ kênh này chưa thật sự hiệu quả, nếu không nói là có trường hợp lệch lạc như trường hợp mà tôi đã đề cập ở phần đầu. Việc hạn chế hay xử lý điều này không phải là dễ và nó phụ thuộc vào trình độ, vào khả năng chuyển tải của người thông tin. Vài năm trước, đã có dự án hỗ trợ người đạp xích lô du lịch cả về văn hoá ứng xử, giao tiếp và tập huấn ngắn ngày về văn hoá Huế của một tổ chức nước ngoài phối hợp với Liên đoàn Lao động và UBND TP Huế nhưng thật tiếc là nó không duy trì được lâu và không có sự trở lại của dự án (hoặc sự kế thừa của dự án). Điều này có lẽ phụ thuộc vào kinh phí. Tuy nhiên, nếu có thể như một yêu cầu mang tính quy định, chẳng hạn có những buổi nói chuyện cho người đạp xích lô do nghiệp đoàn tổ chức; có những buổi tập trung để cập nhật thông tin cho người lái xe của các công ty taxi trên địa bàn… thì thông tin đến với du khách ở phương diện này sẽ không lệch lạc và một chiều như đã từng xảy ra.
Nguồn: baothuathienhue.vn