Ăn Tết trên đò
Xã hội Huế – Tôi gọi hai đứa bé đang đứng trên bờ chống đò cho sang đò lớn neo cách đó chừng 5m. Tiếng phụ nữ trong khoang đò kia vọng ra: “Hai người thì 50.000đ”. Bạn đi cùng tôi la: “Chi hung rứa”. Tôi bước lên đò. Khói bếp mù mịt. 9g sáng mà chưa ăn sáng. Người phụ nữ nhìn tôi: “Hỏi làm chi?”. Tiếng đàn ông trong khoang ới ra: “Mời anh vào, lạnh lắm”.
Mưa. Lạnh khiếp. Tôi vừa từ Quảng Trị vào Huế, đọc bản tin thời tiết sáng nay xuống 14-150. Mấy năm ở Huế, bao lần uống rượu làng Chuồn, nhưng đến giờ tôi mới về làng đó, đi sâu xuống xóm vạn đò thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang trên phá Tam Giang. Xóm này có tên xóm tái định cư Thủy Diện. Phá mờ mịt trong sương, ràn rạt gió. Chủ đò bên cạnh là anh Hạnh, than: “Lạnh quá, đêm qua không được con nào, coi như bữa ni đói rồi”. Nhà anh có năm con, thì ba đứa chỉ học đến lớp 2 rồi nghỉ.
Khoang đò chật như bao chiếc đò khác mà tôi có dịp ngồi với những người mà đời họ gắn với chiếc đò trên sông Hương, sông Thu Bồn. Gương mặt cau có của người phụ nữ như giãn ra khi tôi kéo đứa nhỏ vào trong tránh mưa. “Trong ni ấm hè?”. “Dạ – anh chồng đáp – nhưng cả đêm lo thả lưới, lờ, có ngủ được đâu anh, lạnh tái tê”. “Chú tên chi?”. “Dạ, Trần Văn Lạnh”. Tôi tưởng mình nghe không rõ. “Dạ, bà già đẻ em đúng y mùa mưa khi đang chèo đò đi thả lưới, ướt hết, nên ông già đặt luôn tên đó”. Lạnh cười hề hề, hàm răng trắng lóa trên gương mặt sạm đen. “Đêm qua được mấy chục?”. “Mấy chục thôi anh. Lạnh quá, cá tôm lặn sâu hết”. Chị vợ đáp liền: “Người sinh chứ cá tôm có sinh đâu. Trước đây 100 người thì 50 người làm lưới, chừ thì cả 100 đều làm”. “Em sinh mấy đứa?”. Chị vợ tên Hoa khai một mạch: “Em 30 tuổi, có chồng đã 12 năm, bốn đứa là Khỏe, Mạnh, Liễu, Liều”. “Răng con gái út mà đặt tên Liều?”. Lạnh lại cười hê hê: “Chạy vào bờ không kịp, nửa đêm vợ em đẻ luôn trên đò, em liều mạng làm bà đỡ, nên lấy tên Liều luôn”. “Em trước đây làm chi?”. Hoa trở về với giọng của cô gái Huế dịu dàng: “Cũng làm lưới chứ chi anh”. Tôi nghe như có tiếng mưa rơi từ giọng Hoa. Cùng bạn làm lưới, quanh năm bám mặt trên phá, gặp nhau rồi nên duyên. “Có đứa mô đi học không?”. “Dạ có anh, ba đứa đi, còn Liều nhỏ quá chưa đi được”. Tôi ngó lần nữa, sau lưng Lạnh đang ngồi, sách vở mấy đứa nhỏ nằm lẫn với áo quần. “Gia đình em có trong dự án tái định cư chứ?”. “Dạ có, xã cho miếng đất và 2,7 triệu đồng. Vợ chồng em không có tiền, chừng nớ tiền thì làm nhà chi được”. “Muốn lên bờ chứ?”. “Quá muốn luôn, lên cho con cái đi học đàng hoàng, mình đã dốt rồi. Vợ chồng em không biết chữ anh nờ…”. Lạnh nói, hai tay thoăn thoắt vá lưới, tôi nhìn mắt người đàn ông như khóc. “Em ở đò từ nhỏ đến chừ, 32 năm, chắc anh biết rồi, khổ lắm”.
Dân ở đây được tái định cư từ lâu nhưng lên bờ không dễ dàng chi. Tôi đã vào khu dân cư ấy. Đất, là đất mặt nước sát đường làng, chứ không phải đất nền có sẵn, muốn có được cái nền cũng phải mất vài chục triệu đổ đất, làm móng, nếu không là sụt lở xuống sông. Vì thế, lên bờ mà bao người vẫn ở nhà chồ. Gia đình chị Đỗ Thị Kim Doanh sống ở đây đã 15 năm, trên cái chồ bấp bênh, bốn người bám vào con đò nhỏ, làm lưới để sống. “Dân đò, thì ở đâu cũng làm lưới kiếm ăn thôi. Lên đây cũng chưa hết khổ, em có hai đứa con thì cả hai bị tim bẩm sinh, chết một rồi, còn đứa ni mổ Tết năm ngoái hết 20 triệu, may có bác sĩ Phú, Giám đốc BV T.Ư Huế giới thiệu mổ từ thiện, nhưng hai tháng tái khám một lần, mỗi lần 600.000đ tiền thuốc, ba tháng ni em hết tiền nên không đi khám cho con được, nợ người ta đã 15 triệu đồng rồi”. Chị nói và nhìn tôi như hy vọng điều gì đó.
“Đã tích lũy được chút ít chi chưa?”. “Làm chi có anh – giọng Lạnh lành lạnh – ba đứa con đi học, vay mượn đủ chỗ mới đủ tiền ăn học, sách vở, quần áo”. Tôi nhìn con đò già nua như tuổi tác của đầm phá Tam Giang này, áng chừng nó bằng cái tuổi 32 của Lạnh. “Không anh – có từ thời ba em lúc chưa gặp mẹ em. Ba em mất lúc 25 tuổi, nay nếu còn sống thì ba đã 55 tuổi”. Bỗng Lạnh đưa mắt vượt qua khỏi vai tôi, xa xôi kia là nò, lưới và mấy chục con đò đang dập dềnh trên sóng: “Khổ nhưng em cứ mơ được lên bờ”. Lên bờ? Con cái nheo nhóc, cả đời theo đuôi tôm cá, cơm áo chật chội, nhìn quanh là nước, chỗ nào để Lạnh đậu giấc mơ lên bờ cho đàn con? Mấy chục người đã lên bờ, còn khoảng 30 hộ vẫn đời con kế đời cha “chung thủy” với sóng nước Tam Giang. “Năm ngoái ăn Tết ở đâu?”. “20 năm qua, nhà em ăn Tết trên đò mà anh”. “Có cúng tất niên không?”. “Nghề đò mà tất niên chi anh, ngày mô không thả lưới thì ngày đó đói. Nhưng cũng chơi Tết, mấy anh em đò qua lại với nhau thôi, rượu gạo rồi tôm cá, Tết cũng như ngày thường là. Con nít thì cho vào bờ chơi một hai bữa”.
Tôi bước ra khỏi khoang đò. Trời mưa mù mịt. Lạnh chống đò vào bờ, tôi bắt tay Lạnh, nghe nước mưa như lạnh hơn từ tay Lạnh. Nhưng kỳ lạ thay, vẫn nụ cười trắng lóa, như an nhiên, như chấp nhận. Tôi từng đến nhiều xóm vạn đò. Trai gái lớn lên, cám cảnh như nhau, giống như một định mệnh bó buộc họ, truyền đời. Phá Tam Giang là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, từng đi vào thơ nhạc. Bao nhiêu thước phim, bức ảnh độc đáo về hoàng hôn trên phá đã được trình làng, cũng bao nhiêu thân phận nghèo khổ ra mắt thiên hạ trên báo trên đài. Bao lời báo động đã vang lên về tình trạng cạn kiệt nguồn thủy sản trên phá, nhưng không có cách cứu vãn.
Năm ngoái, trong chương trình của Festival Huế 2012, có lễ hội Sóng nước Tam Giang, cũng tế lễ, diễn xướng dân gian, giới thiệu tiềm năng. Bạn tôi người Huế, cám cảnh: Quanh phá Tam Giang, có đến 300.000 dân sinh sống, nghĩa là 1/3 dân Thừa Thiên Huế đang gắn đời mình với đầm phá. Bản sắc Huế đâu chỉ đền đài miếu mạo, thơ ca nhạc họa loanh quanh thành Huế, mà nó còn hiện diện ở chập chờn trên sóng nước Tam Giang. Khi cá tôm không còn sinh thêm được nữa, thì người lãnh đạo phải biết khai thác nó ở góc độ du lịch, làm sao cho chính những người thật thà như đếm, mù chữ, nghèo cực truyền đời trên mặt nước được tham gia làm du lịch, may ra họ mới đổi đời được, chứ ba cái lễ hội, bế mạc là xong, ghe lại về với thuyền, đời dân phá Tam Giang năm ni rồi cũng như năm kia thôi. Tôi bước lên bờ, hỏi Lạnh một câu đùa mà thật: “Ăn Tết vui vẻ nghe. Sang năm lại có thêm đứa nào em con Liều nữa không?”. Lạnh cười to như xua cái lạnh: “Hơ hơ, cũng chưa biết anh…”.
Nguồn: Lê Trung Việt – baomoi.com