Bản sắc văn hóa cung đình “độc đáo” của triều Nguyễn
Văn hóa Huế – Là một trong những nghi lễ quan trọng được tổ chức hằng năm vào thời các vua Nguyễn để cầu cho thời tiết thuận hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an… , với ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn đó, Lễ tế Xã Tắc đầu tiên đã được tỉnh Thừa Thiên Huế phục dựng thành công trong kỳ Festival Huế 2008. Đến nay, nghi lễ này vẫn được duy trì nhằm góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị bản sắc văn hóa cung đình của triều Nguyễn.
Từ năm 2008 đến nay, cứ vào độ tháng 2 âm lịch, các cấp Đảng, chính quyền và người dân xứ Huế lại náo nức hướng về ngày Lễ tế Xã Tắc như để nhắc nhở mình không được quên một phần lịch sử văn hóa vốn được triều đình nhà Nguyễn chú trọng với ý nghĩa tâm linh sâu sắc, tổ chức với phần nghi lễ long trọng, hoành tráng và đầy đủ các nghi thức mà vua quan nhà Nguyễn tổ chức cách đây mấy trăm năm.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Nguyễn Phước Vĩnh Cao, Lễ tế Xã Tắc của triều Nguyễn chính là hoạt động tế lễ thần Đất (Xã) và thần Ngũ cốc (Tắc). Đây là hai vị thần quan trọng của nền nông nghiệp lúa nước. Lễ tế Xã Tắc đã có từ rất lâu, là một trong những nghi lễ được tổ chức thường xuyên hằng năm và được xếp vào hàng “Đại tự” của triều Nguyễn với ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân được no ấm và cầu cho đất nước phồn vinh, hưng thịnh.
Cũng chính bởi ý nghĩa tâm linh đó mà Lễ tế Xã Tắc năm 2013 (được tổ chức cuối tháng 2 âm lịch) đã tái hiện theo hai nội dung chính với phần tế lễ mang tính tâm linh thuần túy do vị Chủ tế và Đoàn Chánh tế thực hiện. Riêng phần sân khấu hóa đã tái hiện lại những nghi lễ đặc biệt chốn cung đình như lễ Nghênh thần, lễ Tế tại đàn, lễ Tống thần… với án thờ được bày biện trang trọng trên Đàn Xã Tắc.
Khác với những năm trước, nghi thức rước đoàn ngự đạo từ hoàng cung ra đàn và một số nghi lễ phong kiến không phù hợp đã bị loại bỏ trong Lễ tế Xã Tắc 2013. Thế nhưng, bằng việc trang trí đèn đuốc, cờ xí, nghi trượng cùng nhiều lễ phẩm cúng với sự tham gia của hơn 600 diễn viên mang trang phục truyền thống cung đình, bên cạnh đó là phần diễn xướng của Đội Nhã nhạc cung đình Huế… đã khiến cho việc phục dựng nghi lễ thêm phần long trọng, hoành tráng, tái hiện được bản sắc Lễ tế Xã Tắc năm xưa của triều đình nhà Nguyễn.
Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì Đàn Xã Tắc được xây dựng vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long. Đàn tế được xây dựng bằng đất sạch do các dinh trấn cống nạp với kiến trúc chia làm hai tầng, có hình vuông. Trong đó, tầng trên cao 1,6m, bờ thành dài gần 30m, mặt nền tô năm màu theo ngũ phương (chính giữa vàng, Nam đỏ, Bắc đen, Tây trắng và Đông xanh), tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 73m. Cả hai tầng đều có xây lan can gạch cao gần 1m với cửa ở cả ba hướng Bắc, Tây và Đông.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử nên Đàn Xã Tắc đã xuống cấp, có phần hư hại nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên dạng ban đầu. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện trong khuôn viên Đàn Xã Tắc còn lại hơn 40 dãy nhà với hơn 400 hộ dân đang cư trú. Trong khu vực I cần bảo vệ nguyên trạng của Đàn Xã Tắc có 95 hộ dân đang sinh sống, mức độ hư hại của di tích vào khoảng 90%.
Năm 2008, để chuẩn bị cho Festival Huế, trong đó có hoạt động tổ chức Lễ tế Xã Tắc, khu vực Đàn Xã Tắc đã được tiến hành giải tỏa, khai quật khảo cổ học và trùng tu phần Đàn thượng và một phần tầng hạ (tầng 2). Năm 2010, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục giải tỏa mặt bằng phía Bắc của Đàn và đến nay, công tác bảo tồn Đàn Xã Tắc vẫn đang được tiến hành để phù hợp với Lễ tế Xã Tắc diễn ra hằng năm.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn cho biết: “Lễ tế Xã Tắc không những giúp người dân thấy và hiểu được những nghi lễ cung đình ngày xưa của nhà Nguyễn, mà còn thể hiện được nét đặc trưng của văn hóa Huế. Chính vì thế mà việc tái hiện Lễ tế Xã Tắc hằng năm và công tác bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc hiện rất được Trung tâm chú trọng”.
Theo: Khoa Anh
Nguồn: bienphong.com.vn