Bao giờ được lên bờ?
Xã hội Huế – Nghèo đói, thất học, bệnh tật, chết chóc… cứ đeo bám hàng trăm người dân xóm vạn đò Thủy Phú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) gần 40 năm qua. Ước mơ chấm dứt cảnh lênh đênh, lay lắt trên sông nước để lên bờ của người dân là thiết thực, cấp bách và chính đáng, nhưng sao khó quá!
VÒNG LUẨN QUẨN NGHÈO ĐÓI, MÙ CHỮ
Trên sông Hương chỉ còn sót lại một xóm vạn đò mang tên Thủy Phú nằm lọt thỏm trong ngã ba Sình ở phía hạ nguồn. Bên những đống cát sạn khổng lồ ở thôn Thủy Phú, hơn chục đứa trẻ đen đúa, lấm lem bùn đất vui chơi trên bờ. Cách đó vài mét, “nhà” của các em là những con đò nhỏ bé, cũ kỹ. Hơn 20 chiếc đò nằm san sát, thỉnh thoảng lại va đập, dập dềnh lên mỗi khi sóng ập đến. Những tấm ván, cây gỗ nối từ bờ xuống đò trở thành đường đi hàng ngày của người dân. Trên chiếc đò chỉ hơn 10m, vợ chồng ông Trần Đức (72 tuổi) cùng con trai, con dâu và hai cháu nội chen chúc nhau trong sự bức bí. Vợ chồng ông Đức đã sống trong tình cảnh ấy gần 4 thập niên.
Ông Đức nhớ lại, lúc chưa giải phóng, ông cùng hai gia đình khác làm nghề đánh bắt cá rồi neo thuyền luôn ở đây để tránh gió bão. Trải qua năm tháng, đến nay đã 18 hộ với 100 nhân khẩu. Cuộc sống của bà con gắn liền với sông nước. Trước đây, nguồn thủy sản còn dồi dào nên bà con cũng sống được nhưng dần dần thì tôm cá cạn kiệt nên cuộc sống vất vả. “Năm này qua năm khác, chúng tôi ăn ở, ngủ, làm việc trên đò, chỉ khi nào có việc cần hoặc đi trú bão thì mới lên bờ. Miếng ăn manh áo tất cả đều nhờ chiếc đò và công việc đánh bắt. Trời yên bình còn có cái ăn chứ khi mưa bão thì đói, rét cứ bám lấy. Mỗi khi có bão, tất cả nhốn nháo chạy lên bờ trú ẩn rồi xin cứu trợ từ chính quyền và người dân”, ông Đức ngậm ngùi.
Ở đây đã xảy ra cái chết thương tâm của trẻ em khi bị ngã từ trên đò xuống nước, chết đuối. Nhiều cha mẹ phải dùng lưới quanh đò để bảo vệ con trẻ. Hàng chục gia đình sống chật vật, vật lộn mưu sinh trên sông nước hết đời này sang đời khác trong sự nghèo đói và hiểm nguy đến tính mạng. Trưởng thôn Thủy Phú, ông Cao Thắng cho biết: “Trên lý thuyết thì trong 18 hộ còn 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Nhưng nếu theo tiêu chuẩn của nhà nước thì có 10 hộ nghèo và cận nghèo, còn lại là diện trung bình. Nhìn chung bà con rất nghèo”.
Dùng nước sông ô nhiễm để sinh hoạt
Thiếu nước sạch và môi trường bị ô nhiễm là những vấn đề rất nghiêm trọng đối với người dân. Chen chúc giữa những chiếc đò là rác thải lềnh bềnh, mùi hôi nồng nặc. Mọi sinh hoạt của bà con đều lấy từ nước sông nên nguy cơ bệnh tật rất lớn. Bà Lê Thị Lùng (70 tuổi) chia sẻ: “Nói xin lỗi các chú chứ bà con tui vừa đi vệ sinh xuống sông, không lâu sau thì dùng nước để nấu ăn, tắm giặt. Biết là ô nhiễm, bẩn và bệnh tật nhưng chẳng còn cách nào khác. Mấy năm nay, mọi người mua nước sạch uống nhưng cũng chỉ uống dè sẻn vì thiếu tiền”.
Quanh năm lênh đênh trên sông nước nên người dân không có điều kiện học hành. Ông Cao Thắng cho biết, có gần 80% số người lớn không biết chữ, việc gì liên quan đến giấy tờ, sổ sách thì bà con phải dùng lăn tay. Nghèo đói, trẻ em bám lấy đò, suốt ngày theo cha mẹ kiếm ăn nên ốm đau, nheo nhóc và con chữ cũng xa vời. Trẻ em chỉ học hết cấp 1 là nghỉ, lác đác vài em lên cấp 2, chưa ai học được cấp 3. Anh Trần Hồng mới 47 tuổi nhưng có 7 đứa con và tất cả chỉ học đến lớp 3 – lớp 5 nhưng học kiểu “đối phó” để biết viết cái tên mình, biết tính toán mà thôi. Anh Hồng chia sẻ: “Đời cha ông đến đời tôi đều cực khổ. Sinh con ra cũng mong cho chúng được đi học để thay đổi số phận nhưng vì ở trên sông nước, nghèo quá nên các con không được học hành đến nơi đến chốn”.
LÊN BỜ, CÒN PHẢI CHỜ?
Nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, người dân phải khai thác cát sạn và đánh bắt cá bằng xung điện. Hầu như nhà nào cũng đánh bắt cá bằng xung điện. Ông Cao Thắng nói: “Như thế là vi phạm, bị ngăn cấm nhưng bà con chẳng còn cách nào khác. Xã, thôn thường xuyên tuyên truyền và nhiều người đã bị bắt, xử phạt nhưng bà con vẫn lén lút đi làm vì khó khăn, không có nghề ổn định nên đành phải liều mình, chấp nhận hiểm nguy. Nếu được lên bờ thì sẽ chấm dứt được tình trạng này”.
Hơn nữa, người dân đã nếm trải rất nhiều khó khăn, cực khổ nên niềm mong mỏi được lên bờ sinh sống là điều lớn lao nhất. Ông Trần Đức tâm sự: “Bà con tui chỉ kiếm miếng ăn qua ngày, chẳng ai dư giả, dành dụm được chút tiền nào. Muốn lên bờ phải có đất, có nhà ở và có việc để làm ăn nhưng bà con tui thì không dám mơ đến. Chỉ mong Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để chúng tôi không phải sống khổ sở, thiếu thốn và nguy hiểm đến tính mạng nữa”.
Nhiều lúc bà con lại chạnh lòng, “tủi thân” khi biết hơn 10 năm qua UBND tỉnh đã chuyển hàng nghìn hộ dân vạn đò ở các con sông lên bờ sinh sống, thoát ly với cảnh lênh đênh sông nước. Nguyện vọng lên bờ đã được người dân Thủy Phú trình bày lên cán bộ thôn, xã từ nhiều năm nay nhưng vẫn chỉ là… mơ ước. Trưởng thôn Cao Thắng nói là chưa biết khi nào cấp trên thực hiện. Còn ông Trần Quốc Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết: “Việc đưa người dân vạn đò lên bờ là vượt ngoài khả năng của xã do kinh phí rất lớn, khoảng 2,5 – 3 tỷ đồng. UBND và các phòng ban của thị xã Hương Trà đã về khảo sát, làm việc với UBND xã và bà con về chủ trương lên bờ để định cư”. Được lên bờ sinh sống là niềm mong mỏi thiết thực, chính đáng của người dân xóm vạn đò Thủy Phú từ hàng chục năm nay. Và không biết bao giờ nguyện vọng ấy mới thành hiện thực. Vấn đề chỉ còn là thời gian, kinh phí và sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp, các ban ngành.
Nguồn: baomoi.com