Bảo tồn di tích cố đô Huế qua cơ sở dữ liệu 3D
Văn hóa Huế – Ngày 22-10, tại TP Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Công ty TNHH ANTHI Việt Nam công bố sản phẩm cơ sở dữ liệu 3D các công trình tại khu vực Thế Miếu – Hiển Lâm Các (Đại nội Huế).
Sau một thời gian phối hợp triển khai, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Công ty TNHH ANTHI đã hoàn chỉnh toàn bộ nội dung của cơ sở dữ liệu khu vực Hiển Lâm Các dưới dạng mô hình kỹ thuật số 3D có độ chính xác cao. Đây bước tiến quan trọng về mặt công nghệ bảo tồn dưới dạng số và thông qua các mô hình 3D trong cơ sở dữ liệu này, toàn bộ hình ảnh, kích thước, mối quan hệ không gian, tình trạng hiện thời của các đối tượng trong khu vực Hiển Lâm Các đều được thể hiện đầy đủ. Sản phẩm do Công ty TTHH ANTHI Việt Nam tài trợ thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, TS Phan Thanh Hải cho biết: “Thời gian tới, khi chương trình thiết lập ngân hàng dữ liệu bảo tồn di tích cố đô Huế dưới dạng số được triển khai mở rộng, sẽ có nhiều công trình của di tích tại Huế được tiếp tục scan và cập nhật, lưu trữ thông tin. Trong trường hợp có bất kỳ sự cố nào có khả năng làm hư hại tới các công trình di tích, cơ sở dữ liệu 3D sẽ là nền tảng phục vụ cho quá trình đo đạc, thiết kế, lập bản vẽ, thử nghiệm các phương án phục dựng lại nguyên trạng toàn bộ công trình. Cũng từ cơ sở dữ liệu này, chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm dẫn xuất đa dạng, phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch, phim ngắn 3D, ảnh toàn cảnh 3.600, bản vẽ 2D, công bố rộng rãi trên Internet, chia sẻ số liệu nghiên cứu với cộng đồng khoa học quốc tế”.
Cũng theo ông Hải, thông qua thực hiện chương trình này, cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế có thêm kinh nghiệm về kỹ thuật scan 3D và sử dụng dữ liệu thu được một cách triệt để trong hoạt động trùng tu di tích, góp phần nâng cao chất lượng, độ chính xác của công trình được trùng tu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di tích Huế – Di sản văn hóa thế giới.
Từ chương trình thử nghiệm này đã đưa ra một hướng hợp tác mới giữa Ban quản lý các khu di sản, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp; đồng thời nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý di sản trên toàn quốc về ứng dụng của kỹ thuật số trong công tác bảo tồn, quản lý và quảng bá di sản.
Theo: Công Hậu – nhandan.org.vn