Biến phố Tây thành phố đi bộ?
Văn hóa Huế – Với hàng chục khách sạn, nhà hàng, quán bar… dập dìu du khách như hiện nay, Phòng Quy hoạch và phát triển du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch) từng đề xuất ý tưởng: Biến khu phố Tây ở Huế thành phố đi bộ.
Đông vui về đêm
Nhiều lần dạo qua khu phố tây phân bố trên đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu – Chu Văn An… của Huế, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự ngăn nắp, tinh tế của các dịch vụ du lịch tự phát tại đây. Sau các tuyến tham quan Huế trong ngày, đây cũng là địa điểm thu hút phần lớn du khách quốc tế, đặc biệt tấp nập, đông vui về đêm.
Chủ quán Bar DMZ (60 Lê Lợi-Huế) cho biết, vào mùa cao điểm khách quốc tế, mỗi ngày địa chỉ này thu hút từ 300-400 khách. Không to lớn, bề thế nhưng với vị trí đẹp hướng ra Đập Đá và phong cách phục vụ chuyên nghiệp, Bar DMZ từ lâu đã trở thành điểm đến được ưa thích ở Huế. Có tên trong nhiều cuốn cẩm nang du lịch quốc tế, đây cũng là địa chỉ giao lưu của nhiều nghệ sĩ các nước đến Huế tham gia các kỳ Festival, sau các suất diễn tại lễ hội.
Ngoài DMZ bar, trên các tuyến đường Lê Lợi – Đội Cung-Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu-Chu Văn An… đã hình thành nhiều dịch vụ du lịch, từ phòng trà, hiệu cắt tóc, shop thời trang cho đến nhà hàng, các phòng tranh… Trong không gian ấm cúng, thân thiện, du khách có thể thoải mái mua sắm, thưởng tranh, nghe ca Huế thính phòng hay khám khá đặc sản ẩm thực Huế. Vào những dịp lễ hội, đây cũng là khu vực có nhiều dịch vụ phục vụ du khách về đêm. Chưa có con số thống kê chính xác nhưng theo các công ty lữ hành du lịch, khu phố tây là nơi có lượng khách quốc tế sử dụng dịch vụ du lịch tập trung nhất ở Huế. Đó cũng là lý do từ hàng chục năm nay, nó được gọi với cái tên bất thành văn: Phố Tây ở Huế.
Một ý tưởng mới
Với thực trạng thiếu dịch vụ du lịch về đêm lâu nay, UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch phối hợp với UBND T.P Huế bàn giải pháp xây dựng các khu phố đi bộ.
Ngoài phố đêm Nguyễn Đình Chiểu đã hình thành, năm 2011, Phòng Quy Hoạch và Phát triển du lịch (Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch) đã đề xuất ý tưởng hình thành phố đi bộ ở khu phố tây, trước mắt trên tuyến Phạm Ngũ Lão-Võ Thị Sáu.
Về lý do đề xuất, ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch-Phát triển du lịch cho rằng, dù đã tự phát hình thành một số tuyến đường mua sắm nhưng ở Huế gần như chưa có tuyến phố đi bộ nào đúng nghĩa dành cho khách du lịch. Trong khi đó, tuyến dịch vụ tại đường Phạm Ngũ Lão-Võ Thị Sáu đã có nhiều khách sạn, quán bar, nhà hàng… phục vụ khách du lịch. Khu vực này thưa dân cư nhưng dịch vụ khá tập trung với nhiều địa chỉ đã có thương hiệu. Đây lại là khu vực cận kề với bến thuyền tòa Khâm-là nơi xuất phát và kết thúc các tour du thuyền trên sông Hương. Thông thường khi đến Huế, ngoài tham quan di tích, lăng tẩm vào ban ngày, du khách sẽ đi nghe ca Huế trên sông Hương vào ban đêm. Thời gian mua sắm, vui chơi thường bắt đầu sau khi du thuyền ca Huế về. Đo đó khu vực Phạm Ngũ Lão-Võ Thị Sáu là nơi tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với nhu cầu mua sắm, thư giãn, tiêu tiền của du khách.
Sau một thời gian hình thành, khu phố tây ngày càng nở rộ nhiều loại hình dịch vụ. Riêng tuyến Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu có 34 hộ dân, 7 khách sạn, 12 quán bar, 18 nhà hàng, 2 văn phòng bán vé máy bay…trong đó có nhiều địa chỉ đã khẳng định được thương hiệu.
Với hiện trạng vốn có, theo ông Trần Viết Lực, việc hình thành phố đêm-phố đi bộ ở Phạm Ngũ Lão-Võ Thị Sáu và có khả năng mở rộng đến Lê Lợi, Đội Cung, Bến Nghé, Chu Văn An… không phải đầu tư nhiều. Chỉ cần tập trung chỉnh trang lại, bố trí các bãi đỗ xe, phân luồng giao thông, vận động sự đồng thuận từ phía người dân…và gắn cho nó một cái biển, Huế sẽ có một phố đi bộ thư giãn, kết hợp dịch vụ kinh doanh gọn nhẹ, hài hòa; tạo điểm vui chơi, giải trí mang bản sắc văn hóa Huế cho du khách.
Từ ý tưởng trên, một số công việc cụ thể cũng được đề xuất như tiến hành khảo sát thực trạng, thăm dò ý kiến doanh nghiệp, du khách và người dân; xây dựng phương án chi tiết; tổ chức hội thảo báo cáo đề án; trình UBND T.P Huế phê duyệt… Tuy nhiên, sau gần 2 năm đề xuất, ý tưởng biến phố Tây thành phố đi bộ vẫn đang nằm trên giấy với lý do Sở VH-TT-DL chưa cân đối được kinh phí, dù nguồn kinh phí đề xuất ban đầu để triển khai ý tưởng chỉ có 52 triệu đồng (?)
Nguồn: baothuathienhue.vn