Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thăm và làm việc tại Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị
Tin tức Huế – Ngày 22/1/2013 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các cục, vụ, viện và các cơ quan chức năng của Bộ cùng đại diện các Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… làm việc tại hai tỉnh Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị.
CôngThương – Thừa Thiên-Huế: Chú ý đầu tư dự án công nghiệp có giá trị gia tăng cao
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Năm 2012, 10/13 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu của tỉnh Thừa Thiên- Huế đạt và vượt kế hoạch đề ra; tăng trưởng kinh tế đạt 9,7%; thu ngân sách Nhà nước đạt 5.957 tỷ đồng, vượt 117,7% kế hoạch; giá trị xuất khẩu đạt 468,0 triệu USD, vượt 117% kế hoạch…
Năm 2012 cũng đánh dấu một số dự án lớn được đưa vào hoạt động là thủy điện A Lưới (170MW); dự án Nhà máy may trang phục của Công ty TNHH Tokyo Style VN, công suất 500.000 SP/năm và dự án Nhà máy sản xuất Sợi Phú Mai: Giai đoạn I công suất 17.000 cọc sợi. Ngoài ra có 5 dự án lớn khác sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2013.
Năm 2012 đã thu hút 9 dự án đầu tư vào các KCN, với tổng vốn đăng ký là 6.830,75 tỷ đồng; tăng gần 3 lần so với năm 2011. Luỹ kế đến nay các KCN Thừa Thiên Huế có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 15.864 tỷ đồng, vốn thực hiện ước khoảng 4.060 tỷ đồng, đạt 25,6% so với vốn đăng ký.
Để giúp địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 và hướng đến mục tiêu lớn hơn là sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong một vài năm tới, ông Nguyễn Văn Cao- Chủ tịch UBND tỉnh- và đại diện các sở ngành địa phương đã có 14 kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương liên quan đến lĩnh vực đầu tư, cơ chế chính sách… Trong đó, có những vấn đề rất cụ thể như: giới thiệu cho tỉnh các nhà đầu tư chiến lược, một số dự án công nghiệp trọng điểm vào khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn- Hỗ trợ xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên- Huế thành trung tâm dệt may của khu vực- hỗ trợ nghiên cứu, quy hoạch và xúc tiến đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu cát thạch anh- đưa Hội chợ thương mại Quốc tế Festival Huế vào Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia- Nâng cấp trường Cao đẳng Công nghiệp Huế thành trường Đại học Công nghiệp trong giai đoạn 2014-2015;…
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao những nỗ lực của địa phương và ngành Công thương. Các chỉ tiêu lớn đều tăng trưởng trên mức bình quân chung của cả nước. Bộ trưởng cho rằng, qui mô kinh tế của Thừa Thiên- Huế không phải nhỏ vì vậy bên cạnh việc khai thác, nâng cao hiệu quả của các đơn vị công nghiệp hiện có, cần tập trung kêu gọi xúc tiến các lĩnh vực công nghiệp cao; công nghiệp dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, công nghiệp dệt nhuộm… với mục tiêu hướng đến vị trí trung tâm dệt may của cả nước. Tăng dần tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp; cần quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm… Đồng thời với vị trí trung tâm, có sức lan tỏa lớn, TT- Huế cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp, thương mại không chỉ cho TT- Huế mà cho các tỉnh miền Trung và cả nước bạn Lào
Bộ trưởng đề nghị Thừa Thiên Huế cần rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại cho phù hợp với tình hình mới, nhất là quy hoạch điện, thủy điện- mở rộng hệ thống phân phối nhất là vùng sâu, vùng xa. Với những đề xuất của Thừa Thiên- Huế, Bộ trưởng cho rằng sẽ quan tâm đối với các dự án lớn như tổ hợp nhà máy pin mặt trời, men Frít tại KCN Phong Điền; ủng hộ đề nghị Chính phủ sớm nâng cấp Trường cao đẳng Công nghiệp Huế thành Trường đại học Công nghiệp Huế; sẽ xem xét mô hình Trung tâm Khuyến công cấp vùng đặt tại Thừa Thiên- Huế; mô hình chợ văn minh thương mại… Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí quan tâm đến việc nhập dầu vào kho cảng Chân Mây không để lãng phí; việc cấp C/O vào các nước châu Âu của Phòng quản lý XNK Huế…
Quảng Trị: Cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng và khai thác thế mạnh kinh tế cửa khẩu
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Trị
Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Đức Cường- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị- cho biết, năm 2012 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành 19/21 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8%, Kim ngạch xuất khẩu đạt 95,81/67 triệu USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.036,23 tỷ đồng, tăng 12,46%. 2 KCN của Quảng Trị nằm trong danh mục các KCN ưu tiên phát triển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do Chính phủ thành lập là: KCN Nam Đông Hà (99,03 ha), tỷ lệ lấp đầy 90,81%; KCN Quán Ngang (diện tích quy hoạch 205 ha, giai đoạn 1: 139 ha), tỷ lệ lấp đầy 44,06%. Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo đã thu hút được 45 dự án với tổng vốn đăng ký là 3.383,3 tỷ đồng…
Về kế hoạch năm 2013, Quảng Trị phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp là 5.790 tỷ đồng, tăng 14,97% so với năm 2012; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 18.800 tỷ đồng, tăng 20,54% . Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 110 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu 140 triệu USD.
Tỉnh Quảng Trị kiến nghị với Bộ Công Thương 11 vấn đề, trong đó có những nội dung đáng chú ý như đề nghị Bộ chỉ đạo các ngành liên quan sớm hoàn thành quy hoạch địa điểm Nhà máy nhiệt điện 1.200MW Quảng Trị, trình Thủ tướng phê duyệt; tạo điều kiện thực hiện dự án cấp điện cho 56 thôn, bản, cụm dân cư chưa có điện; nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường; giải quyết những vướng mắc về chính sách miễn thuế tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; về đầu tư phát triển mạng lưới chợ, nhất là chợ nông thôn, vùng khó khăn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, thiếu các dự án lớn dẫn dắt nên thời gian tới cần phải có định hướng đúng để phát triển. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Trị tiếp tục tập trung các nguồn lực kêu gọi đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, chế biến nông sản, lâm sản. Cố gắng lấp đầy tỷ trọng ở các khu, cụm công nghiệp. Về thương mại, tập trung khai thác kinh tế cửa khẩu với nhiều chính sách ưu đãi mà Chính phủ đã dành cho Quảng Trị. Phát huy vai trò của địa bàn trung chuyển hàng hóa trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm thực hiện quy hoạch về điện, thương mại…; chăm lo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho việc triển khai các dự án. Đồng thời chỉ đạo các ngành cần tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt. Về thị trường nội địa, với địa hình dài, rộng và phức tạp nên tỉnh cần phối hợp với các lực lượng ở Trung ương để quản lý tốt.
Trong đợt làm việc tại hai tỉnh, Bộ trưởng lưu ý Thừa Thiên- Huếvà Quảng Trị cần tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng trong dịp Tết Nguyên đán 2013. Chú trọng việc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết; bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn, vùng khó khăn, đảm bảo cho người dân đón một cái tết an toàn (sức khỏe, an ninh trật tự, ổn định xã hội…), vui vẻ.
Nguồn: Trần Minh Tích – baomoi.com