Chưa được phân loại

Bốn thợ lặn chết do nhiễm khí hydro sunfua

Tin liên quan: Thi thể thợ lặn cuối cùng trong khoang tàu đắm được đưa vào bờ
Tin tức Huế – Ông Từ Minh, Giám đốc Công ty TNHH Trục Vớt (Long An), đơn vị trục tàu: “Không ngờ trong đó có khí độc…”.
Ngày 19-6, lực lượng chức năng gồm công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, Công an và biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường tại miền Trung-Tây Nguyên đã đưa được thi thể thợ lặn cuối cùng là anh Võ Văn Thuận (32 tuổi, trú Đồng Tháp) ra ngoài và thực hiện khám nghiệm tử thi.
Khí hydro sunfua nặng
Sau khi xác định khí độc ở trong khoang ballas vẫn còn phát tán, nơi thi thể anh Thuận vẫn còn mắc kẹt trong khoang, lực lượng công binh và các thợ lặn đã mang các bảo hộ lao động, dụng cụ phòng độc vào khoang tàu để tìm kiếm thi thể nạn nhân. Hơn 30 phút sau, thi thể anh Thuận mới được tìm thấy và đưa ra ngoài.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết theo kết quả khảo sát ban đầu tại hiện trường, các khoang ballas của tàu Onnekas One nhiễm khí gas rất cao, trong đó nồng độ khí hydro sunfua (H2S) rất đậm đặc. Nên khi lực lượng chức năng thả vịt vào khoang ballas, nơi có thi thể anh Thuận để kiểm tra nồng độ khí độc thì vịt chết ngay tức khắc. Trong khi trên boong tàu thì không có khí độc phát tán…”.

Cũng theo ông Hùng, nếu muốn tiếp tục trục vớt con tàu này thì phải xử lý các khí độc, nếu không sẽ tiếp tục gây hậu quả nặng.
Tại đây, các chuyên viên của Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường tại miền Trung-Tây nguyên phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành lấy mẫu nước, mẫu khí trong khoang tàu, nơi các nạn nhân tử vong để đưa về xét nghiệm.
Thượng tá Lê Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết việc tham gia phối hợp của nhiều lực lượng để vừa tìm kiếm thi thể nạn nhân vừa tiến hành khám nghiệm hiện trường: “Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục phong tỏa hiện trường, yêu cầu các lao động không được tiếp cận tàu Onnekas One. Việc khởi tố vụ án hay không tùy thuộc vào cơ quan có thẩm quyền. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi, đưa ra kết luận nguyên nhân chết của các thợ lặn mới có thể khởi tố vụ án hay không”.
Công nhân không được trang bị khí tài
Theo ông Từ Minh, Giám đốc Công ty TNHH Trục Vớt – có địa chỉ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An), đơn vị trực tiếp trục vớt tàu Onnekas One, công ty ông có hợp đồng trục vớt chiếc tàu này với Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Sài Gòn từ giữa tháng 3-2013. Cách đây gần một tháng, ông Minh điều 29 người, trong đó có sáu thợ lặn theo sà lan ra vùng biển Vinh Thanh để tiến hành trục vớt. Trong số bốn thợ lặn tử vong, theo ông Minh thì tất cả đều có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, làm việc với cơ quan chức năng, ông Minh vẫn chưa thể cung cấp các bản hợp đồng lao động và các tín chỉ đào tạo nghề lao động.
Cũng theo ông Minh, trước khi ký hợp đồng, ông đã cho người ra khảo sát hiện trường của con tàu Onnekas One, lặn xuống đáy tàu đo độ sâu… “Nhưng khi đến khảo sát, chúng tôi không cho người vào trong các khoang ballas nên không biết có khí độc” – ông Minh lý giải – “Phương pháp của chúng tôi là khoan cắt lỗ ở các khoang ballas. Sau đó đưa máy bơm vào hút nước chứ thợ lặn không vào trong các khoang nên không trang bị khí tài phòng độc cho thợ, nào ngờ trong đó có khí độc…”.
Được biết công ty đã đưa các thi thể xấu số về quê an táng, hỗ trợ mỗi nạn nhân thiệt hại 75 triệu đồng để đưa các thi thể về quê mai táng. Bốn thợ lặn khác bị thương sau khi điều trị tại bệnh viện, sức khỏe đã trở lại bình thường.

Nguồn: phapluattp.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button