Cả làng may áo cho đá, lạy lục cúng vái để được bình an
Đất – Người Huế – Ở đầu làng Thanh Phước của xã Hương Phong, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế có một tảng đá rất kỳ lạ, lạ đến nỗi hàng năm, nhiều nhà nghiên cứu tìm về lý giải vì sao có tảng đá được người dân tôn thờ, dựng miếu hương khói, may áo cho đá mặc.
Có một thời, dân đổ xô về cúng bái, đến nỗi chính quyền xã phải dừng tất cả các hoạt động tín ngưỡng tâm linh tại ngôi miếu này. Vậy ngôi miếu này thờ hòn đá gì mà lại khiến dân tin đến như thế?
Cả làng may áo, thờ… hòn đá
Hòn đá vuông to bằng tấm chiếu, sắc xanh trắng, mặt đá có nét chạm thân người mặt thú, 20 tay và 4 chân, người chài sợ cho là thần, đem để ở chỗ sạch sẽ rồi dựng đền tranh để thờ, từ đấy tỏ ra linh ứng. Hồi đầu bản triều (Nguyễn) phong làm “Kỳ Thạch phu nhân chi thần”.
Gặp năm đại hạn, sai quan đến cầu đảo hàng mấy tuần không được mưa, bèn sai dời hai viên đá đến bờ sông, đêm hôm ấy liền nổi gió to mưa lớn, sáng hôm sau ra xem, thấy mất một viên, còn lại một viên, bèn rước về tế tạ. Viên đá ấy nay vẫn còn.
Truyền thuyết kể rằng: “Ở vùng ngã ba sông Hương và sông Sình có một ông lão đánh cá nghèo, ngày ngày xuôi dòng nước của con sông chảy qua làng để quăng lưới. Một hôm, từ mờ sớm đến mặt trời lên cao vẫn chưa bắt được con cá nào đủ to để ra chợ đổi gạo, ông buồn bã nằm trên vạt cỏ ven bờ, gối đầu lên một tảng đá lớn thiu thiu ngủ.
Chợt ông nằm mơ thấy có một người thân hình to lớn, mặt mày đỏ gay giận dữ, tay cầm chiếc gậy dài thúc thúc vào người ông, quát “này ông lão kia, sao ông lại dám gối đầu lên ta mà ngáy?”. Ông lão sợ quá quỳ mọp xuống, vị thần đá liền trấn an và nêu một câu hỏi nếu ông trả lời được thì vị thần đó hứa sẽ cải biến số phận để ông được sung túc và mạnh khỏe, sống lâu.
Câu hỏi đó là: “Thứ gì luôn im lặng và thiêng liêng như đá? Thứ gì luôn luôn ở với người, giúp ích cho người, mà không hề đòi hỏi đền đáp, hoặc lên tiếng kể lể lời nào?”. Ông lão đánh cá ngẩn ngơ, chưa trả lời được, vì ông nghĩ trên đời đâu có thứ gì tốt bụng đến thế.
Vị thần đá liền giải đáp: “Đó là hơi thở, nó có mặt để truyền sự sống cho các ngươi từ lúc mới ra đời cho đến khi nhắm mắt mà chẳng đòi ơn nghĩa gì, nó cũng im lặng như các loài đá mà các ngươi vẫn dùng để lót đường, xây nhà vậy”. Trước khi biến mất, thần đá quay lại nói thêm: “Thấy ngươi hiền lành, ta sẽ cho ngươi một món quà, ngươi hãy mau thức dậy và quăng lưới xuống sông, ngươi sẽ nhận được món quà ấy”.
Giật mình thức giấc, ông lão vội quăng lưới xuống nước như lời vị thần trong mơ căn dặn. Không lâu sau, ông cảm thấy có vật gì nằng nặng cứ trì lấy chiếc lưới. Ông lặn xuống xem chẳng thấy gì quý báu mà chỉ là một phiến đá to đang làm vướng lưới.
Ông gỡ lưới ra khỏi phiến đá rồi lên bờ về nhà, lòng không vui. Đêm ấy, đang chập chờn, ông lại mộng thấy một phụ nữ xuất hiện với ánh sáng chói quanh người, bảo ông: “Ta là nữ thần dưới sông kia, hồi trưa ngươi đã gặp ta tại sao không đem ta lên bờ? Nếu ngươi đem ta lên ta sẽ phù hộ cho ngươi thoát khỏi cảnh túng thiếu”.
Sáng ra, ông lão rủ thêm vài người trong làng quay lại quãng sông lặn xuống và đem lên hai phiến đá to bên trên có khắc hình một nữ thần với nhiều tay vươn cao, chân ngồi xếp bằng, chung quanh có hình voi, hình người trông rất lạ mắt.
Lúc ấy trời bỗng chuyển giông, mây kéo đen nghịt rồi mưa trút xối xả, hai viên đá sáng lên từng chặp theo những tia chớp trên cao lia xuống. Thấy vậy, người ta hoảng sợ đem các viên đá này vào gần làng, lấy gạch xây một cái bàn thờ để đặt đá lên trên.
Được triều đình phong thần – Kỳ thạch phu nhân
Câu chuyện có vẻ hoang đường, nhưng ông Cà (82 tuổi, người trông coi ngôi miếu) khẳng định chắc nịch 100%, rằng thần đá rất thích đua ghe. Hễ cứ vào dịp làng xã tổ chức đua ghe truyền thống 22/6 hay ngày vía 10/7 âm lịch, mà ghe nào làm mâm cau trầu đến cúng ở miếu bà trước thì ghe đó không về nhất, cũng về nhì:
“Có dạo, có ghe của làng Thuận Hòa (đây là ghe hay nhất xã) bơi qua miếu bà mà không vào thắp hương cho bà, tui bảo đã đi qua miếu bà thì phải thắp hương báo cho bà biết. Nhưng ông đó cứ làm ngơ, thế là đi nửa đường gần về đích rồi thì thuyền lật. Chẳng biết có phải vì bà linh thiêng hay không nhưng không ai lý giải được chuyện này”.
“Ở đây bà linh lắm, ai xin gì bà cũng cho. Nhiều người sau khi thoát nạn đã gửi tiền về giúp miếu trang hoàng, sửa sang sạch sẽ như bây giờ, có người cúng bộ cửa, có người cúng bao cát, bao xi măng, người cúng cái lai thành… vì thế mà miếu được xây dựng đẹp vậy”, ông Cà nói thêm.
Xung quanh câu chuyện linh thiêng của miếu bà, người dân còn cho biết, ngày xưa Pháp – Mỹ ném bom xuống làng, nhà cửa sập đổ, cây cối gãy rạp nhưng qua hai cuộc chiến miếu bà vẫn đứng đó như không có chuyện gì xảy ra.
Ông Trần Viết Chức – Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: “Có một thời dân ở đây kéo nhau về rất đông, nhưng khi đó tôi làm trưởng công an xã nên đã cấm hoạt động mê tín dị đoan này. Còn chuyện người dân mê tín nên tin, chứ chính quyền xã vẫn chưa thấy linh nghiệm gì cả. Tuy nhiên, vì đó là tín ngưỡng tâm linh của người dân nên mình vẫn cho duy trì, thờ cúng thần Shiva gì đó. Còn các hoạt động ở đây đều nằm dưới quyền kiểm soát của UBND xã, nên đến nay, hoạt động của người dân vào thắp nhang, hầu đồng giảm hẳn…”.
Điều kỳ lạ là trên phiến đá to và dài một mét được triều đình phong thần kia khắc nhiều hình mà người ta cho là quái dị để mô tả cảnh thiên đường lẫn địa ngục. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Nguyễn Xuân Hoa cho biết, tảng đá được thờ trong miếu Kỳ Thạch Phu Nhân có màu đen có hình dạng như nửa tấm bửng tròn có đáy 1,2m; cao 0,9m; dày 0,23m có chạm nhiều hình người và con vật.
Các hình chạm chia thành 2 nhóm: Phần trên là một hình người hầu như trần truồng, ngồi trên tòa sen, hai chân xếp bằng và tay đặt trên đầu gối, bên phải có một con thú kì lạ và vài hình phác họa về người với nét vẽ non nớt; bên trái có hình khắc đàn ông, đàn bà, con nít, người cầm ly rượu, kẻ thổi sáo.
Phần dưới có đám người ăn mặc nửa kín nửa hở. Có khoảng 20 cái tay mà bảy cái đeo vòng, có thể là tay đàn bà, nhưng chân thì chỉ có 4. Cạnh con người kỳ dị ấy thì bên phải chạm một người có 3 mặt đứng cầm cái chai và bị trói ngồi chồm hỗm, góc trái là một con voi chổng đuôi lên trời.
Theo ông Hoa, nhân vật thể hiện chính trên tấm phù điêu có nhiều đầu, 20 tay có thể là hình ảnh quỷ chúa Ravana liên quan đến tích truyện Ravananugrahamurti trong thần thoại Ấn Độ. Đây là bức phù điêu quý hiếm thứ 2 được tìm thấy trong nghệ thuật Champa.
Theo: Văn Phương (SBĐ)