Chân dung ‘bà trùm bột ngọt’
Tin liên quan: Hàng tấn bột ngọt Trung Quốc nhái thương hiệu lớn
Pháp luật Huế – Mới đây, công an TP. Huế kịp thời điều tra, khám phá một đường dây chuyên sản xuất, buôn bán và tiêu thụ bột ngọt giả.
Qua bàn tay “ma quái” của một số người, chúng được “phù phép” từ bột ngọt Trung Quốc thành các loại bột ngọt mang những thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Chỉ bằng cách đóng gói, “ấn” vào bao bì của các nhãn hiệu có tiếng, chúng được tung ra thị trường trong và ngoài tỉnh y như thật.
Đường dây “thay áo” cho bột ngọt Trung Quốc
Theo thông tin PV có được, trong thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Huế (Thừa Thiên- Huế) đã xuất hiện một số sản phẩm bột ngọt có nguồn gốc nhãn hiệu từ Trung Quốc. Thế nhưng, xuất hiện trên thị trường, chúng lại được khoác lên mình những lớp vỏ (mắt thường khó phân biệt được thật – giả) của các nhãn hiệu nổi tiếng như: Ajnomoto, Miwon, A-one, Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd ….Với thủ đoạn “phù phép” như vậy, loại bột ngọt này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo công an TP. Huế, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã xây dựng một kế hoạch rất cụ thể và đồng bộ để vào cuộc điều tra làm rõ những đối tượng trong đường dây “phù phép” bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc thành bột ngọt mang các nhãn hiệu nổi tiếng.
Trao đổi về vấn đề này, thượng tá Trương Minh Tuấn, đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ công an TP. Huế cho biết: Trước đó, vào khoảng 16h ngày 30/5, lực lượng trinh sát đã bất ngờ phát hiện ông Lê Quý Hiệp (SN 1950), trú tại số nhà 3 kiệt 141 đường Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận đang vận chuyển lô hàng có dấu hiệu nghi vấn.
Qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện 200 gói mì chính có nhãn hiệu chữ nước ngoài như Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd. Tại đây, bước đầu ông Hiệp khai nhận toàn bộ số bột ngọt trên có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi về cơ sở, ông và những công nhân của mình “phù phép” chúng thành nhãn hiệu Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd, rồi đem đi bán để kiếm lời…
“Bà trùm” Trần Thị Mỹ Hương tại cơ quan điều tra.
Lần theo dấu vết của Hiệp, lực lượng công an kinh tế đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra nơi ở của chủ cơ sở này và phát hiện một số lượng bột ngọt rất lớn với hàng nghìn bao bì đủ các chủng loại có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tại số nhà 3 kiệt 141 đường Phan Đình Phùng, lực lượng công an đã tiến hành lập biên bản và tịch thu số lô hàng này để điều tra làm rõ. Tang vật thu được tại hiện trường gồm: 765 gói bột ngọt thành phẩm mang các nhãn hiệu như: Ajnomoto, Miwon, A-one, Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd… và 11.400 mẫu vỏ bao bì các nhãn hiệu nói trên. Ngoài ra, lực lượng công an kinh tế cũng tạm giữ một cân đĩa loại 2kg và 1 cái máy dùng để ép dán bao bì nilon.
Cất vó
Từ đây, hàng loạt cơ sở khác có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả đã bắt đầu lộ diện. Tiếp đó, ngay trong đêm 30/5, các mũi trinh sát đã ập vào kiểm tra tại nhà của Nguyễn Thị Ánh Minh (SN 1983), trú tại số nhà 76 đường Tạ Quang Bửu, phường Thuận Thành (TP. Huế), phát hiện nhiều bao bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc loại 25kg, trọng lượng 70kg, 4.000 mẫu vỏ bao bì có nhãn mác Ajnomoto, Miwon, Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd, Safi… và 1 máy dùng để ép dán bao bì nilon.
Đồng thời, một mũi trinh sát khác cũng ập vào kiểm tra nhà Lê Thị Lan, trú tại số 8/8 đường Ngô Đức Kế, phường Thuận Thành (TP. Huế), hành nghề buôn bán tại chợ Đông Ba. Qua kiểm tra, lực lượng công an cũng thu giữ một số bao bì và công cụ để sản xuất hàng giả đem đi tiêu thụ kiếm lời. Chưa dừng lại đó, lực lượng trinh sát cũng phát hiện tại nhà bà Lê Thị Lập (SN 1964), trú tại số nhà 7 đường Hoàng Xuân Hãn, phường Phú Bình (TP. Huế) một số lượng lớn bột ngọt Trung Quốc. Tại đây, bước đầu lực lượng chức năng cũng phát hiện và tạm giữ 1.067 gói bột ngọt các loại đã thành phẩm mang các nhãn hiệu nói trên.
Theo đó, từ lời khai của các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ bột ngọt giả, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tiếp tục điều tra và bóc mẽ được “bà trùm” Trần Thị Mỹ Hương (SN 1972), trú tại 2/14/96 đường Đặng Thái Thân (TP. Huế).
Quy trình đóng gói ăn tiền
Được biết Hương chuyên buôn bán ở chợ Đông Ba. Trong vụ án này, người đàn bà ấy kiêm nhiệm vai trò là người trực tiếp “chỉ huy” và cung cấp số bột ngọt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, cũng như các bao bì làm giả nhãn hiệu nói trên cho các đầu mối “nhỏ lẻ” như Lê Quý Hiệp, Lê Thị Lan và Nguyễn Thị Ánh Minh… Bằng thủ đoạn này, chúng đã cùng nhau thực hiện hành vi gian lận, sản xuất hàng giả tung ra tiêu thụ ở các tỉnh thành trong cả nước.
Sau nhiều ngày liên tục tập trung vào cuộc điều tra, lực lượng Cảnh sát kinh tế công an TP. Huế đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ 8 tạ bột ngọt các loại, 15.400 mẫu vỏ bao bì, 140 bao tải bột ngọt có nguồn gốc từ Trung Quốc loại 25kg, 2 cân đĩa và 2 máy ép bao nilon. Qua đấu tranh khai thác để mở rộng vụ án, các đối tượng này đã khai nhận thêm: Sau khi mua bột ngọt từ Trung Quốc về, nhóm người này đã “phù phép” đóng gói vào bao bì mang các nhãn hiệu trên. Với mỗi mẫu vỏ bao bì, chúng đóng gói thành hai loại: 0,5kg và 1kg.
Đặc biệt, trong đường dây “phù phép” bột ngọt giả này, các “ông trùm”, “bà trùm” dùng thủ đoạn rất tinh vi để qua mắt các cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Sau khi sản xuất ra thành phẩm hàng giả, chúng đã đưa lên cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), rồi từ đây, nhập trở lại vào địa bàn TP. Huế và các huyện lân cận để đánh lừa khách hàng. Trong đó, nhiều nhất là bột ngọt mang nhãn hiệu Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd. Hiện, lực lượng Cảnh sát kinh tế công an TP.Huế đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. Đồng thời, đơn vị này cũng đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý nghiêm các hành vi gian lận sản xuất hàng giả trong đường dây “phù phép” bột ngọt Trung Quốc trên.
Nguồn: nguoiduatin.vn