Chông chênh đời vạn đò
Nằm ở cuối nguồn, nơi hợp lưu của hai con sông Bồ và sông Hương, xóm chài Thủy Phú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) như một “chứng tích” còn sót lại của hàng nghìn hộ dân vạn đò được lên bờ ở Thừa Thiên- Huế.
Xóm đò cuối cùng trên sông Hương
Sau bao cuộc “thiên di” của lịch sử, nhiều cư dân thủy diện ở các nhánh sông trên địa bàn Thừa Thiên- Huế đã lần lượt được lên bờ tái định cư, duy chỉ còn làng chài Thủy Phú với 20 hộ dân, hơn 100 nhân khẩu vẫn còn “mắc kẹt” trên chiếc thuyền đã gắn với đời sống thường nhật của họ gần nửa thế kỷ nay.
Theo con đường hẹp chỉ lọt một chiếc xe máy dẫn ra xóm chài Thủy Phú, sau những trảng cát cao ngất là hình ảnh những đứa trẻ lem luốc, nheo nhóc đang vô tư chơi đùa bên những chiếc thuyền bạc phếch màu mưa nắng. Mùa này cá tôm khan hiếm, bà con xóm vạn đò vẫn đang ngồi bó gối. Lặng nhìn ra quãng sông trước mạn thuyền, ông Trần Đức (72 tuổi), buồn buồn: “Gia đình tui ở đến nay đã là đời thứ 4, sinh con đẻ cháu cũng trên chiếc đò ni. Hồi trước giải phóng, chỉ có vài hộ đến “định cư” ở đây mà thôi, giờ đã lên mấy chục hộ rồi. Gia đình tôi làm nghề chài lưới, xúc cát thuê, đến mùa mưa bão lại đưa nhau tránh trú”
Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Đức đã một thời ngang dọc trên nhánh sông Bồ, sông Hương, xuôi về phá Tam Giang theo đuôi con cá mưu sinh. Ông Đức có 7 người con thì đã có 4 người ở nơi xóm vạn chài này. Trong đôi mắt già nua, ngồn ngộn những ký ức về năm tháng chèo chống thuyền đưa cả gia đình chạy trốn bão lũ. Trận bão ông nhớ nhất là vào năm 1985- trận bão đã đi vào lịch sử với nỗi kinh hoàng của hàng nghìn hộ dân vạn đò ở Thừa Thiên- Huế.
Ông Đức nhớ lại: “Đêm đó bão vào, cả nhà tui cùng vợ và 7 đứa con phải chèo chống thuyền vào bờ để neo cột. Sóng dữ dội quá, ở quãng sông này có mấy chiếc thuyền bị chìm. Thuyền gia đình tui cũng bị lật mui, chìm trong đêm tối”. 7 đứa con, đứa lớn 17 tuổi, đứa nhỏ hãy còn ẵm ngửa đã may mắn thoát khỏi tay thủy thần!
Vừa đi xúc cát thuê trở về, anh Trần Quốc (31 tuổi), con trai út ông Đức ngồi phệt xuống sàn thuyền, uể oải chêm nước mời khách. Hỏi về sinh kế của gia đình, anh tâm sự: “Hết tết rồi mà chưa có chi làm. Cá mú năm này cạn kiệt, thả lừ cũng không được mấy lạng. Ở đây họ đánh bắt bằng xung điện nên cá mỗi ngày mỗi hiếm. Hai vợ chồng cong lưng xúc cát thuê cả ngày cũng chỉ đủ tiền nuôi mấy miệng ăn trong nhà thôi”. Cái nghèo, cái khó cứ đeo bám mãi cư dân vạn đò Thủy Phú mấy chục năm nay.
Khát khao con chữ
Trong mấy chục hộ dân vạn đò Thủy Phú, chỉ có được vài hộ may mắn lắm, cha mẹ trầy trật làm ăn, cho con kiếm được cái chữ, đa phần còn lại con trẻ đều không được đến trường. Những đứa trẻ vạn đò, sinh ra trên thuyền, lớn lên biết bơi biết lội, đã trở thành những lao động phụ giúp cha mẹ kiếm cá tôm mưu sinh, giấc mơ đến trường đành dang dở. Khi chúng tôi đến, một cán bộ ở xã Hương Vinh chia sẻ: “Nghĩ cũng xót xa cho bà con vạn đò lắm. Từ người già đến thanh niên, khi có việc gì lên xã, giấy tờ ký tá đều phải “điểm chỉ”, có người hướng dẫn đến tận nơi mới làm được”.
Chị Nguyễn Thị Ty (40 tuổi), một hộ dân vạn đò nơi đây cho biết: “Không phải bà con nơi đây không ý thức được chuyện học hành quan trọng, nhưng gia đình khó khăn quá. Mỗi ngày hai vợ chồng tui vừa bỏ lừ, xúc cát thuê cũng chỉ kiếm được 100-150 nghìn đồng, lấy đâu ra tiền nộp cho con được đến trường”. Gia đình chị Ty có 5 đứa con, tất thảy đều bỏ học cả. Có đứa gắng lắm cũng chỉ xong bậc tiểu học là ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm kế mưu sinh. Với thu nhập thấp, bấp bênh theo mùa vụ, chuyện đến trường của con em nơi đây là một ước mơ xa vời. Và trước mắt chúng tôi, 20 chiếc thuyền nằm san sát bờ sông, môi trường sống bị ô nhiễm, bệnh tật đe dọa…
Uớc mơ tái định cư
Gần nửa thế kỷ, những hộ dân ở xóm vạn chài Thủy Phú chỉ nuôi một ước mơ duy nhất là được lên bờ. Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các ban ngành ở Thừa Thiên- Huế, hàng nghìn hộ dân vạn đò đã được đưa lên bờ tái định cư, giã biệt cuộc sống trên mạn thuyền, bấp bênh theo từng con nước.
Duy chỉ Thủy Phú là xóm vạn chài cuối cùng, ước mong được lên bờ tái định cư là niềm mong mỏi chính đáng của mấy chục hộ dân. Ông Trần Đức, người lớn tuổi nhất ở xóm vạn đò tâm sự: “Sống gần hết cả đời người, tui chưa lần mô được nấu nồi bánh tét cùng con cùng cháu. Hy vọng sau này được lên bờ có cái chỗ chui ra chui vô, mình nấu bánh tét để tặng con cháu đêm 30 Tết, được rứa sướng chi bằng nữa chú. Cực khổ thì cũng đã cực rồi, có lên được trên bờ thì thế hệ mai sau mới khá lên được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bổn- Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho hay: “Việc đưa bà con ở xóm vạn đò Thủy Phú lên bờ tái định cư là một vấn đề lớn, nằm ngoài năng lực tài chính của xã. Việc tái định cư cần kinh phí từ 2,5 đến 3 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, chính quyền thị xã Hương Trà cùng các ban ngành đã về khảo sát, làm việc với xã về chủ trương tái định cư cho bà con nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, vẫn chưa biết khi nào chương trình tái định cư thực hiện được.” Hồ Ngọc Minh
Theo Đại Đoàn Kết