Giáo dục Huế

Cô học trò nghèo phát minh giấy… thân thiện môi trường

Giáo dục Huế – Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, em Đặng Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Tam Giang, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) đã sử dụng lá cây khô, lá chuối, tre… để tạo ra “giấy xanh” – một loại giấy được đánh giá là thân thiện với môi trường sống.

Ngọc Ánh có dáng người nhỏ thó, song từ khuôn mặt hiền lành của em toát lên vẻ thông minh và sự nghị lực. Hỏi về phát minh “giấy xanh”, Ánh dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình sáng tạo của mình. Vừa thực hiện các thao tác thủ công để làm nên một tấm giấy, Ánh vừa tâm sự: “Hằng ngày đi học về, em thường bắt gặp các cô, chú công nhân dọn vệ sinh trên đường, với một lượng lá cây rất lớn. Từ đó em cứ băn khoăn suy nghĩ, tại sao người ta không tận dụng số lá cây làm thành sản phẩm gì đó có ích cho cộng đồng hơn là mang đi đốt, hoặc chở về các bãi rác… Và, ý tưởng tái chế lá cây ra giấy của em nảy sinh từ đó”.
Ánh kể tiếp rằng, được sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo Trường THPT Tam Giang và thầy Lê Hải Bằng, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Ánh đã hoàn thành phát minh chế tạo “giấy xanh” từ lá cây và vỏ cây. Ánh diễn giải, công thức chế tạo “giấy xanh” của em thật đơn giản, bao gồm: Lá chuối tươi (30%), lá khô (30%), thân tre (38%), các nguyên liệu phụ như hồ dán, nước vôi trong (2%). “Khi tấm giấy đầu tiên được làm nên, em mừng lắm nhưng do chưa có kinh nghiệm nên giấy vẫn còn mỏng và ướt, sau này em đã tìm cách khắc phục nên giấy làm ra có thể dùng để viết, gói quà…”, Ánh vui mừng chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về niềm đam mê nghiên cứu khoa học của Ánh, thầy Hoàng Đức Diễn, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang nói rằng: Ngọc Ánh sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em nên việc học hành của em khó khăn hơn những bạn bè cùng trang lứa. Nhưng, điều đáng quý ở cô học trò nhỏ này là, em rất thương bố mẹ sớm hôm tần tảo “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cũng vì thế, Ánh luôn nỗ lực vượt khó học giỏi, đam mê nghiên cứu khoa học. Sản phẩm “giấy xanh” được làm từ lá và vỏ cây của em đã được đánh giá rất cao tại cuộc thi INTEL ISEF 2011-2012. Nhà trường rất vinh dự khi em là một trong những gương mặt sáng tạo trẻ tuổi nhất trong chương trình Gara bí mật do VTV6 thực hiện”.
Theo sự đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi INTEL ISEF 2011-2012 tỉnh Thừa Thiên – Huế, loại “giấy xanh” do Ánh chế tạo có thể tự phân hủy được, độ xốp cao nên dùng để hút ẩm trong các linh kiện điện tử, tạo hình nghệ thuật, viết thư… và đặc biệt rất thân thiện với môi trường sống. Hy vọng sáng tạo này sẽ được các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu sâu hơn để đưa vào ứng dụng rộng rãi…

Nguồn: cand.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button