Kỹ năng sống

Con học chăm chút tết từ mẹ

Kỹ năng sống – Huế những ngày gần tết mưa và lạnh. Mẹ thường đốt bếp than rồi thập thững ra trước ngõ, dõi theo tiếng rao của mấy người bán hàng rong lao xao mời chào và mong bóng con cháu về chơi.

Anh chị em tôi mỗi người mỗi nơi, thi thoảng mới về ghé thăm nhà, thăm mẹ và nội đã già. Nhà tôi vắng tanh, hiu quạnh, dường như chỉ có bếp than đỏ hồng trước bậu cửa là mang lại chút hơi ấm cho cả gian nhà.

Chúng tôi giờ đây đã lớn, ấy vậy mà mỗi khi trở về ngôi nhà nhỏ thân thương ấy, ai cũng như nhỏ lại và được trở về những ngày thơ ấu. Tôi còn nhớ hồi ấy, sau đợt thi học kỳ kết thúc, lũ trẻ chúng tôi lại líu ríu kháo chuyện tết. Cái cảm giác tết xa thật xa nay lại ùa về, khiến ai cũng mong chờ, háo hức.

Cách tham gia rất đơn giản: truy cập trang thi, bấm vào mục “Chia sẻ lời yêu thương” hoặc bấm vào banner “Chia sẻ lời yêu thương” ở góc trên bên phải trang web và làm theo hướng dẫn.

Mấy ngày giáp tết, tôi hay nhìn ba đánh vẹcni tủ thờ, ba vừa đánh vừa cười, chỉ trỏ cho tôi đủ thứ dẫu cho tôi lúc ấy chỉ là một cậu học sinh lớp 1, non nớt và hiếu động. Ba giờ đã đi thật xa…

Chúng tôi ngày ấy và bây giờ vẫn còn phụ mẹ làm củ kiệu, gói bánh chưng. Trước đây, khi các chị của tôi chưa lấy chồng, mấy ngày gần tết, các ông anh rể của tôi tụ họp lại, người chẻ lạt, người rửa lá dong, mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi nhưng chẳng ai tắt nụ cười cả.

Sau này, các chị bận bịu bên chồng, chỉ còn tôi phụ mẹ làm mứt, củ kiệu, kim chi rồi gói bánh chưng cúng tết. Mẹ bảo: “Con trai Huế đã đểnh đoảng thì không nói làm gì, nhưng hễ đã động vào việc bếp núc nhiều khi còn nấu ngon hơn phụ nữ”.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói ấy của mẹ, thành thử những lúc mẹ loay hoay làm món ăn trong bếp tôi hay đứng quan sát thật lâu, thật tỉ mỉ. Không những hồi xưa mà cả bây giờ, việc tự tay làm mứt, củ kiệu, bánh chưng không phải là do nhà không có điều kiện mà bởi tôi luôn muốn tự mang một không khí tết về trong ngôi nhà mình.

Những lát cà rốt được mẹ tỉa tót cẩn thận, ủ với đường, giấm, gia vị các thứ làm thành món kim chi cay xè thấu lưỡi mà ấm bụng mấy ngày tết. Củ kiệu được mẹ hong nắng mấy ngày, cắt tỉa sạch sẽ rồi ngâm độ một tuần trước tết, lúc đem ra khách nức nở khen ngon. Lúc ấy, mẹ chỉ cười, tôi thấy mẹ cười thật vui, thật đẹp.

Có những năm trời lạnh, mấy trẹt cà rốt rồi củ kiệu không hong nắng được, mẹ con lại ngồi túm tụm bên bếp lửa rực hồng để hong khô, mặt ai cũng hây hây đỏ như má đào, chọc nhau cười khúc khích.

Dường như trong mỗi món ăn đều có những tâm tư, tình cảm mà những người phụ nữ trong gia đình mang lại. Thú vị nhất là canh nồi bánh chưng đỏ lửa trong bếp. Nhà tôi vẫn còn nấu bếp củi, thành thử mấy chị em tôi giành nhau ngồi quanh bếp lửa hồng phần để trốn cái lạnh đang len lỏi vào da thịt, phần vì háo hức chờ xem thành phẩm của mình sẽ ra lò như thế nào. Chúng tôi ai cũng tự tay làm cho mình một cái bánh chưng nhỏ xíu xiu, hay gọi đùa là “bánh cua” vì nó không được vuông mà méo mó y như yếm con cua vậy.

Ngồi nghe tiếng nổ lép bép, mấy câu chuyện ma của bà nội làm chúng tôi sợ hét toáng hết cả lên, để rồi một tay bà dìu chúng tôi vào tận giường khi chúng tôi đã ngủ say bởi đâu có ai thức nổi canh nồi bánh chưng đâu.

Giờ thì mẹ đã già, chúng tôi cũng lớn khôn, dường như không còn cái cảm giác háo hức mỗi độ tết về nữa. Nhưng hễ về nhà, thấy dáng mẹ lụi cụi ngồi tỉa tót hoa cà rốt, lau lá, chẻ lạt, tôi lại như đứa trẻ thơ sà vào lòng mẹ, hít lấy cái mùi khói ngai ngái của mẹ để nghe mẹ mắng yêu. Bà nội cũng đã cao tuổi, miệng móm mém cười, hiền từ rủa yêu tôi: “Thằng chó của bà về rồi đó hả, ra coi phụ mạ mi làm đồ tết đi. Mấy chị mi mắc việc nhà chồng rồi, không lên được mô!”.

Tôi nghe mà muốn trào nước mắt, tết là rứa đó. Chỉ đơn giản và thân thương vậy thôi!

Theo: Nguyễn Văn Nhât Hoàng – tuoitre.vn

Show More

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button