Kinh tế Huế

COVID-19 và cơ hội vàng cho Việt Nam

[ad_1]


Một dự án FDI được đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trong năm 2019. Ảnh: Đức Quang

Một sự kỳ tích hiếm có, sau 22 ngày giãn cách xã hội, Chính phủ đã cho phép nhiều tỉnh, thành trong cả nước dần mở của hoạt động kinh doanh, buôn bán, giao thông trở lại nhưng phải có sự kiểm soát dịch bệnh tốt nhất. Điều này cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có hiệu quả, và qua đó, cho phép thúc đẩy trở lại phát triển kinh tế – xã hội đã bị đình trệ trong nhiều tháng qua.

Anh Nguyễn Hoàng Nam, cán bộ quản lý ở một công ty Dệt May Huế nói với tôi: “Công ty mình rất nhanh nhạy, sau khi ngành dệt may khó khăn do không đủ nguyên liệu cũng như xuất nhập khẩu khó khăn thì đã chuyển hướng sang đàm phán với các công ty nước ngoài cung ứng khẩu trang kháng khuẩn và được họ đồng ý. Hiện nay, công việc của công ty mình làm không hết, phải tiếp tục tăng ca để đảm bảo cung ứng đủ khẩu trang để xuất khẩu. Nhờ vậy, trong thời gian qua, công nhân ở nhà máy không có ai bị thất nghiệp, lương tiền đều đảm bảo”.

Ngoài việc các công ty dệt may ở Huế nói riêng, cả nước nói chung đang ngày đêm đảm bảo đủ lượng hàng khẩu trang xuất khẩu ra các nước, Việt Nam còn dư thừa gạo để xuất khẩu, cho thấy dù dịch bệnh khốc liệt xảy ra nhưng an ninh lương thực quốc gia vẫn đảm bảo.

Nhiều chuyên gia kinh tế nói với tôi rằng, dịch bệnh này không nước nào tránh khỏi chuyện bị thiệt hại lớn về kinh tế, nhưng nếu nước nào quản lý, phòng chống dịch bệnh tốt nhất thì dù có thiệt hại kinh tế nhưng cũng trụ vững được và Việt Nam đang làm một điểm sáng về điều này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định dự lễ khai trương Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam (Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em) tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Ảnh: Đức Quang

Theo dự báo của một số chiến lược gia kinh tế trên thế giới khi trả lời báo chí đều ca ngợi sự chống dịch tốt của Việt Nam cũng như sự trụ vững trước khủng hoảng kinh tế thế giới của Việt Nam do đại dịch COVID-19 gây ra. Họ nói rằng, dịch COVID-19 là cơ hội cho Việt Nam trong tiếp nhận dự án FDI ồ ạt từ nước ngoài chuyển về. Lý do, khi thế giới đã nhận thức ra mối nguy hiểm về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với tất cả các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, từ vật tư y tế và máy thở đến iPhone, người mua và nhà đầu tư trên khắp thế giới đang và sẽ tìm kiếm các địa điểm sản xuất ở ngoài Trung Quốc.

Việt Nam có một cơ hội bằng vàng để chứng tỏ mình là một địa điểm sản xuất tốt nhất trong chuyện này vì thứ nhất, an ninh chính trị ở Việt Nam đảm bảo ổn định để giúp các nhà đầu tư yên tâm làm ăn, hơn nữa, con người Việt Nam có trí tuệ, tiếp cận nhanh với công nghệ thế giới, và quan trọng nhất là vừa qua trong đại dịch toàn cầu này, khi cả thế giới chao đảo, các nhà máy đều phải đóng cửa thì Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, các nhà máy, xí nghiệp vẫn hoạt động trong khuôn khổ cho phép, kiểm soát tốt dịch bệnh.

TS. Phạm Lê Thu Nga, bạn tôi, hiện đang là giảng viên đại học ở Úc nói rằng: “Tôi tự hào mình là người Việt Nam, bởi trong đại dịch này mới thấy được bản lĩnh của con người Việt Nam, sự quản lý xã hội tốt của đất nước mình. Trong đại dịch nhiều nước phải vật lộn với các ca nhiễm tăng hàng ngày, trong khi Việt Nam chỉ ghi nhận rất ít, và trong số đó chủ yếu là từ người nước ngoài về, mặt khác, trong thời gian rất ngắn, nhưng Việt Nam đã sản xuất thành công bộ kit thử phát hiện SARS-CoV-2 (hiện nay nhiều nước đang đặt mua) và đã nghiên cứu, sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể để chủ động sàng lọc, sớm phát hiện người mắc COVID-19. Đây là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể này. Với tư cách một giảng viên giảng dạy bộ môn kinh tế và hoạch định chính sách, mình nghĩ trong thời gian tới, Việt Nam ta sẽ đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài, trong đó có nhiều người Việt thành đạt sống xa quê, bởi qua câu chuyện này mới thấy Việt Nam ta an toàn đến mức độ nào”.

Còn TS.Nguyễn Quang Huy, cũng là bạn của tôi, hiện tại là một doanh nhân ở Mỹ nói rằng: “Tôi chắc rằng, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhà nước cũng cần phải rà soát lại những đầu tư nước ngoài để chú trọng hơn về chất lượng, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị cung ứng; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; nâng tỷ lệ nội địa hóa. Mục đích chính là giúp các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới”.

Gia Hân

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button