Đầm Sam – Chuồn hay đầm rác?
Xã hội Huế – Đầm Sam – Chuồn (huyện Phú Vang) là một trong những hệ thống đầm phá quan trọng của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thế nhưng, những năm trở lại đây, với tình trạng xả rác thải bừa bãi, người dân đang tự “giết chết” khu đầm cũng như đang dần cướp đi sự sống của chính mình.
Đầm Sam – Chuồn đang bị ô nhiễm trầm trọng do rác thải
Nói hệ thống đầm Sam – Chuồn quan trọng là bởi nơi đây không chỉ cung cấp sản vật, nuôi trồng thủy sản của hàng nghìn hộ dân thủy điện bao đời sống ven đầm phá mà còn là một khu du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút nhiều du khách, mang lại nguồn thu cho nhiều địa phương ven đầm phá. Những ngày nắng nóng, tình trạng ô nhiễm dường như nặng nề hơn ở đầm Chuồn.
Có mặt tại thôn Định Cư (xã Phú An, huyện Phú Vang), là khu vực chính của đầm Chuồn, nếu nói đây là bãi rác của thôn Định Cư cũng không sai chút nào: Rác thải chất đống, bốc mùi, trải dài cả hàng trăm mét, từ trên đê, dưới nước, lấn sâu vào phá. Nhiều hộ dân cho biết: Vào thời điểm nước rút, khu vực này chẳng khác gì một “đầm” rác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, khu vực này từng có một bãi tập kết, chứa rác sinh hoạt của hơn 250 hộ dân sống ven đầm Chuồn. Tuy nhiên, qua thời gian, bãi rác bị xuống cấp, rác thải tồn đọng bấy lâu dần dần lan ra cả một khu đầm. Chính vì không có bãi rác, cũng không có người thu gom nên hầu như toàn bộ rác thải sinh hoạt của người dân đều được đổ thẳng ra đầm, mặc cho ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ.
Một bằng chứng rõ ràng nhất cho sự ô nhiễm là môi trường nuôi trồng thuỷ sản ở đây xuống cấp ngày một nhanh hơn. Toàn xã có hơn 200ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, nhưng thường xuyên xuất hiện dịch bệnh, năng suất, sản lượng thấp, nhiều diện tích mặt nước phải bỏ không vì quá ô nhiễm. Đặc biệt, rác thải cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến mỹ quan của đầm Chuồn, nhiều du khách tỏ ra không hài lòng, làm cản trở đến tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở đây.
Hệ thống đầm Sam – Chuồn trải dài trên địa bàn các xã Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân và thị trấn Thuận An với tổng diện tích gần 2.000 ha, nơi có nhiều loài thủy sản phong phú và có tính đa dạng sinh học cao. Trên hệ thống đầm này có khoảng hơn 1.000 hộ dân tham gia sản xuất, khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Ông Phan Cử (trú đường Trần Cao Vân, TP. Huế), một khách quen của hệ thống du lịch nhà chồ (nhà trên mặt phá), cho biết: “Được thiên nhiên ưu đãi cho hệ thống đầm phá mênh mông, sản vật phong phú nhưng người dân không biết giữ gìn, cứ vứt rác bừa bãi, nếu không ngăn chặn thì chẳng bao lâu đầm Chuồn sẽ trở thành khu đầm rác.”
Từ nhiều năm nay, vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải đã trở thành vấn nạn ở xã Phú An. Không riêng gì khu vực đầm Chuồn mà ở 3 thôn còn lại, đó là Triều Thủy, An Truyền và Đồng Miệu cũng chung tình trạng ô nhiễm rác tương tự, đặc biệt là khu vực chợ và xung quanh chợ làng Chuồn. Rác thải vẫn không được đổ cố định ở bãi tập kết, thêm vào đó là thời gian vận chuyển đi tiêu hủy quá lâu nên tình trạng ô nhiễm càng nặng nề. Toàn xã hiện có hai bãi tập kết rác, nhưng do vị trí nằm quá xa, thêm vào đó là không có người thu gom nên người dân cứ thế đổ rác bừa bãi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Đề – Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết: “Tháng 3-2013, chính quyền xã cũng đã triển khai đề án thu gom rác thải sinh hoạt tại địa phương và đã tiến hành thí điểm mô hình tại địa bàn thôn Triều Thủy. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa mấy đồng tình với khoản lệ phí thu gom rác hằng tháng, trong khi nguồn kinh phí của xã lại hạn chế và việc đầu tư cho đề án này là quá lớn.” Ông Đề cho biết thêm: Riêng vấn đề ô nhiễm rác thải ở đầm Chuồn, hiện tại phía chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch thành lập đội thu gom bằng thuyền và sẽ triển khai ngay. Bên cạnh đó, UBND huyện Phú Vang cũng đã có kế hoạch đầu tư 40 triệu đồng làm kinh phí đầu tư thu gom rác. Tuy nhiên, đến nay phía xã vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí, trong khi tính đến thời điểm hiện tại, xã đã trích ngân sách hơn 70 triệu đồng để thực hiện đề án vệ sinh môi trường tại địa phương.
Ngoài đầm Chuồn, hệ thống đầm Sam, đầm Hạ Đạo của huyện Phú Vang, tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra trầm trọng với hàng trăm hecta diện tích mặt nước bị “đầu độc”, nghề nuôi trồng thủy sản cũng bị kiệt quệ, kế sinh nhai của chính người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Nguồn: daidoanket.vn