Xã hội Huế

Dân “dài cổ” chờ tái định cư

Xã hội Huế – Sau ngày cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới, người dân sống trên thượng thành (eo bầu, khu vực đại nội Huế) đã được chính quyền sở tại dự kiến tái định cư, trả lại sự hoàn thiện của di tích. Nhưng sau các động thái, người dân vẫn chưa biết khi nào sẽ  thoát khỏi cuộc sống tạm bợ.

Sống khổ

Hàng chục năm qua, ngôi nhà ông Nguyễn Văn Đay (P.Thuận Thành, TP.Huế) tồn tại trên di tích thượng thành xuống cấp nghiêm trọng,  khiến sinh hoạt của 5 con người gặp nhiều khó khăn: “Nằm trong nhà thấy trời, mưa to nhà dột. Chừ tui có tiền cũng không thể làm nhà vì nằm trong diện chờ giải tỏa” – ông Đay nói.
Bao năm nay, mang danh cư dân trung tâm thành phố, nhưng ông Đay và chục hộ dân trong xóm phải dùng nước giếng. Cách giếng nước hơn chục mét về phía cửa Thượng Tứ là nhà vệ sinh tạm bợ được che bằng 4 tấm bạt rách rưới, cũng là nơi dùng chung cho cả xóm.

Hầu hết những hộ dân đang sống trên di tích thượng thành – eo bầu đều nghèo, mưu sinh bằng đủ loại nghề. Gia đình bà Nguyễn Thị Mai có 8 miệng ăn trông cả vào gánh hàng rong. Nguyện vọng lớn nhất của bà là sớm được tái định cư: “Cách đây khá lâu, phường mời họp, kê khai tài sản. Nói là để đền bù, tái định cư, tui với dân ở đây mừng lắm. Nhưng rồi, chờ mà không thấy động tĩnh chi trơn” – bà Mai nói.

Muốn nhanh cũng không được

Phần lớn các hộ dân sống trên thượng thành – eo bầu đã cư ngụ ổn định từ lâu, có nhiều hộ sống từ trước năm 1975. Năm 1993, khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thượng thành – eo bầu trở thành khu vực I di tích (bảo vệ nghiêm ngặt).

Ông Phan Thanh Hải – GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế – cho biết, khu vực thượng thành – eo bầu có 2.800 hộ với hơn 1 vạn người sinh sống. Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai dự án “Bảo tồn, tu bổ kinh thành Huế” với tổng kinh phí 1.200 tỉ đồng. Có 880 hộ dân nằm trong diện giải tỏa, tái định cư. “Vấn đề trước mắt là TP.Huế tìm quỹ đất tái định cư, kinh phí để đền bù, thuyết phục dân… Dự kiến phải đến năm 2020 phần việc này mới hoàn tất” – ông Hải nói.

Ông Nguyễn Đình Cán – GĐ Ban Đầu tư và Xây dựng TP.Huế – cho biết, để tái định cư cho toàn bộ số dân thượng thành – eo bầu nằm trong diện giải tỏa, TP.Huế huy động quỹ đất xây 27 khối nhà chung cư 4 tầng. Năm 2012, ban được phân bổ nguồn vốn 30 tỉ (trong tổng số 780 tỉ) để triển khai xây 3 chung cư 4 tầng tại Hương Sơ. Sang năm 2013, sẽ có 144 hộ dân đầu tiên khu vực thượng thành phía nam được tái định cư. “Tâm tư, nguyện vọng của người dân là thật, họ kiến nghị lâu nay. Thành phố muốn làm nhanh cũng không được vì thiếu vốn” – ông Cán nói. Năm 2013, Ban Đầu tư và Xây dựng TP.Huế được phân bổ 15 tỉ đồng thực hiện bước tiếp theo của dự án. Tuy nhiên, theo ông Cán thì số tiền trên chỉ đủ để hoàn thành 3 chung cư kể trên.

Dự kiến, sau khi kinh thành Huế được trả lại mặt bằng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế triển khai bảo tồn, tu bổ để phục vụ du lịch: “Tòa thành được xem là nguyên vẹn, quý nhất VN có tiềm năng lớn về du lịch. Tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi các dịch vụ du lịch tại di tích này.” – ông Hải cho biết.

Báo lao Động

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button