Di sản Huế trước tác động của môi trường
Văn hóa Huế – Hệ thống di tích Cố đô Huế với 2 Di sản thế giới là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Đặc điểm này đặt ra một yêu cầu rất nghiêm ngặt là vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hóa vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần; cũng như công việc trùng tu phải gắn chặt với việc bảo tồn – khai thác – phát huy giá trị di sản, thúc đẩy du lịch phát triển.
Đặc phái viên TT&VH Cuối tuần tại Thừa Thiên – Huế đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, xung quanh vấn đề bảo vệ di sản trước tác động của thiên tai, của biến đổi khí hậu.
* Nghe thông tin miền Trung, trong đó có Huế thường xuyên bị bão, lũ tàn phá, nhiều người thực sự lo lắng không rõ các công trình thuộc hệ thống di tích cố đô bị ảnh hưởng ra sao, thưa ông?
– Quần thể di tích Huế có vị trí phân bố trên một địa bàn rộng lớn như gần sông, biển, khu dân cư và tiếp giáp với các khu vực đồi thông, đất canh tác của người dân và hầu hết đều gần các dãy núi hoặc đồi (yếu tố phong thủy); hoặc có thể được xây trên các núi/đồi; đồng thời, đa số các công trình kiến trúc của khu di sản Huế đều có tuổi thọ lớn (hơn 200 năm), được làm bằng các loại vật liệu truyền thống như: gỗ, gạch, ngói, vữa vôi…, sức bền và khả năng chịu nước lũ kém… do đó dễ hư hỏng, mất kết cấu, sụp đổ khi chịu áp lực và thâm nhập của bão lũ.
Ngoài ra, do các khu di sản nằm xen lẫn giữa các khu dân cư, tiếp giáp với các nghĩa trang, nên tình trạng thăm viếng lăng mộ, thắp hương đốt vàng mã, các hoạt động của tham quan du lịch, vui chơi trong dịp tết, lễ cũng rất dễ gây ra cháy rừng và đám cháy có khả năng lan nhanh trên diện rộng. Cùng với hệ thống cây xanh cổ thụ có chiều cao rất lớn cũng có thể là nguyên nhân dẫn truyền sét và các khu di sản phân bố khu vực đồi núi, trên địa hình cao tại các khu vực thường xuyên có sét đánh.
Đặc điểm nữa là thiết kế kiến trúc cảnh quan khiến nhiều hồ, ao bao quanh, sát công trình là nguyên nhân tăng thêm nguy cơ sạt lở hệ thống kè đá, kè hồ… Sân vườn bị hoang trống cũng dễ bị xói mòn, sạt lở. Chính những yếu tố trên nên khi có lũ lụt, nước cuốn và mang theo khối lượng bùn lớn làm bồi lấp lòng hồ, ao, che lấp các cống, cửa thoát nước, gây xói lở các bờ kè, sạt lở hoặc suy yếu kết cấu các tường thành, nền móng. Các trận bão, lũ xảy ra trên địa bàn Thừa Thiên-Huế thường khiến di tích bị hư hại nặng nề. Và thiệt hại do hỏa hoạn còn có thể tăng lên nếu xảy ra vào mùa lễ hội cao điểm của khách tham quan du lịch hoặc trong những tháng nắng nóng. Bên cạnh đó, tác hại của sét đánh đã gây thiệt hại lớn đối với các khu di sản Huế: gây đổ vỡ, nứt… các công trình kiến trúc, nguy hiểm đến tính mạng con người…
* Có giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tác động hoặc khắc phục tác động của thiên tai không thưa ông?
– Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đặt ra và tích cực thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng chống nguy cơ thảm họa cho di tích kiến trúc, cụ thể với các biện pháp: Gia cố móng, kè công trình di tích ở những vị trí hư hỏng để phòng chống sạt lở khi có lũ lụt; chống đỡ, giằng néo hệ khung kết cấu của công trình bằng cột chống và dây thép đảm bảo an toàn cho công trình khi có bão; tiếp tục lắp đặt hệ thống chống sét; lắp đặt hệ thống phòng chống cháy và tập huấn cho cán bộ sử dụng khi công trình bị hỏa hoạn.
Trung tâm đã thiết kế, phát dọn các đường ranh cản lửa, đường đi lại an toàn trong rừng cảnh quan; tổ chức phát dọn thực bì, vệ sinh cào dọn thảm thực vật rơi dày đặc (lá thông, thảm mục) giảm nguy cơ cháy rừng; tổ chức thiết kế các biển báo hiệu, cảnh báo và vùng cấm nguy hiểm trong các khu vực rừng cảnh quan, bố trí thiết kế các đường dẫn nước đến các khu vực rừng cảnh quan để tăng cường công tác phòng chống cháy rừng: Minh Mạng, điện Huệ Nam.
Đặc trưng của di tích là hệ gỗ, việc chống mối mọt cho di tích cũng là vấn đề đang được đặt lên hàng đầu hiện nay. Nhiều tổ chức quốc tế đến từ Ba Lan, Pháp, Anh cũng hỗ trợ giúp cho trung tâm chúng tôi trong vấn đề này nhằm hạn chế ảnh hưởng của tự nhiên tác động trực tiếp đến di tích.
* Mới đây ông đã công bố kết quả bước đầu của dự án lập cơ sở dữ liệu 3D cho di sản Huế. Xin ông cho biết cụ thể hơn về dự án cũng như vai trò của “số hóa” trong công cuộc trùng tu di tích?
– Cách đây ít năm, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phối hợp với Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) thực hiện quét và dựng phim quảng bá giới thiệu việc tái tạo Hoàng thành Huế và di tích Hổ Quyền. Hiện nay trung tâm vừa phối hợp với Công ty TNHH An Thi Việt Nam xây dưng chương trình 3D cho khu vực Thế Miếu – Hiển Lâm Các. Trên cơ sở rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh dần, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai tại các điểm di sản khác nhằm tiến đến hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu 3D số hóa toàn bộ các di sản thuộc quần thể di tích cố đô Huế.
Cơ sở dữ liệu khu vực Thế Miếu – Hiển Lâm Các dưới dạng mô hình kỹ thuật số 3 chiều có độ chính xác cao, thực sự là bước tiến quan trọng về mặt công nghệ bảo tồn dưới dạng số, thông qua các mô hình 3 chiều trong cơ sở dữ liệu này. Từ đây, toàn bộ hình ảnh, kích thước, mối quan hệ không gian, tình trạng hiện thời của các đối tượng trong khu vực Thế Miếu – Hiển Lâm Các đều được thể hiện đầy đủ. Trong tương lai, khi chương trình thiết lập ngân hàng dữ liệu bảo tồn di tích cố đô Huế dưới dạng số được triển khai mở rộng, sẽ có nhiều công trình của di tích Huế được tiếp tục scan và cập nhật, lưu trữ thông tin. Trong trường hợp có bất kỳ sự cố nào có khả năng làm hư hại tới công trình di tích Huế, cơ sở dữ liệu 3D này sẽ là nền tảng phục vụ cho quá trình đo đạc, thiết kế, lập bản vẽ, thử nghiệm các phương án phục dựng lại nguyên trạng toàn bộ công trình.
Từ cơ sở dữ liệu này, chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm dẫn xuất đa dạng phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch, phim ngắn 3D, ảnh toàn cảnh 360 độ, bản vẽ 2D, công bố rộng rãi trên Internet, chia sẻ số liệu nghiên cứu với cộng đồng khoa học quốc tế… Qua chương trình này, trung tâm sẽ có thêm kinh nghiệm về kỹ thuật scan 3D và sử dụng dữ liệu thu đuợc một cách triệt để trong hoạt động trùng tu di tích, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, độ chính xác của công trình được trùng tu nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo tồn trùng tu và phát huy giá trị di tích Huế – Di sản văn hóa thế giới…
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này
Quốc Việt (PV TTXVN tại TT.Huế thực hiện)