Điểm sáng và những rủi ro của nền kinh tế
[ad_1]
Kích cầu tiêu dùng để hỗ trợ tăng trưởng.
Doanh nghiệp tăng tốc, sản xuất, kinh tế dần “hồi sinh”
Càng về cuối năm 2021, “sức khỏe” của các doanh nghiệp Việt càng có tín hiệu phục hồi, được phản ánh qua các con số tích cực như: Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 tỷ USD tháng 11/2021, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% so với tháng 10/2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh những con số thống kê, là sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Linh hoạt, không khoanh tay trước những khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của Việt Nam, các doanh nghiệp đang chống chọi khó khăn, tìm cách phục hồi.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11/2021 có 11.902 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký 149.861 tỷ đồng, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về số vốn so với tháng 10/2021. Đây là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất kể từ tháng 4/2021 – thời điểm làn sóng COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Việt Nam có 4.958 doanh nghiệp trở lại hoạt động trong tháng 11/2021, cao nhất kể từ tháng 4/2021.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,8%. Những con số này đang phản ánh rõ hơn sự dịch chuyển cơ cấu tích cực, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp. Điểm sáng đáng chú ý nhất trong bức tranh kinh tế cả nước là tình hình xuất, nhập khẩu hàng hoá 11 tháng năm 2021 có bước chuyển ngoạn mục, từ nhập siêu 3,7 tỷ USD của 9 tháng thành xuất siêu 225 triệu USD.
Trong 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 599,12 tỷ USD. Đáng chú ý, cán cân thương mại đã giành lại được “vị thế” xuất siêu với 225 triệu USD. Nếu “phong độ” này tiếp tục được giữ vững trong tháng còn lại, xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ thiết lập kỷ lục mới với trên 600 tỷ USD trong năm nay, góp phần tích cực vào việc hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra. Để có được thành tựu này trong xuất khẩu, có phần đóng góp của các doanh nghiệp đã chủ động tìm cách vượt khó khăn.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, từ khi dịch bệnh xuất hiện, xu hướng tiêu dùng của nhiều quốc gia bắt đầu có sự thay đổi. Người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm đông lạnh để trữ ăn dần chứ không đi chợ để mua hàng tươi như trước. “Để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, công ty chủ động chuỗi liên kết bằng cách dùng nguồn nhân lực địa phương của mỗi vùng nguyên liệu. Trong khó khăn càng thấy rõ giá trị của việc liên kết, hợp tác với nông dân. Điều này sẽ được công ty chú trọng phát triển năm 2022 để khôi phục lại các hoạt động kinh doanh”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ.
Bà Lưu Vũ Ngọc Ngân, Phó Giám đốc Công ty Kim Minh International “tiết lộ” bí quyết giữ vững đơn hàng xuất khẩu trong mùa dịch là việc doanh nghiệp ứng dụng linh hoạt phương pháp “lạt mềm buộc chặt”. Công ty khuyến khích nhân viên khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận các nhà nhập khẩu trên thế giới; tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng khách hàng trong nhiều lĩnh vực.
Những áp lực hiện hữu
Tuy nhiên, càng về những tháng cuối năm 2021, những vấn đề của nền kinh tế càng bộc lộ rõ. Bên cạnh việc giải ngân đầu tư công không đạt được như kế hoạch đã đặt ra, thì sự phục hồi của doanh nghiệp cũng chưa được như mong muốn, và sự phát triển “nóng” của một số thị trường (như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…) cũng khiến nền kinh kế đứng trước những rủi ro tiềm ẩn.
Trong khi đó, COVID-19 vẫn phức tạp, những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động năm 2022 có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phía nam. Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng: Các bộ, ban ngành, các hiệp hội ngành hàng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nối lại nhanh chuỗi sản xuất, khôi phục nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ CP của Chính phủ.
Một vấn đề cần lưu tâm trong thời gian tới là áp lực lạm phát cao của năm 2022 đối với kinh tế Việt Nam. Giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới liên tục tăng cao thời gian qua; giá dầu thô dự báo còn tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế.
Kỳ vọng tăng trưởng GDP 2022
Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự kiến tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt khoảng 6 – 6,5%. Đặc biệt, năm 2022 việc áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống xã hội một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, tiếp tục “cởi trói” tinh thần cho doanh nghiệp. “Với tình hình phục hồi như hiện nay, GDP quý I/2022 có thể tăng trưởng khoảng 6%, còn cả năm 2022 có thể đạt hơn 8% nhờ một số ngành năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành dịch vụ như: Du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn… “, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo.
Một số chuyên gia kinh tế “hiến kế”: Để phục hồi nhanh nền kinh tế, thời gian tới, Việt Nam cần đưa ra gói kích thích kinh tế đủ lớn với các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, chấp nhận nâng tỷ lệ bội chi, nợ công trong giai đoạn này để có nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, mức hỗ trợ của Việt Nam vừa qua chỉ tương đồng các nước thu nhập thấp. Nhà nước đã sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4%/GDP để phục hồi kinh tế, nhưng quy mô các gói thấp hơn nhiều so với bình quân 16,4% GDP của toàn cầu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo: Cần có các công cụ đủ mạnh để kiểm soát thị trường chứng khoán, bất động sản…, tránh khả năng phát triển “bong bóng”, mất kiểm soát. Còn TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề nghị kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng ít nhất đến cuối năm 2022; đồng tình giảm lãi suất cho vay 0,5 – 1%/năm.
Bài học từ gói kích cầu 2008 – 2009 có quy mô lên tới 122.000 tỷ đồng từng giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ đã tạo ra hệ lụy cho sự phát triển bền vững vì việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát, dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí tác dụng ngược, không đến đúng đối tượng, thậm chí chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Do vậy, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh: Cần tăng cường giám sát chương trình kích cầu phục hồi kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm, khoa học và toàn diện, xuyên suốt.
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Khuyến khích đầu tư tiêu dùng nội địa Bên cạnh tăng xuất khẩu, khuyến khích tiêu dùng nội địa để tạo ra động lực nội tại cũng là cần thiết, song cần phải xem xét mức độ đầu tư, bởi nếu đầu tư quá mức làm giảm tiết kiệm, qua đó làm giảm đầu tư trong nước hoặc phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Đối với khai thác đầu tư trong nước cần chú trọng vào sản xuất hàng tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu hiện nay. Xuất khẩu và tăng thu hút đầu tư trong nước hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu đang gặp khó khăn, trở ngại do chi phí logistics tăng cao. Để khơi thông hai động lực này cần có gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp bằng hỗ trợ chi phí phòng, chữa bệnh, trợ cấp cho công nhân và gia đình, cũng như nghĩa vụ thực hiện thuế. Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng Cần khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để 2 khu vực sản xuất này sớm quay lại sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, kết hợp hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý. Không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi do cho hệ thống ngân hàng. |
Theo Báo Tin tức