Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Bắc Trung Bộ
Du lịch Huế – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch Vùng một cách toàn diện, đồng bộ; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Bắc Trung Bộ.
Phấn đấu đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm nghèo và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đóng góp của du lịch trong GDP đạt 12.300 tỷ đồng, tương đương 600 triệu USD vào năm 2015; đạt 20.705 tỷ đồng, tương đương 1,01 tỷ USD vào năm 2020.
Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính
Về định hướng phát triển chủ yếu, cần đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Cụ thể, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, chú trọng khách với mục đích nghỉ dưỡng biển, du lịch về nguồn, nghỉ cuối tuần, lễ hội tâm linh; khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch sinh thái và du lịch kết hợp công vụ.
Bên cạnh đó, thu hút, phát triển mạnh thị trường gần như Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Lào, Campuchia, Myanmar) đặc biệt là các thị trường trong hành lang kinh tế Đông Tây và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan); tăng cường khai thác thị trường truyền thống cao cấp từ Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại dương…
Về sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm chính. Cụ thể, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch di sản văn hóa trên cơ sở khai thác hiệu quả hệ thống các di sản thế giới và các di tích lịch sử-văn hóa trong vùng; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử-cách mạng; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển hướng tới thị trường các tỉnh phía Bắc cũng như Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong Vùng; đa dạng hóa sản phẩm nhằm khắc phục tính thời vụ của hoạt động du lịch; tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Bình, cũng như với các quốc gia khác trên hành lang kinh tế Đông Tây.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư là 165.025 tỷ đồng (tương đương 8,05 tỷ USD), bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (gồm cả vốn ODA), vốn FDI, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó phần vốn huy động từ các thành phần kinh tế là chủ yếu, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch và được bố trí căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hằng năm và theo tiến độ từng giai đoạn.
Ưu tiên đầu tư phát triển 4 khu du lịch quốc gia, 6 điểm du lịch quốc gia và 6 trọng điểm phát triển du lịch. Đầu tư 4 chương trình: 1- Xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; 2- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; 3- Bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên; 4- Phát triển hạ tầng du lịch then chốt.
Theo: Hoàng Diên – chinhphu.vn