Đất - Người Huế

Gặp nghệ nhân làm nghề “kỳ dị” nổi tiếng ở xứ Huế

Đất – Người Huế – Nói là nghề “kỳ dị” bởi lẽ đây là nghề “có một không hai” ở xứ Huế, đó là nghề làm mõ mà mọi người thường thấy ở các đình chùa. Việc làm ra một chiếc mõ đòi hỏi rất công phu và tỷ mỷ, ngoài việc tạo hình thì việc tạo ra âm thanh cho chiếc mõ cũng là một vấn đề nan giải. Cũng bởi vì tính chất phức tạp đó nên mọi người hay gọi đây là một nghề “kỳ dị”, vì không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn và có cái tâm để theo đuổi nghề…

Đến với nghề “kỳ dị” nhờ sự tình cờ

Phường Thủy Xuân (TP Huế), được biết đến là nơi nổi tiếng sản xuất ra những chiếc mõ độc đáo luôn được các nhà chùa ưa chuộng. Ở trong phường có một nghệ nhân đến với nghề mõ một cách tình cờ, nhưng cũng chính nhờ sự tình cờ ấy mà giờ đây anh đã là người nổi tiếng bậc nhất và được phong danh hiệu “nghệ nhân làm mõ”. Đó là anh Lê Thanh Liêm (45 tuổi), trú tại Tổ 2, phường Thủy Xuân, TP Huế (Thừa Thiên – Huế). Tiếp phóng viên khi đang “tay đục, tay cưa”, anh Liêm vội khẽ giơ cánh tay lau những vạt mồ hôi và kể về cơ duyên gắn bó với nghề “kỳ dị” này.

Anh Liêm tâm sự, gia đình anh có truyền thống theo nghề mộc, làm những sản phẩm như bàn ghế, chạm trổ…, chứ chưa có một ai theo nghề làm mõ này cả. Trước đó, bố của anh cũng đã từng định làm nghề mõ nhưng cũng vì “khó” quá nên bố anh đã phải giang giở giấc mơ. Khi lớn lên anh Liêm cũng nối nghiệp làm mộc theo bố để mưu sinh và việc đến với nghề làm mõ “kỳ dị” này chính là một cơ duyên.

Làm nghề mộc từ năm 17 tuổi, ban đầu anh Liêm học mộc, sau rồi anh học chạm, rồi sau đó khắc tượng…, nên việc chuyển qua làm mõ với anh cũng không khó vì cũng đã bao nhiêu năm gắn bó với gỗ, với đục, với cưa. Vấn đề quan trọng nhất đối với những chiếc mõ là ngoài hình thức thì nó còn có nội dung bên trong, đó là âm thanh của mõ. Việc một chiếc mõ hình thức đẹp nhưng mà âm thanh rỗng, tiếng không thanh thoát, âm không tĩnh thì đó cũng chỉ là chiếc mõ “vứt đi”, vấn đề là phải có cái tâm, có sự kiên nhẫn vì sản xuất ra một chiếc mỏ là một quá trình lâu dài chứ không phải là ngày một ngày hai – Anh Liêm nhấn mạnh.

Anh Liêm khẽ cười: “Chắc là nghề chọn người các chú à, vì tui có ý định làm đâu”. Nhấp ngụm trà nóng, anh Liêm kể rằng vào thời điểm năm 2009 tình cờ anh gặp được kỹ nghệ gia Hoàng Trọng Trọng và “vô tình” anh Liêm đã lọt vào “mắt xanh” của kỹ nghệ gia này. Thấy anh Liêm cũng có năng khiếu về nghệ thuật, có khả năng cảm âm, chạm gỗ…, nên ông Trọng đã gợi ý và truyền cho anh Liêm một số kinh nghiệm để sản xuất ra những chiếc mõ phục vụ cho dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Vốn trong mình luôn mang ý tưởng là giữ lại “chút hương xưa” của cha ông và muốn “vá lại” những mơ ước giở dang mà người bố của anh chưa thực hiện được, sẵn dịp có người “gợi ý” giúp đỡ như “cá gặp nước” chỉ trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và ít ỏi ấy anh Liêm đã tiếp thu được những “bí quyết” mà nghệ nhân truyền lại. Và sau đó, những chiếc mỏ được anh cho ra lò.

Nghề “kỳ dị”, nghệ nhân cũng “dị thường”

Nói là “dị thường” không phải là “mỉa mai” khả năng của anh Liêm, mà đó là sự tài năng và đặc biệt mà không phải “nghệ nhân” nào cũng có. Sự “dị thường” ấy chính là những tố chất sẵn có trong con người anh, đó là khả năng chọn gỗ, cảm âm và những ý tưởng độc đáo ấy… Chính anh Liêm thành công, danh tiếng vang xa như ngày hôm nay âu cũng bắt nguồn từ sự “dị thường” ấy, và sự kết hợp giữa nghề “kỳ dị” và người nghệ nhân “dị thường” đã cho ra những chiếc mõ “độc nhất vô nhị?”..

Nghề làm mõ phục vụ cho các đình chùa có một đặc thù rất riêng là phải làm từ gỗ mít, bởi vì gỗ mít mềm, dễ đục và những âm thanh phát ra từ gỗ mít rất trong và êm, còn các loại gỗ khác như gỗ trắc, triền thì lâu ngày nó nứt và mất đi âm thanh. Theo kinh nghiệm của anh Liêm thì anh thường tính vòng trên thân cây để chọn gỗ, đồng thời dựa vào kinh nghiệm dân gian cứ một vòng trên thân cây tương ứng với một năm và những gốc mít mà anh chọn để làm mõ thông thường có tuổi đời từ 300-400 năm. Với con mắt “tinh đời” của mình, khi nhìn vào thân gỗ anh đã thấy được thân gỗ ấy mang lại âm thanh như thế nào, trong hay là trầm, cũng từ thân gỗ ấy trong đầu anh đã mường tượng ra được chiếc mỏ mà anh định sản xuất sẽ theo bố cục như thế nào.

Xưởng làm mõ của anh Liêm gồm có 6 nhân công và mỗi người làm một công đoạn, khi mua một thân gỗ về thì mỗi người một mảng, đầu tiên là sẻ gỗ, ra phôi, rồi đến khâu hình thành phôi và sau đó là đục rỗng gỗ rồi đưa vào lò sấy, tiếp tục là việc mài láng và chạm trỗ, khâu cuối cùng là lấy tiếng. Những nhân công trong xưởng làm mõ của anh Liêm thường được anh phân công làm những công việc phù hợp với khả năng của mỗi người. Hiện tại giờ anh Liêm chỉ làm một khâu quan trọng nhất là lấy tiếng, vì tiếng chính là phần quan trọng nhất và cũng chính là “hồn” của chiếc mõ.

Sự “kỳ dị” trong chiếc mõ cũng bắt nguồn từ khâu lấy tiếng, anh Liêm tâm sự rằng có khi cả tuần cũng không lấy được tiếng. Để lấy tiếng của một chiếc mõ thì trước hết phải có kinh nghiệm từ lâu năm, mới vào nghề không bao giờ lấy tiếng được. Nói đến đây anh cười bảo rằng nó “kì quái” lắm, vì khi lấy tiếng phải ngồi chính diện với mõ, mọi thứ dường như “nội bất xuất, ngoại bất nhập” không để bất kỳ thứ gì có thể ảnh hưởng để làm “lạc” đi cái tiếng mà mình đang cảm nhận. Có những hôm anh phải thức suốt đêm mới lấy được âm thanh cho chiếc mõ: “Khó mà dễ, dễ mà khó các chú ạ, nghề này đặc biệt vậy đó” – anh Liêm nói với giọng cười đùa.

Với một chiếc mõ thì có nhiều kích cỡ khác nhau, cái nhỏ nhất có đường kính là 20cm, cái lớn nhất là 80cm, đối với những chiếc mõ có đường kính 80cm thì thời gian hoàn thiện ra được nó cũng ít nhất mất đi 4 tháng ròng rã. Cũng chính bởi sự kì công ấy, những chiếc mõ tại xưởng của anh Liêm xuất ra thị trường cũng có giá thành rất “đặc biệt”, chiếc nhỏ nhất có giá là 80.000 đồng/chiếc, lớn nhất với giá 150.000.000 đồng/ chiếc. Đắt thì xắt cũng ra miếng, mõ ở xưởng anh Liêm được mọi người ưa chuộng và từng được xuất ngoại qua rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia theo đạo phật như Ấn Độ, Trung Quốc, Lào…

Danh tiếng của anh Liêm vốn được các sư thầy biết tới và hầu như nhà chùa nào ở TP Huế cũng dùng sản phẩm mõ của xưởng anh Liêm. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Đại đức Thích Nhật Trí đang tu ở chùa Thiền Tôn, phường An Tây, TP Huế (Thừa Thiên – Huế) nói rằng, anh Lê Thanh Liêm là một thợ làm mõ “dị thường” và có uy tín rất cao, tài năng có một không hai “nhất nhì” ở xứ này. Hàng ở đây luôn đạt tiêu chuẩn “song long chầu”, tức là một chiếc mõ hội tụ hoa văn của cá và rồng, tiếng mõ rất thanh thoát. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng tiếng mõ ở những nơi đó không trong veo, khi cất lên nghe chua chát lắm, còn tiếng mõ ở đây trong veo, thanh thoát, đạt đến mức “duyệt chúng”.

Nhờ “tâm sáng, lòng trong” của bản thân mà anh Liêm đã gặt hái được rất nhiều thành công trong nghề. Trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội sản phẩm mõ của cơ sở anh Liêm đã vinh dự được góp mặt. Nối tiếp thành công ấy, hầu như trong tất cả các dịp triển lãm sản phẩm làm nghề của tỉnh Thừa Thiên – Huế, những sản phẩm mõ của cơ sở anh Liêm luôn đạt vị thế độc tôn và được mọi người thích thú.

Để thành công phải xuất phát từ “tâm”

Cũng theo anh Liêm cho biết thêm, để trụ vững với nghề này phải xuất phát từ cái tâm của chính mình. Vì những chiếc mõ là sản phẩm làm cho chùa chiền, làm phải theo đạo đức, tâm phải trong sáng, không vụ lợi thì khi ấy mới thành công được. Cũng xuất phát từ điều ấy mà đã bao năm qua anh luôn đào tạo, truyền tất cả các bí quyết của mình cho học trò mà không hề đắn đo suy nghĩ, “làm phải chú ý tới tâm và tiếng, không nên nghĩ tới chuyện ăn thua thì mới nên – anh Liêm nhấn mạnh.

Theo: Hoàng Ngọc – Hùng Lê – doisongphapluat.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button